(Hiếu học) Ở ký túc xá do Chính phủ xây dựng, sinh viên sẽ không phải trả tiền, tất cả chi phí phải trả sẽ dao động trong khoảng 80.000-100.000đ/tháng cho tiền điện, nước, internet, phí gửi xe, vệ sinh. Dự kiến đến năm 2015 sẽ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nhà ở cho sinh viên cả nước.
Trong cuộc đối thoại về việc giải quyết khó khăn nhà ở cho sinh viên tổ chức tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 29/11, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động, Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên, Bộ Xây dựng đã khẩn trương triển khai việc hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, các bộ, ngành có liên quan tổ chức lập danh mục các dự án.
Ông Nam còn cho biết, hiện Chính phủ đã chỉ đạo bộ Xây dựng đến năm 2015 phải đáp ứng 60% điều kiện ăn ở cho sinh viên. “Sẽ không có phân biệt giữa sinh viên các trường công lập hay dân lập. Tuy nhiên do nhu cầu của sinh viên rất lớn, nên sẽ có ưu tiên cho sinh viên ngoại tỉnh, gia đình khó khăn, sinh viên giỏi, tân sinh viên, sinh viên gia đình chính sách, người dân tộc…”, ông Nam nói.
Trong hai năm 2009-2010, với 8.000 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ, sẽ xây dựng để đáp ứng từ 200.000-300.000 chỗ ở cho sinh viên, cụ thể là ở 28 tỉnh – thành phố, với 94 dự án được triển khai. Trước mắt sẽ tập trung vào các tỉnh, thành phố có trên 10.000 sinh viên như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Trong đó, mỗi sinh viên sẽ có 6m2 sàn xây dựng tương ứng với 4m2 sàn sử dụng, còn lại là tiện ích dịch vụ. 8.000 tỉ đồng sẽ chi cho việc xây lắp, còn lại trang thiết bị sẽ do các địa phương tự lo.
Tính đến trước năm học này, tức tháng 8.2010 đã có bảy dự án được hoàn thành (như dự án tại ĐH Thái Nguyên) với khoảng 150.000 sinh viên được bố trí vào ở. Từ nay đến cuối năm sẽ có 50 dự án được hoàn thành, sẽ có thêm 150.000 sinh viên vào ở nữa. Các dự án khác sẽ tiếp tục trong năm 2011, ngoài ra với một số dự án lớn như ĐHQG TP.HCM với quy mô 65.000 sinh viên, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, với tốc độ tăng trưởng bình quân như trong 5 năm gần đây, đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 4,3 triệu học sinh, sinh viên, và dự kiến 70% trong số này (tương đương với 3 triệu em) có nhu cầu ở tại ký túc xá.
Ông Nguyễn Trần Nam tin tưởng, “bằng nỗ lực và sự chung tay của xã hội, mục tiêu 60% sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xávào năm 2015 hoàn toàn có thể thực hiện được”.
Dự kiến ngày 6-12 tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chương trình nhà ở sinh viên tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên.
Tuấn Phong (hieuhoc_hieuhoc.com)