(Hiếu học) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Bộ Khoa học – Công nghệ phối hợp với bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm triển khai xây dựng đề án đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học. Xây dựng đề án thí điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mang dáng dấp doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ…
Theo báo Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Theo đó sẽ có 46 công nghệ cao thuộc nhiều lĩnh vực được ưu tiên đầu tư phát triển như: – công nghệ thiết kế, chế tạo các bộ vi xử lý, mạch tích hợp và bộ nhớ máy tính có dung lượng cao; – công nghệ chế tạo hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động; – công nghệ truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh thế hệ thứ 2; – công nghệ ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị; – công nghệ vi sinh trong xử lý ô nhiễm môi trường; – công nghệ vật liệu nano; – công nghệ thiết kế tàu thủy cỡ lớn, tàu có tính năng phức tạp…
Riêng về sản phẩm, trong danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển có 76 sản phẩm gồm: – pin, ăcquy có hiệu năng cao cho các thiết bị thông tin và truyền thông; – màn hình độ phân giải cao; – module và các thiết bị điều khiển thiết bị đầu cuối 3G và mạng thế hệ sau; – phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bí mật thông tin ở mức cao; – protein, enzym tái tổ hợp sử dụng trong dược phẩm, thực phẩm công nghiệp và xử lý môi trường; – văcxin ADN tái tổ hợp, văcxin protein tái tổ hợp dùng cho người, gia súc, gia cầm và thủy sản; – các giống cây trồng, vật nuôi mới, sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng cao được sản xuất ở quy mô công nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu căn cứ tình hình từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này.
Các ngành Khoa học và công nghệ tuyển sinh 2011:
Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho Khoa học – Công nghệ tạo bước phát triển mới trong thời gian tới. Bộ Khoa học – Công nghệ phối hợp với bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm triển khai xây dựng đề án đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học. Xây dựng đề án thí điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mang dáng dấp doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ…
– ĐHQG Hà Nội đã cùng các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (Viện IMI) thuộc Bộ Công thương để phối hợp tổ chức đào tạo một số chuyên ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn: Cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ nano) và thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và linh kiện nano, kỹ sư Cơ kỹ thuật và cử nhân Công nghệ Cơ điện tử. Đã huy động được 44 nhà khoa học trình độ cao của các viện làm “giảng viên kiêm nhiệm”, phối hợp tổ chức đào tạo và đã có các sản phẩm đào tạo chung đã tốt nghiệp với hơn 100 thạc sĩ CNTT, 70 thạc sĩ Vật liệu và linh kiện nano; 120 cử nhân Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ nano và công nghệ nano sinh học), 33 kỹ sư Cơ kỹ thuật; các chương trình đào tạo Công nghệ cơ điện tử, Công nghệ hàng không vũ trụ đã tuyển sinh được hai khóa. (Xem thêm: ĐHQG HÀ NỘI: TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ; TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN tuyển sinh 2011)
– ĐH Công nghệ Hà nội (Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tuyển 110 chỉ tiêu Ngành Vật lý Kỹ thuật – Cơ học kỹ thuật đào tạo theo định hướng công nghệ cao về Vật liệu và linh kiện nano, Quang tử nano và Nano sinh học nhằm ứng dụng trong các lĩnh vực vi điện tử, y-sinh và môi trường (thi khối A). Ngành Cơ học Kỹ thuật và ngành Công nghệ Cơ điện tử đào tạo kỹ sư, cử nhân theo mô hình hợp tác giữa trường ĐH, viện nghiên cứu và tập đoàn công nghiệp.
– ĐHQG TPHCM:Tuyển sinh năm 2011, trường ĐH Bách khoa dự kiến tuyển 3.950 chỉ tiêu;Trường ĐH Khoa học tự nhiên: tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2011 của trường là 3.450, trong đó bậc ĐH 2.750 chỉ tiêu và bậc CĐ 700 chỉ tiêu. Riêng ngành khoa học vật liệu (vật liệu màng mỏng, vật liệu polymer) trường đề nghị tuyển cả hai khối A, B.
– Học viện Kỹ thuật Quân sự tuyển 600 kỹ sư hệ dân sự: Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa; Điện tử Y sinh; Cơ điện tử…
– Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: cho biết năm 2011 nhà trường dự kiến tuyển tổng cộng 10.000 chỉ tiêu, trong đó có 5.000 chỉ tiêu bậc ĐH và 5.000 chỉ tiêu bậc CĐ. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh hệ liên thông ở các bậc học (từ TCCN lên CĐ, TCCN lên ĐH, CĐ lên ĐH) ở tất cả các ngành đào tạo của trường.
Nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ Vật Liệu Nhóm ngành Vật Liệu phù hợp với những người yêu thích lĩnh vực vật liệu, có khả năng quan sát, khám phá, phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề. Về đào tạo, hiện có hai hướng đào tạo chính gồm kỹ thuật vật liệu và công nghệ vật liệu. Như: Ngành công nghệ vật liệu, khoa học vật liệu; Kỹ thuật vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng; Kỹ thuật gang thép luyện kim, Vật lý kỹ thuật…
Tại TP.HCM chiều 10-3-2011, UBND TP tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu cùng nhiều nhà khoa học, đại diện một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM và Hà Nội. Hai ĐHQG cho biết sẽ liên kết chặt chẽ để nghiên cứu, đào tạo hai chương trình thế mạnh mà ĐHQG Hà Nội đã ký ghi nhớ với ĐH Chicago về việc hợp tác đào tạonghiên cứu khoa học.
Công Thuật (hieuhoc_hieuhoc.com)