Thợ làm bánh mì

Yêu nghề, đam mê, những người thợ làm bánh mì của siêu thị BigC đã khẳng định tay nghề qua cuộc thi Cúp Bánh mì Louis Lesaffre tại VN

Ngày 16-12, tại siêu thị BigC An Lạc – TPHCM, Ban Tổ chức cuộc thi Cúp Louis Lesaffre đã công bố kết quả vòng tuyển chọn cúp quốc gia VN trong khuôn khổ Cúp Thế giới Bánh mì, bánh ngọt Louis Lesaffre.

Sau 3 ngày tranh tài (từ ngày 14 đến 16-12), vượt qua 13 thí sinh, hai thí sinh Võ Thanh Tuấn, thợ chính phụ trách kỹ thuật của siêu thị BigC Miền Đông, đã đoạt giải nhất thể loại bánh mì và baguette; thí sinh Huỳnh Tín Bửu, chuyên viên giám sát đào tạo bánh mì của siêu thị BigC, đoạt giải nhì ở mô hình bánh mì nghệ thuật.

Niềm đam mê bánh mì

Nhà Tuấn nằm cạnh Bến xe Miền Tây, nơi có hàng trăm lò bánh mì nổi tiếng nên từ nhỏ, hình ảnh những người thợ miệt mài nhào bột, nặn bánh đã ăn sâu vào tâm trí anh. Lớn lên, cũng như bao thanh niên trong xóm, anh đam mê làm bánh mì.

Mỗi ngày, sau khi đi học về, anh thường chạy sang các lò bánh mì để phụ giúp, học việc. 17 tuổi, anh đã trở thành thợ làm bánh thuần thục. “Được một thời gian, thấy tôi phải thức khuya, dậy sớm vất vả quá, gia đình khuyên nên học nghề khác. Nghe lời cha mẹ, tôi học nghề sửa điện lạnh. Nhưng chỉ được hai ngày, tôi lại nhớ nghề làm bánh nên trốn học, trở về tiếp tục làm bánh”.

Năm 1999, Tuấn cùng gia đình đi Vũng Tàu chơi, khi trở về, mọi người ghé vào siêu thị Cora Đồng Nai để mua sắm. “Đứng trước quầy bánh mì của siêu thị, tôi ngẩn ngơ vì có quá nhiều loại bánh ngon với kỹ thuật làm bánh hiện đại. Tôi đứng nhìn đến nỗi người nhà ra xe hết mà tôi không hay biết”.

Từ đó, anh thầm ước được làm thợ bánh trong siêu thị để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm. Không ngờ sau đó, Cora tuyển thợ làm bánh mì. Anh thi vào và trúng tuyển.

Anh Huỳnh Tín Bửu (trái) và Võ Thanh Tuấn (phải) chuẩn bị đưa bánh mì vào lò nướng

Tham dự vòng tuyển chọn cúp quốc gia lần này, Tuấn đã trình làng 4 loại bánh, gồm bánh mì baguette truyền thống, baguette lưới, bánh mì đặc biệt có hình chong chóng, bánh mì trà xanh.

Ở mỗi loại bánh, ngoài độ thơm ngon, anh cũng đã thể hiện được nét tinh xảo riêng. “Với bánh mì lưới, tôi phải cắt rất khéo léo nếu không, khi nướng bánh sẽ rách, lưới không đều và đẹp. Còn với chiếc bánh mì trà xanh có hình bông lúa, ngoài việc tượng trưng cho sự ấm no, bánh còn thể hiện được những sản vật đặc trưng của người Việt”.

Chọn hướng đi riêng

Nếu như Võ Thanh Tuấn chinh phục ban giám khảo bởi dòng bánh mì truyền thống thì anh Huỳnh Tín Bửu lại khẳng định ở dòng bánh mì nghệ thuật. Tham gia vòng tuyển chọn cấp quốc gia Bửu đã trình làng tác phẩm bánh có hình con rồng quấn quanh quả địa cầu.

