Công nghệ khai thác đất hiếm

(Hiếu học) Về việc khai thác đất hiếm, phía Nhật sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra như: hỗ trợ triển khai thăm dò nghiên cứu khả thi của dự án liên quan đến đất hiếm, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, sử dụng công nghệ tiên tiến và an toàn ở mức cao nhất đồng thời chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki: “Sẽ chọn công nghệ tốt nhất để khai thác đất hiếm”. (Đại sứ Nhật Bản tại VN Tanizaki Yasuaki- Ảnh: H.T.V.)

Việt Nam vừa chọn Nhật làm đối tác trong khai thác tiềm năng đất hiếm và xây dựng nhà máy điện hạt nhân số hai tại VN, việc triển khai kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào?

Theo Tuổi Trẻ, đại sứ Nhật Bản tại VN Tanizaki Yasuaki cho biết:

– Nội dung này vừa được Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thống nhất nhân chuyến thăm của Thủ tướng Naoto Kan tới VN ngày 31-10. Khai thác đất hiếm là một trong hai dự án trọng tâm của Nhật tại VN trong thời gian tới, do vậy chúng tôi đang dốc mọi nỗ lực để cùng các cơ quan của VN đẩy nhanh việc triển khai.

Về việc khai thác đất hiếm, phía Nhật sẽ đáp ứng các điều kiện mà VN đưa ra như: hỗ trợ triển khai thăm dò nghiên cứu khả thi của dự án liên quan đến đất hiếm, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, sử dụng công nghệ tiên tiến và an toàn ở mức cao nhất đồng thời chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải.

* Được biết trước khi chính phủ hai nước thống nhất việc khai thác đất hiếm, hai doanh nghiệp Nhật là Toyota Tsusho và Sojitz đã thăm dò tại VN. Hiện ngoài họ còn đơn vị nào quan tâm khai thác và công nghệ như thế nào? Phía Nhật đánh giá ra sao về trữ lượng đất hiếm tại VN?

– Đúng là hai công ty trên trước đây đã cùng các cơ quan của VN thăm dò khai thác đất hiếm tại Lai Châu, Lào Cai và những thông tin tôi biết là trữ lượng đất hiếm ở VN rất lớn. Sắp tới, hai nước sau khi tiến hành thăm dò và đánh giá tổng thể về trữ lượng thì phía Nhật sẽ bàn với VN việc khai thác theo các quy định của luật pháp VN. Hiện nay, ngoài hai công ty trên cũng có một số doanh nghiệp lớn muốn tham gia khai thác tại VN. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến khi đi vào khai thác đến giai đoạn tách và tinh chế đất hiếm, các công ty Nhật sẽ thành lập một công ty liên doanh để cùng khai thác nhằm tận dụng những công nghệ tốt nhất của nhau.

Theo ông Tanizaki Yasuaki, Việt Nam vẫn đang được xem là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn doanh nghiệp Nhật. Vấn đề là VN phải biết cách chọn lọc để thu hút những nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào nhằm đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Đất hiếm là gì?

Đất hiếm chứa nhiều nguyên tố quý hiếm phục cho sản xuất trong công nghiệp, nông nghiệp… (Nguồn trữ lượng đất hiếm ở VN rất lớn – Hình: Laodong.com)

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Cự, bộ môn Thổ nhưỡng và Môi trường Đất (ĐHTN – ĐHQG Hà Nội) thì đất hiếm là những nguyên tố quý, hiếm có trong lòng đất bao gồm 17 nguyên tố. 17 nguyên tố này đều là những nguyên tố dạng hiếm và có trong bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép như: Dysprosium (Dy), Erbium (Er), Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lutetium(Lu), Terbium (Tb),…

Đất hiếm là nhóm nguyên tố có hàm lượng ít trong vỏ trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Trên thế giới những nước có trữ lượng đất hiếm nhiều phải kể đến là Trung Quốc (27 triệu tấn, chiếm 30,6% của thế giới),Mỹ (13 triệu tấn, chiếm14,70%), Australia (5,2 triệu tấn), Ấn Độ (1,1 triệu tấn)… Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới. Từ năm 2005 đến nay sản lượng khai thác hàng năm là 120.000 tấn đất hiếm.

Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar… Dù là tài nguyên quý, nhưng trong đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ. Vì thế, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường.

Việt Nam là nước có tiềm năng về đất hiếm, dự báo đạt trên 10 triệu tấn và trữ lượng gần 1 triệu tấn. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, đất hiếm có nhiều tại Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái)… Trong những năm qua, VN đã sử dụng đất hiếm trong sản xuất, chế tạo nam châm vĩnh cửu, thuỷ tinh, bột màu, chế tạo hợp kim gang, đèn catot trong máy vô tuyến truyền hình, vật liệu siêu dẫn…

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới không quá cao. Theo các số liệu thống kê, mỗi năm toàn thế giới chỉ sử dụng 125.000 tấn. Tổng tài nguyên đất hiếm trên toàn thế giới là 150 triệu tấn, trong đó trữ lượng là 99 triệu tấn. Với việc sử dụng ít như vậy, có lẽ chúng ta không quá lo lắng về việc cạn kiệt tài nguyên này trong vài trăm năm tới. Nếu tính cả nhu cầu tăng hàng năm là 5% thì thế giới vẫn còn có thể khai thác đất hiếm thêm gần một 1.000 năm nữa.

Công Thành tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Công nghệ nano

Nano là nói tắt đơn vị nanomét (nm), bằng một phần tỉ mét (10 – 9m). Và, khi nói “công nghệ nano” là nói về công nghệ mà đối tượng của nó (hạt, hệ, linh kiện…) có kích thước cỡ nm. Vì sao người ta lại đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để nghiên cứu các đối tượng nhỏ bé đến như vậy? Tất nhiên là có lý do. 

Ngành khoa học môi trường

(Hiếu học) Ngành khoa học môi trường ngày càng đa dạng và ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết. Sau những chuyên ngành truyền thống như Y, Luật, Kinh tế..., ngành môi trường đang dần trở thành ngành "hot" của nhiều sinh viên.  

Công nghệ sinh học Việt Nam

Công nghệ sinh học vốn ít được biết đến tại Việt Nam vào đầu thập niên 1990 và lĩnh vực khoa học này được xem là một loại “hàng xa xỉ” tại các trường đại học Việt Nam. Cách nhìn nhận này đã dần có sự thay đổi... 

Ngành Công nghệ vũ trụ

Việt Nam đã và sẽ gửi các nghiên cứu sinh sang học tập tại những nước có ngành Công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nga, Nhật... Các trường ĐH Công nghệ, ĐH FPT cũng đã mở bộ môn chuyên giảng dạy Công nghệ vũ trụ, khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp trong một, hai năm tới...   

Phát triển và xây dựng nguồn nhân lực ngành Vật lý

(Hiếu học) Tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại Hà Nội vào sáng 8/11/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành vật lý xây dựng một chiến lược phát triển - đào tạo nguồn nhân lực ngành Vật lý và có chính sách đãi ngộ đối với sinh viên học ngành này. 

Cùng chuyên mục