(Hiếu học) Nhóm ngành Vật Liệu phù hợp với những người yêu thích lĩnh vực vật liệu, có khả năng quan sát, khám phá, phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề. Về đào tạo, hiện có hai hướng đào tạo chính gồm kỹ thuật vật liệu và công nghệ vật liệu.
Học ngành khoa học vật liệu, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản và khả năng thực nghiệm về cấu trúc vật liệu; các phương pháp chế tạo vật liệu; các phương pháp đo đạc và nghiên cứu vật liệu; các tính chất cơ bản của các loại vật liệu khác nhau và những ứng dụng chính của chúng.
Về đào tạo, hiện có hai hướng đào tạo chính gồm kỹ thuật vật liệu và công nghệ vật liệu:
– Ngành công nghệ vật liệu, khoa học vật liệu: Người học được trang bị kiến thức cơ bản rộng, có hiểu biết sâu sắc về cấu trúc, tính chất vật liệu xây dựng cũng như công nghệ: xử lý, gia công, chế tạo và ứng dụng vật liệu trong các lĩnh vực cụ thể.
– Kỹ thuật vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng: Kỹ sư ngành vật liệu có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất thuộc những lĩnh vực về vật liệu kim loại, vật liệu silicat (ximăng, gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…), và vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, composite…), các cơ quan quản lý các cấp, các công ty tư vấn, các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các trung tâm nghiên cứu… Ngành kỹ thuật vật liệu còn có vật liệu ceramic (gốm, sứ, thủy tinh), vật liệu polymer, vật liệu điện tử, nano.
Hiện nay, hai ngành này và các ngành khác được nhiều doanh nghiệp của các tập đoàn xây dựng lớn đặc biệt quan tâm. Các tập đoàn này thường dành nhiều suất học bổng cho các sinh viên trong trường học các ngành này. Hàng năm, trong các ngày hội hướng nghiệp của trường, các doanh nghiệp đều đến để tìm kiếm nguồn nhân lực là sinh viên đang học năm thứ 3, 4. Kỹ sư/cử nhân ngành vật liệu có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất vật liệu kim loại (luyện cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm…), vật liệu silicate (xi măng, gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…) và vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, composite…) hoặc có thể làm việc tại các công ty liên doanh với nước ngoài, tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ…”.
Tuy nhiên, ngành kỹ thuật vật liệu, khoa học vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng tại các trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa (Đà Nẵng), ĐH Bách khoa Hà Nội… điểm trúng tuyển chỉ 14 -17. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết: “Nhiều ngành kỹ thuật hiện nay tuy nghe không “hot” nhưng đầu vào rất dễ và ra trường rất dễ xin việc với mức thu nhập cao. Thực tế cho thấy những ngành ít thí sinh đăng ký thi vào trường nhưng khi tốt nghiệp xin việc lại rất dễ dàng. Chẳng hạn như: Kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kỹ thuật gang thép luyện kim, Vật lý kỹ thuật… Tỉ lệ chọi hằng năm nhóm ngành này chỉ hơn 1 nhưng rất khó tuyển”.
Ðiểm chuẩn 2010 nhóm ngành Vật Liệu: Trường ÐH Bách khoa Hà Nội: ngành Khoa học và công nghệ vật liệu 16 điểm; Trường ÐH Bách khoa Ðà Nẵng: ngành Công nghệ vật liệu (silicat, polymer) 16 điểm; Trường ÐH Khoa học tự nhiên (ÐHQG Hà Nội) ngành Khoa học vật liệu 17 điểm; Trường ÐH Khoa học tự nhiên (ÐHQG TP.HCM): ngành Khoa học vật liệu (vật liệu màng mỏng, vật liệu polymer) 14 điểm; Trường ÐH Bách khoa (ÐHQG TP.HCM): ngành Kỹ thuật vật liệu (vật liệu polymer, silicat, kim loại) và ngành Vật liệu xây dựng cùng 15,5 điểm.
Ngành vật liệu xây dựng
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng VN đến năm 2020, mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như ximăng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện, đồng thời chú trọng phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.
Với xu hướng đô thị hóa hiện nay, nhu cầu chuyên gia vật liệu rất cao. Riêng tại TP.HCM, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực cần được đào tạo và cung cấp cho ngành vật liệu xây dựng từ nay đến năm 2020 là 5.369 người. Trong đó cần 270 kỹ sư, 430 trung cấp kỹ thuật và 4.669 công nhân kỹ thuật.
Ngoài ra, với ngành Kỹ thuật vật liệu, còn có rất nhiều mảng để sinh viên công tác, trong đó lớn nhất vẫn là luyện kim, sản xuất nhiều sản phẩm thép, kim loại màu, kim loại quý hiếm… Hiện ngành thép Việt Nam cũng đang rất thiếu nguồn nhân lực bởi vì đầu ra của trường Bách khoa Hà Nội và các trường khác rất ít.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội), lý giải việc nhiều thí sinh thường nghĩ làm các công việc trong ngành sản xuất thép là làm việc trong các lò nung với khói bụi, tiếng ồn, rất nặng nhọc. Nhưng thực tế hiện nay các quá trình đã tự động hóa, người kỹ sư chỉ cần điều khiển sự hoạt động của máy.
– Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tuyển sinh ĐH, CĐ năm học 2011 có tổng chỉ tiêu (CT) là 5.800, trong đó CT cho các ngành đào tạo ĐH là 5.000 (tăng 200 so với năm 2010), 800 CT cho các ngành đào tạo CĐ và 500 CT cho các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Trường có 5 chương trình đào tạo đặc biệt-chất lượng cao với nhiều ngành khác nhau, trong đó có 1 ngành mới là Năng lượng tái tạo.
– Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, kì thi tuyển sinh năm 2011 nhà trường dự kiến tuyển 3.950 chỉ tiêu (có 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ vật liệu). Nhà trường cũng tiếp tục xét tuyển NV1B như năm 2010. (NV1B là NV đăng ký chuyển ngành, thí sinh dự thi vào trường được đăng ký thêm ngành để tham gia xét tuyển nguyện vọng 1B. NV này được xét cùng thời điểm với NV1 cho các ngành chưa xét tuyển đủ theo NV1). Hệ CĐ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển những thí sinh tham dự kì thi ĐH khối A. Ngoài ra, năm 2011 nhà trường tiếp tục tuyển 170 SV chương trình Việt-Pháp đào tạo kỹ sư chất lượng cao từ các thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành. Hai năm đầu học chương trình đại cương chung, sau đó thi tuyển vào 7 ngành Hàng không, Cơ Điện tử, Hệ thống năng lượng, Viễn thông, Vật liệu Tiên tiến, Vật liệu Polyme, Vật liệu Xây dựng – Năng lượng.
– Năm 2011, ĐH Bách khoa Đà Nẵng tuyển 60 chỉ tiêu cho ngành Vật liệu và cấu kiện xây dựng; 120 chỉ tiêu Công nghệ vật liệu (silicast,polyme)
– Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TPHCM) cũng có 180 chỉ tiêu cho ngành Khoa học vật liệu (Vật liệu màng mỏng, Vật liệu Polime).
Sinh viên ngành khoa học vật liệu, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt, có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…Ngoài ra, sinh viên có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Các trường đào tạo ngành này tuyển thẳng không hạn chế số lượng những thí sinh là thành viên đội tuyển đi thi Olympic Quốc tế các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học.
Ưu tiên xét tuyển thẳng: Tuyển thẳng không hạn chế số lượng những thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học đạt từ điểm sàn trở lên theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm tuyển sinh.
Công Thành tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)