Mỗi khi gặp chuyện rối rắm, nhiều người xem chuyên viên tư vấn như “vị cứu tinh”. Oái oăm thay, những người làm công việc tư vấn tâm lý lại chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Như diều gặp gió…
Trước câu hỏi “Công việc tư vấn có phải đang hái ra tiền?”, một vị thường xuyên “chạy sô” tư vấn trên các đài truyền hình phủ nhận: “Bản thân tôi làm như điên trên tổng đài nhưng chỉ kiếm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nói rã cổ, nhưng phải chia người ta 60%, mình chỉ được 40%”.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ý tưởng Việt Nguyễn Thị Mỹ Hạnh khẳng định: “Nhu cầu tư vấn như diều gặp gió. Xã hội đang phát triển, theo đó, cũng nảy sinh tình trạng nhiều người bị căng thẳng, áp lực trong giao tiếp, công việc, tình cảm; một số giá trị tinh thần bị lung lay… Chính vì vậy, nhu cầu chăm sóc tinh thần là không thể thiếu được”.
Bà Nguyễn Thị Thương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn ly hôn và gia đình tại TP.HCM (FDC), cho hay có những người xem tư vấn như là công tác xã hội nên họ rất có trách nhiệm, giữ được cái tâm trong sáng. Tuy nhiên, một số người lại xác định đây là “cần câu cơm” nên tìm mọi cách câu giờ cốt sao kiếm càng nhiều tiền càng tốt…
Còn bà Hồ Thị Tuyết Mai – chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình (145 Pasteur, Q.3, TP.HCM) từ năm 1997 đến nay, cho biết: “Làm nghề này, cố gắng làm sao ngôn từ càng ít nhưng thông tin càng nhiều. Một số khách hàng phàn nàn với tôi rằng họ từng trải lòng 2-3 tiếng đồng hồ nhưng tư vấn viên không chia sẻ được gì cho họ, không đi vào trọng tâm vấn đề”.
Vàng thau lẫn lộn
Một tiến sĩ tâm lý có tiếng tại TP.HCM trăn trở: “Thử hỏi, lực lượng tham vấn chuyên nghiệp ở nước ta có bao nhiêu người? Hiện rất khó đánh giá trình độ, năng lực của mỗi người, vì cho đến nay, vẫn chưa biết khi nào có quy chuẩn đạo đức, khi nào có chứng chỉ hành nghề… Đây là thách thức thực sự cho những người làm quản lý lĩnh vực này”. Vị tiến sĩ này tỏ ra bức xúc: “Nhiều trường hợp vi phạm nguyên tắc tham vấn là bảo vệ thông tin của khách hàng nhưng không có ai xử lý”.
Đại diện một trung tâm tư vấn cho biết Tổng đài 1088 thu khách hàng 3.000 đồng/phút (điện thoại bàn) và 4.500 đồng/phút (điện thoại di động) và chi trả cho trung tâm 1.500 đồng/phút. Trong đó, phần tư vấn viên được hưởng là khoảng 900 đồng/phút. Bên cạnh đó, hình thức tư vấn trực tiếp tại những trung tâm khác nhau có mức giá “nhảy múa” từ khoảng 2.500 -10.000đồng/phút.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn FDC, bà Nguyễn Thị Thương thẳng thắn: “Bản thân tôi thấy rất xấu hổ khi chứng kiến một số người tự nhận là “chuyên gia tư vấn” trong khi họ không được đào tạo bài bản, mắc nhiều sai lầm ngay lúc tư vấn cho khách hàng”. Theo bà Thương, bên cạnh những người tâm huyết với công việc tư vấn, vẫn còn một số “con sâu làm rầu nồi canh”. Bà kể một câu chuyện có thật: Một tham vấn viên khi tiếp một khách hàng gặp bất đồng trầm trọng trong gia đình, đã nhẩm tính trên mấy ngón tay và “phán”: “Năm tới chị nên đẻ thêm một đứa con. Tuổi đứa con này sẽ “hóa giải” tất cả mâu thuẫn của vợ chồng chị” (!?).
“Việc không có chứng chỉ hành nghề đã dẫn đến tình trạng bát nháo, vàng thau lẫn lộn… gây ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến khách hàng” Tiến sĩ Đinh Phương Duy Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM
Ở các nước, nghề tư vấn tâm lý đã khẳng định được vai trò cần thiết thì ở Việt Nam, đây lại là nghề còn hết sức mới mẻ. Mặc dù nhu cầu của xã hội đối với lĩnh vực tư vấn là có thực và ngày càng có xu hướng gia tăng. Ông Duy cho hay, tại TP.HCM chỉ có một số nơi chính thức được đào tạo về tham vấn tâm lý, đó là: các trường ĐH Sư phạm, trường ĐH Văn Hiến, trường ĐH Khoa học xã hội – Nhân văn. Theo ông Duy, nhìn chung, những người được đào tạo có đủ điều kiện về kỹ năng và kiến thức để hành nghề. Nhưng trên thực tế, họ lại chưa có chứng chỉ hành nghề. Tiến sĩ Đinh Phương Duy nói: “Cách đây hơn 1 năm, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Trung ương đã có kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép được ủy quyền đào tạo, cấp giấy chứng nhận hành nghề cho tư vấn viên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được chấp thuận”.
Ông Duy phân tích: “Việc không có chứng chỉ hành nghề đã dẫn đến tình trạng bát nháo, vàng thau lẫn lộn giữa những người chuyên nghiệp và những người không chuyên; những người được đào tạo và những người không được đào tạo. Giá trị của chuyên viên tư vấn thực thụ không được đề cao. Trong khi đó, những người không có đạo đức, không đủ sức tư vấn nhưng vẫn làm liều… gây ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến khách hàng”. Tiến sĩ Duy đưa ra vài ví dụ nhỏ: Có những ca chưa đáng ly hôn nhưng “được” tư vấn cho… ly hôn luôn; có ca muốn dạy con nên người thì được “khuyên nhủ” theo cách nào đấy khiến đứa con ngày càng hư thêm…
Theo: (TNO)