(Hiếu học) Trong hai năm qua, với dịch vụ môi giới, lập nhóm và làm trung gian cho mua bán hàng hóa & dịch vụ giảm giá, hiện Groupon đã trở thành một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất trên web. Điều ngạc nhiên là thành công này phần lớn xuất phát từ sự tình cờ.
Vào năm 2007, Andrew Mason, 30 tuổi, lập một trang web gọi là The Point, nơi người tham gia cùng nhau làm việc vì những mục tiêu họ quan tâm. Không lâu sau đó, A. Mason nhận thấy rằng một số thành viên sử dụng trang web này để lập các nhóm mua sắm sản phẩm giảm giá. Nhận thấy tiềm năng của xu hướng này, Mason lập ra Groupon, một trang web hiện đang trên đường đạt mức doanh thu đến 500 triệu đô-la Mỹ trong năm nay (theo báo cáo của công ty Morgan Stanley). Có thể nói, mua sắm theo nhóm kiểu Groupon đang là một hiện tượng.
Đứng trung gian
Đối với những ai vẫn còn xa lạ với Groupon, đây là cách trang web này hoạt động:
Khi Groupon tìm thấy một doanh nghiệp ở thành phố Boston sẵn sàng giảm giá 50% cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, nhưng bên bán yêu cầu phải có ít nhất 100 người cùng mua hoặc sử dụng nó thì sẽ giảm giá. Groupon sẽ gửi thông tin về đề nghị này cho những thành viên sống tại Boston. Để có được mức giá hời nói trên, khách hàng phải thanh toán trước đồng thời vận động số lượng người mua đạt mức như yêu cầu của người bán. Điều này khuyến khích người mua loan tin hoặc rủ bạn bè, người thân cùng tham gia.
Đóng vai trò trung gian giữa người bán và người mua, Groupon nhận được phân nửa số tiền mà doanh nghiệp thu được từ giao dịch. Mức doanh thu này tùy thuộc vào tỷ lệ chiết khấu và quy mô của giao dịch. Về phần mình, doanh nghiệp thường chỉ thu được 25% doanh thu so với thông thường. Lý do là họ thường giảm 50% giá sản phẩm, dịch vụ rồi sau đó mất thêm 50% doanh thu cho Groupon. Bất chấp hình thức kinh doanh khó mang lại lợi nhuận nói trên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nườm nượp kéo đến Groupon vì họ xem những giao dịch nói trên như là một hình thức quảng cáo mới hiệu quả hơn hẳn so với kiểu quảng cáo cũ.
Những gì Mason đã và đang làm không phải là phát minh lại hoạt động quảng cáo. Nhờ sự tình cờ, anh đã giải được được câu đố hóc búa mà nhiều người – từ giám đốc quảng cáo cho đến các công ty web – chưa tìm ra lời giải. Thực tế là mô hình quảng cáo truyền thống không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả trên web. Đó là lý do các nhà quảng cáo đang và sẽ không chi nhiều tiền cho không gian web. Điều đó cũng lý giải tại sao các công ty truyền thông truyền thống gặp khó khăn trong khi những tên tuổi mới, như mạng xã hội Facebook, không thể đòi hỏi mức phí quảng cáo quá cao. Điều cần thay đổi chính là bản chất của quảng cáo. Facebook và Twitter từng đề cập về việc phát minh ra những cách thức mới để tiếp cận người tiêu dùng, nhưng cho đến giờ vẫn chưa tạo ra được điều gì mang tính cách mạng.
Tăng trưởng chóng mặt
Ngay cả những người làm việc cho Groupon cũng không thể tin vào những gì đang xảy ra đối với họ. Bốn tháng trước, Groupon có 13 triệu người đăng ký làm thành viên. Con số này hiện tăng lên gần 30 triệu. Vào năm ngoái, Groupon chỉ có khoảng 100 nhân viên, hầu hết làm việc tại thành phố Chicago (Mỹ). Giờ đây, công ty có 2.900 nhân viên ở 31 nước, cung cấp các đề nghị giảm giá ở 300 thị trường. Ông Rob Solomon, một người làm việc lâu năm ở Thung lũng Silicon và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc hoạt động của Groupon, cho biết: “Sự tăng trưởng này là không thể tin được. Rất ít công ty có quy mô hoạt động như Groupon”. Gần đây, có tin là Google đang thương thảo để mua lại Groupon với mức giá đề nghị là 5 hoặc 6 tỷ đô-la Mỹ.
Hoạt động của Groupon không đòi hỏi bất kỳ công nghệ đặc biệt gì nên dẫn đến sự ra đời của hàng trăm trang web sao chép khắp thế giới. Tại Trung Quốc, một trang web thậm chí còn gọi mình là Groupon (groupon.cn) và có thiết kế không khác gì Groupon thật (groupon.com). Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng, ông Solomon tin rằng Groupon có thể giữ vững sự thống trị trong lĩnh vực nó đã tạo ra. Theo ông Solomon, Groupon có một số lợi thế nhất định, như đây là trang web hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực và có quy mô lớn hơn các đối thủ. Điều này cũng giống như sự thống trị của Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử cho dù có hàng trăm trang web thương mại điện tử khác đang hoạt động.
Không ít câu hỏi về tương lai của Groupon đã được đặt ra. Liệu Groupon có cần giảm bớt mức phí thu từ các giao dịch để giữ chân doanh nghiệp và cạnh tranh với các đối thủ khác? Liệu doanh nghiệp có còn tiếp tục chấp nhận từ bỏ 50% doanh thu từ những đề nghị dành cho Groupon? Và khi điều đó xảy ra, liệu doanh thu của Groupon có bị ảnh hưởng hay không?
Ông Solomon nhấn mạnh rằng cạnh tranh không làm tổn thương hoạt động kinh doanh của Groupon mà là động lục giúp công ty tiếp tục phát triển. Trong nỗ lực đi trước đối thủ, Groupon đang xem xét dùng phần mềm để tìm hiểu kỹ hơn về các thành viên nhằm có thể cung cấp những đề nghị giảm giá phù hợp với sở thích, mối quan tâm của họ. Ngoài ra, điều cần làm hiện nay là tiếp tục mang lại cho khách hàng những đề nghị tốt nhất, đồng thời giúp cả bên mua và bên bán hài lòng.
Mô hình Groupon
Mô hình Groupon có nền tảng ban đầu là ThePoint.com do Andrew Mason, một sinh viên trường nhạc mê coding thành lập. Thepoint hoạt động dựa trên nguyên lý khi có một số lượng đủ lớn người quan tâm đến một điều nào đó thì sẽ xảy ra hành động thực hiện dịch vụ đó.
Điểm hay của mô hình Groupon
– Khách hàng mua được hàng với giá rẻ hơn bình thường khá nhiều
– Nhà cung cấp có cơ hội quảng cáo và thu được lượng lớn khách hàng mới với chi phí thấp. Hoặc họ có cơ hội giải phóng hàng tồn kho, hàng trong mùa thấp điểm trong thời gian ngắn.
– Groupon thu tiền trên chiết khấu từ nhà cung cấp. Ví dụ nhà cung cấp chiết khấu 55%, Groupon chỉ lấy 5%, 50% còn lại khách hàng hưởng (Groupon thu số tiền nhỏ trên lượng khách hàng lớn). Tóm lại, cả 3 bên khách hàng, doanh nghiệp cung cấp và Groupon đều có lợi.
Theo: (Newsweek/Thesaigontime)