Nhân lực CNTT Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng

Ngày 18-3, tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị với các cơ sở đào tạo Công nghệ thông tin về việc triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT). Bộ TT-TT dự báo nhiều khả năng ngành CNTT sẽ thiếu nhân lực trong vài năm tới nếu không có sự tăng trưởng đột phá của các cơ sở đào tạo. Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất, chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực CNTT sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện thành công đề án này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan các doanh nghiệp CNTT triển lãm tại Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT theo nhu cầu xã hội” tổ chức tại Đà Nẵng(Ảnh: VTC)

Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia và đóng góp những ý kiến cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành CNTT-TT tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

Nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNTT-TT là rất lớn

Bộ TT-TT dự báo nhiều khả năng ngành CNTT sẽ thiếu nhân lực trong vài năm tới nếu không có sự tăng trưởng đột phá của các cơ sở đào tạo. Theo tính toán của Bộ, trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông; trong đó có 217.000 người trình độ cao đẳng, đại học và 194.000 người trình độ trung cấp.

Tiến sỹ Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc công ty Vietsoftware, là một người rất tâm huyết với ngành đào tạo CNTT-TT đã chỉ ra rằng nhân lực ngành CNTT-TT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu. Theo đó thì CNTT-TT tại Việt Nam đang phát triển theo kiểu tự phát là chính. Hơn nữa, việc thiếu về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về CNTT-TT đã khiến việc cạnh tranh kém lành mạnh, xảy ra nhiều tiêu cực.

Việc nguồn nhân lực CNTT-TT yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ quả hết sức to lớn. Đầu tiên là việc các công ty chuyên về CNTT-TT sẽ không đảm bảo được chất lượng và sau đó là cả ngành CNTT-TT sẽ bị suy yếu theo.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh hiện nay ngành CNTT-TT nước nhà đang thiếu một chiến lược quy mô quốc gia. Nếu giải quyết được vấn đề này, chắc chắn đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT sẽ dễ dàng được triển khai hơn.

Các giải pháp được đề xuất

Để ngành CNTT hấp dẫn trở lại cũng như để bảo đảm chất lượng nhân lực phục vụ cho chiến lược tăng tốc về CNTT các chuyên gia trong ngành đã đóng góp khá nhiều ý kiến dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng cần điều chỉnh các môn thi đầu vào ngành CNTT của các trường thành Toán, Lý, Ngoại ngữ thay cho Toán, Lý và Hóa như hiện nay, bởi với ngành CNTT, trình độ về ngoại ngữ (tiếng Anh) rất quan trọng. Còn ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, cho biết tại các kỳ thi lập trình viên quốc tế do Hội Tin học tổ chức gần đây, hầu hết sinh viên Việt Nam chỉ giải được non một nửa trong tổng số bài thi. Ông cho rằng đó là do quy trình đào tạo CNTT của Việt Nam còn thiếu cập nhật, nhiều trường vẫn dạy ngôn ngữ cổ điển Pascal trong khi nước ngoài đang đào tạo C#. “Cần nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo để theo kịp yêu cầu thực tế”, ông Long nói.

Theo quan điểm của ông Thắng, để đạt được các mục tiêu về nguồn nhân lực CNTT, trong thời gian tới cần phải chú trọng đến nhiều vấn đề. “Cần phải thay đổi quan điểm đào tạo, thay đổi mạnh về chất lượng đào tạo và cả về định hướng đào tạo. Cần đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa, tăng cường hợp tác để thu hút các nguồn lực tài chính phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu”, ông Thắng nói. Theo ông, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT sẽ là giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực tài chính, đầu tư dài hạn cho các cơ sở đào tạo, thực hiện chính sách cho vay ưu đãi để giúp sinh viên nghèo trang trải học phí. Các nhà đầu tư sẽ là người môi giới, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Việc hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu xu hướng nhu cầu của thị trường nguồn nhân lực để xây dựng định hướng đào tạo phù hợp.