Anh Bửu nhớ lại: “Để chuẩn bị cho tác phẩm dự thi, tôi đã phải mất cả tháng nghiên cứu, thực hành. Bởi để gắn chú rồng đứng trên quả địa cầu mà khi nướng bánh không bị sụp là điều không đơn giản.

Chưa hết, những chiếc vẩy rồng phải gắn làm sao để khi nướng chúng không bị biến dạng. Ngoài giải nhì, trước đó, tại vòng thi khu vực diễn ra ở phía Bắc, anh đã đoạt giải nhất ở thể loại bánh nghệ thuật.

Huỳnh Tín Bửu xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm bánh. Ba anh từng là thợ bánh có cửa hàng kinh doanh bánh ngọt ở Sóc Trăng. “Từ nhỏ, tôi đã học được cách làm bánh từ ba tôi và rất mê làm bánh.

Học xong THPT, tôi lên TPHCM tiếp tục học nghề”. Thoạt đầu, anh làm thợ phụ cho tiệm bánh Lan Anh. “Lúc ấy, tôi làm mọi chuyện, từ lau nhà, rửa và cạo mâm bánh. Nhờ chịu khó nên tôi được những người thợ bánh thương, chỉ nghề.

Sau đó, tôi tiếp tục học nghề qua các nhà hàng, khách sạn. Hơn 10 năm, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và chọn cho mình hướng đi là dòng bánh nghệ thuật”.

Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Giám đốc thu mua nguyên liệu thực phẩm chế biến siêu thị BigC VN, cho biết: Không chỉ đam mê nghề, những người thợ như anh Tuấn, anh Bửu đã cống hiến hết mình vì nghề mình đã chọn. Họ chính là những tấm gương cho những người thợ làm bánh của siêu thị học hỏi, nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc.

Ước mơ giữa đời thường

Đoạt giải nhất tại vòng thi này, anh Võ Thanh Tuấn sẽ tham dự vòng thi châu Á diễn ra tại Quảng Châu – Trung Quốc vào tháng 5-2011. Tuy đã khẳng định được tay nghề nhưng những người thợ bánh của siêu thị BigC vẫn không ngừng học hỏi.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu sản phẩm bánh mì truyền thống hình bông lúa.

Hiện ngoài công việc tại siêu thị, Võ Thanh Tuấn đang theo học khóa đào tạo làm bánh mì nâng cao tại Pháp. Còn anh Huỳnh Tín Bửu cũng không ngừng nghiên cứu những loại bánh mới, những dòng bánh mang tính nghệ thuật hiện đại. Anh Bửu cho biết: “Thị hiếu của người tiêu dùng luôn thay đổi. Chẳng hạn, trước đây, mọi người thích dùng bánh tam giác dứa thì nay bánh xốp trái cây lại lên ngôi. Làm nghề này phải chịu khó tìm tòi…”.

Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê làm bánh, những người thợ bánh đã không ngừng ấp ủ ước mơ. Anh Tuấn cho biết: “Tôi mong sau này sẽ có một hiệu bánh mang thương hiệu riêng của mình. Từ đó, tôi sẽ đem đến cho khách hàng những ổ bánh mì thơm ngon nhất, chất lượng nhất”. Còn anh Huỳnh Tín Bửu luôn mong ước sẽ khôi phục nghề truyền thống của gia đình. “Tôi mong đem tay nghề gầy dựng lại cơ nghiệp của gia đình. Như thế chắc là ba tôi sẽ vui lắm”.

Theo: NLD

Bài liên quan

Nghề làm bếp, làm bánh tây

Có nhiều đầu bếp giỏi, nổi tiếng trong nghề nhưng họ thành công không vì nhờ bằng cấp mà là nhờ yêu nghề, có ý chí chịu khó và kiên nhẫn. Ngoài việc kinh doanh, họ còn giúp đào tạo nghề làm bánh, làm bếp cho những người có hoàn cảnh khó khăn

Đầu bếp: nghễ dễ có việc nhưng cần kiên nhẫn.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Với sự phát triển của hệ thống nhà hàng ăn uống cả ngày lẫn đêm tại các thành phố như hiện nay, nhu cầu nhân lực của nghề đầu bếp và phục vụ nhà hàng vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.

Cùng chuyên mục