Kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua chothấy: Không dễ “tiêu hóa” những điều trong sách tham khảo bởi đa số ít hướng dẫn về phương pháp mà chỉ thuần kiến thức. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu một số phương pháp để định hướng cảm thụ, với mong muốn các em sẽ thi tốt nghiệp môn văn đạt điểm cao.
Đừng xem thường chú thích
Trước tiên phải nói đến sách giáo khoa, vì toàn bộ văn bản tác phẩm đề thi đưa ra đều nằm trong đó. Trong sách giáo khoacó phần “kết quả cần đạt” và riêng sách cơ bản có thêm phần “ghi nhớ”, đều có giá trị định hướng nội dung tư tưởng, chủ đề và giá trị nghệ thuật. Cần lưu ý phần “Hướng dẫn học bài” ở cuối văn bản vì đó là hướng dẫn nội dung từng phần của tác phẩm.
Đừng xem thường phần chú thích (nếu có), vì nó giải thích những từ khó hoặc điển cố, điển tích văn học giúp các em hiểu ý nghĩa vấn đề. Chỉ cần bấy nhiêu thôi là đã có điểm trên trung bình rồi.
Tôi từng biên soạn nhiều bộ sách tham khảo nên chân thành nói với các em rằng sẽ không dễ“tiêu hóa” những điều trong đó bởi đa số ít hướng dẫn về phương pháp mà chỉ thuần kiến thức. Có kiến thức mà không có phương pháp chẳng khác gì con tàu thiếu hải đăng dẫn lối.
Lưu ý cả 2 phần: Dẫn, nhập
Xin giới thiệu các em 2 kiểu đề thường gặp trong phạm vi kỳ thi tốt nghiệp THPT:
–Kiểu cảm nhận về hình tượng nhân vật: Trong đề tàichiến tranh thường lấy cảm hứng đất nước. Với loại đề này, trong phần mở bài bao giờ cũng gồm 2 phần là dẫn và nhập. Phần dẫn yêu cầu các em phải hiểu hình tượng nhân vật đó đương nhiên ở trong tác phẩm cần cảm nhận và tác giả của nó. Vì vậy, phải giới thiệu nét tiêu biểu về tác giả và tác phẩm (chỉ cần giới thiệu vị trí tác giả trong đời sống văn học và phong cách sáng tác. Cả hai vấn đề đều có trong tiểu dẫn của sách giáo khoa). Đối với nét tiêu biểu về tác phẩm thì có thể giới thiệu hoàn cảnh ra đời kết hợp xuất xứ.
Phần nhập phải giới thiệu nhân vật trung tâm và ý nghĩa của luận đề (ví dụ: Tác phẩm thiên về đề tài chiến tranh thì nhân vật chính thường mang phẩm chất anh hùng, sống có lý tưởng cao đẹp…). Hãy nhớ mở bài mà không nêu được luận đề thì coi như lạc đề hoặc không hiểu đề.
Ở phần thân bài, bước 1 phải nêu được khái quát nội dung tác phẩm. Từ khái quát xuống cụ thể. Ví dụ: Rừng xà nu là câu chuyện đau thương mà người anh hùng của nhân dân Tây Nguyên vùng lên giành độc lập tự do trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, được điểnhình qua hình tượng nhân vật Tnú.
Cuối thân bài các em nên nhận định chung, tổng hợp lại vấn đề rồi từ nhân vật cụ thể mà khái quát lên thành tập thể.
–Kiểu phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm: Đây làkiểu đề khó nên các em phải luyện tập thật tốt. Cần biết phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học là tìm hiểu thái độ tình cảm xót thương, thấu hiểu, trân trọng, tin tưởng của nhà văn đối với cảnh ngộ; niềm trăn trở tâm tư, khát vọng hạnh phúc, phẩm chất tốt đẹp và khả năng vươn dậy của những mảnh đời bất hạnh trước hiện thực tăm tối của cuộc sống.
Trong phần mở bài thì phần dẫn giống kiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật. Phần nhập thì phải nêu tư tưởng của tác phẩm (tinh thần nhân đạo). Ở phần thân bài, bước 1 phải nêu cho được khái niệm nhân đạo trong tác phẩm văn học. Bước 2 phải khái quát nội dung tác phẩm. Bước 3 phải lần lượt tìm hiểu phân tích thái độ, tình cảm của nhà văn qua từng nhân vật (tránh rơi vào phân tích hình tượng nhân vật vì chỉ tìm hiểu thái độ của tác giả về một nhân vật). Bước 4 phải tổng hợp lại vấn đề để xem tính nhất quán của tác giả. Phần kết bài giống vớikiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật.
Trong phần kết bài của kiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật, lưu ý nguyên tắc cơ bản là mở cái gì thì phải kết về cái đó. Liên hệ bản thân (nếu vận dụng được thì tốt nhưng tránh kiểu câu hô hào mà không tạo được tính biểu cảm chân thành).
Theo: NGUYỄN ĐỨC HÙNG
(Trung tâm Luyện thi ĐH và Bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn – TPHCM)/(NLDO)