Nguồn nhân lực CNTT- TT cần được đào tạo bài bản

Theo ông Phạm Phương Đạt, Phó tổng giám đốc công ty FPT Software thì từ nay đến năm 2020, nhu cầu tuyển nhân sự ngành CNTT-TT tại các doanh nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Ông Đạt cũng đưa ra dẫn chứng về nhu cầu tuyển nhân sự tại chính FPT Software.

Xét trong năm 2010, công ty này đang có trong tay 3120 nhân sự được đào tạo bài bản về CNTT-TT nhưng đến năm 2020, nhu cầu của FPT Software về nhân lực ngành CNTT-TT theo ước tính có thể lên tới con số 50106 người. Với nhu cầu gia tăng mỗi năm từ 30%-40%, rõ ràng ngành CNTT-TT đang rất cần tăng thêm cả về chất và lượng tại những cơ sở đào tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thượng Hải, Giám đốc phụ trách giáo dục của Intel tại Việt Nam tỏ ra rất tán đồng với quan điểm này. Ông Hải cũng cho biết thêm hiện nay nhu cầu tuyển nhân sự ngành CNTT-TT của Intel tại Việt Nam là rất lớn. Vào những giai đoạn sản xuất cao điểm, số nhân sự cần tuyển có thể lên tới xấp xỉ 4000 người. Đối tượng chủ yếu của Intel vẫn luôn là sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Do vậy, chất lượng đào tạo của ngành CNTT-TT là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Hải cũng cho rằng các chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật ngành CNTT-TT cần phải có thêm nhiều phần thực hành. Các trường đào tạo cũng cần phải tăng cường phương pháp học tập chủ động (Active learning) nhiều hơn với sinh viên. Ngoài ra thì nhiều giáo trình CNTT-TT tại Việt Nam cũng cần liên tục cập nhật, đổi mới để theo kịp các nước tiên tiến phát triển trên thế giới.

Theo ông Phan Phương Đạt thì trước mắt, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên toàn quốc cần phải tăng thêm số lượng sinh viên ngành CNTT-TT. Ngoài ra thì với việc 80% sinh viên hiện nay đều ra trường vào mùa hè sẽ có thể gây khan hiếm nguồn lực vào những thời điểm khác trong năm. Ông Đạt đề xuất các trường đào tạo có thể tự chủ hơn trong việc quyết định thời điểm tốt nghiệp của sinh viên ngành CNTT-TT nhằm giúp doanh nghiệp có thể có nhiều hơn những cơ hội tuyển dụng.

Trong khi đó, tiến sỹ Trần Lương Sơn của công ty Vietsoftware thì cho rằng Bộ TT-TT cần xây dựng chiến lược quốc gia 10 năm về phát triển nhân lực ngành CNTT-TT và đây sẽ là một phần rất quan trọng trong quá trình thực hiện đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

Ông Nguyễn Quốc Bình, tổng giám đốc công ty Hanel đưa ra ý tưởng về việc các cơ sở đào tạo CNTT-TT cần tiến hành triển khai mô hình đào tạo tập trung đối với sinh viên nhằm nâng cao chất lượng. Ngoài ra thì những mô hình kiểu như công viên phần mềm Quang Trung cũng cần sớm được triển khai.

Tuấn Phong tổng hợp

Bài liên quan

Công nghệ thông tin: Những yêu cầu và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Công nghệ thông tin hiện là một ngành còn có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng rất nhiều yêu cầu thử thách. Thật sự công nghệ thông tin là một ngành đòi hỏi chất xám và sự kiên trì, phải có tư duy tốt, tư duy suy luận và giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo chứ không chỉ thuần túy là giỏi toán nếu muốn vươn cao trở thành chuyên viên lành nghề trong ngành công nghệ thông tin.  

Các chuyên ngành Điện tử Viễn thông

(Hiếu học) Mấy năm trở lại đây, điện tử viễn thông là ngành khá "hot". Nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo ngành Điện tử Viễn thông như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ĐH Giao thông Vận tải TPHCM và Học viện Bưu chính viễn thông... 

Cùng chuyên mục