Những nhà khoa học Việt được thế giới vinh danh

(Hiếu học) Việt Nam tự hào với sự kiện GS Ngô Bảo Châu đã lập kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước. Bên cạnh đó, cũng còn có rất nhiều nhà khoa học Việt được thế giới vinh danh

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có thể lên đến vài trăm nhà khoa học Việt đang làm việc tại NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ). Chỉ riêng Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở bang California, hiện đã có khoảng 100 chuyên gia người Việt

GS Trịnh Xuân Thuận được thế giới vinh danh

Năm 2009, GS Trịnh Xuân Thuận được UNESCO tặng Giải thưởng Lớn Kalinga về phổ biến khoa học. Ông còn được tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp năm 2007.

Công chúng Pháp xếp hàng xin chữ ký lưu niệm của GS Trịnh Xuân Thuận vào những cuốn sách do ông viết bằng tiếng Pháp và được in tại Pháp.

Tính đến năm 2004, GS Trịnh Xuân Thuận đã công bố hơn 200 công trình chuyên sâu. Đặc biệt, 10 cuốn sách phổ biến khoa học do ông viết đã được dịch ra 16 thứ tiếng.

Như nhiều người đã biết, chỉ một số các nhà thiên văn học rất nổi tiếng mới được sử dụng kính thiên văn không gian Hubble. GS Trịnh Xuân Thuận nằm trong số đó. Năm 1992, ông đã được tặng Giải thưởng Henri Chretien của Hội Thiên văn học Mỹ.

Mấy năm qua, Trịnh Xuân Thuận tiếp tục in nhiều cuốn sách dày dặn về vật lý thiên văn, trong đó có Nguồn gốc – Nỗi hoài niệm những thuở ban đầu,và Những con đường của ánh sáng.

Viện Hàn lâm Pháp đã tặng Giải thưởng Moron năm 2007 trị giá 5.000 euro cho GS Trịnh Xuân Thuận về cuốn Những con đường của ánh sáng.

Và, ngày 5-11-2009, tại Diễn đàn khoa học thế giới ở Budapest (Hungary), UNESCO đã trao Giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009 cho hai nhà khoa học là GS Trịnh Xuân Thuân (người Mỹ gốc Việt) và GS Yash Pal (người Ấn Độ). Giải thưởng gồm bằng chứng nhận, 5.000 bảng Anh và tấm huy chương Albert Einstein của UNESCO. Giải thưởng Kalinga được lập ra vào năm 1952. Người đầu tiên được tặng giải thưởng này là nhà vật lý Pháp lừng danh Louis de Broglie. Tiếp đó những người được tặng giải cũng là những tên tuổi lớn: George Gamow (người Mỹ gốc Nga), Bertrand Russell (Anh), Sergei Kapitsa (Nga)…

2 nhà khoa học gốc Việt đoạt giải Eureka của Úc

Nhóm nghiên cứu gồm giáo sư tiến sĩ Võ Bá Ngữ dẫn đầu, giáo sư tiến sĩ Võ Bá Tường và giáo sư Antonio Cantoni đã phát triển phương pháp mới về thuật toán dò tìm, giúp tăng khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu phức tạp, sử dụng ít năng lượng máy tính hơn các phương pháp dò tìm trước đây.

Tiến sĩ Võ Bá Ngữ (trái) và tiến sĩ Võ Bá Tường trong đêm nhận giải 18-8 ở Sydney – (Ảnh: dsto.defence.gov.au/ Computer World)

Ngày 18-8, hai giáo sư gốc Việt tại khoa công trình điện, điện tử và máy tính thuộc Đại học Tây Úc vừa đoạt giải thưởng Eureka 2010 với sáng chế công trình khoa học nổi bật hỗ trợ quốc phòng và an ninh quốc gia Úc. Trang web Bộ Quốc phòng Úc cho biết giải thưởng này trị giá 10.000 AUD (9.000 USD) do Tổ chức Khoa học và công nghệ quốc phòng Úc tài trợ.

Theo giáo sư Clark, sáng chế của nhóm nhà khoa học trên góp phần quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia của Úc, giúp công tác quốc phòng an ninh thực hiện kiểm soát và phát hiện một số lượng lớn mục tiêu một cách dễ dàng mà chỉ các bộ cảm biến hiện đại mới có thể thực hiện được. Giáo sư Clark cho biết thêm công trình này sẽ có ích trong điều kiện môi trường đô thị nguy hiểm, bảo vệ tàu chiến, máy bay và xe quân sự.

Sáng chế của nhóm giáo sư Võ Bá Ngữ sẽ đem lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là cải thiện khả năng nhận diện ở tầm xa. Phương pháp này còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực quản lý giao thông, theo dõi tình hình biến động của đám đông, nghiên cứu y khoa và phân tích thể thao.

GS Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, trở thành nhà toán học đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng toán học Fields danh giá hồi tháng 8 vì chứng minh được bổ đề cơ bản của chương trình Langlands. Anh cũng từng được trao một số giải thưởng khác nhờ công trình này. Tạp chí Time của Mỹ bình chọn công trình chứng minh bổ đề của anh là “một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009”.

Lớn lên ở Việt Nam, Ngô Bảo Châu học đại học ở Pháp, sau đó dạy tại một trường đại học ở Paris. Tháng 9 này, anh sang Mỹ dạy tại Đại học Chicago. Trong ảnh Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields, được coi như giải Nobel trong thế giới toán.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Một người gốc Việt thành danh ở Đông Âu

Trong khi tình hình chính trị cũng như kinh tế ở Đông Âu có thay đổi mạnh mẽ, TS Nguyễn Ngọc Thành vẫn miệt mài theo đuổi con đường khoa học của mình, chấp nhận sự khó khăn về vật chất lúc đó. Năm 2002 ông bảo vệ thành công luận án TSKH, và năm 2006 được phong hàm GS của ĐHBK Wroclaw.  

Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Đại học Oxford.

(Hiêu học). 26 tuổi, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Oxford và có nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Đó là Nguyễn Hoàng Long, chàng trai Hà Nội vừa trở thành Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Đại học Oxford.  

Cùng chuyên mục