Nhân sự ngành bảo hiểm: bài toán nan giải

Bài toán nhân sự là vấn đề khó khăn chung của các doanh nghiệp nhưng đặc biệt nan giải cho những doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Nhân sự luôn là đề tài “nóng” trong các công ty kinh doanh bảo hiểm ở VN

Từ đầu năm đến nay, nhân sự trong các công ty bảo hiểm tại VN được đánh giá là có sự chuyển dịch mạnh nhất trong các ngành.

Từ các “đại gia” lớn như Prudential, AIA Việt Nam đến những “chiến binh” mới góp mặt như Korea Life hay Liberty, nhân sự thay đổi có thể nói là từng ngày.

Không có con số thống kê cụ thể về số lượng nhân sự tuyển dụng của các công ty bảo hiểm. Nhưng có thể biết được sự chuyển dịch lao động của các công ty thông qua số lượng thống kê các đại lý bảo hiểm trên thị trường. Sự thêm bớt các đại lý bảo hiểm làm thay đổi khá lớn cơ cấu nhân sự trong ngành bảo hiểm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2010 là 46.185 người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 76.195 người, Bảo Việt Nhân thọ với 19.609 người, Dai-ichi Life Việt Nam 14.480 người. Sự gia tăng các đại lý bảo hiểm kéo theo sự tăng lên đáng kể của nhân sự trong ngành. Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì có đến 80% đại lý bảo hiểm bỏ việc từ năm đầu tiên. Điều này có nghĩa là sẽ có hàng trăm, hàng nghìn người phải nhảy việc và cơ cấu lao động của bảo hiểm không ngừng thay đổi…

Sự dịch chuyển nhân sự trong ngành bảo hiểm năm 2010 cũng được biết khác so với sự dịch chuyển hồi cuối năm 2009. Nếu như năm 2009 nhân sự bảo hiểm chuyển dịch mạnh mẽ chủ yếu trong mảng quản lý kinh doanh thì năm 2010, nhiều công ty bảo hiểm, đặc biệt là trong khối bảo hiểm nhân thọ lại gặp phải bài toán nan giải về nhân sự marketing và PR. Tại một công ty bảo hiểm nhân thọ đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 5 nhân sự thuộc khối này ra đi.

Nhân sự lành nghề cũng khó tuyển dụng nói gì đến mảng nhân sự cao cấp. Nhân sự cao cấp trong ngành bảo hiểm nếu được hiểu có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, thì trong ngành bảo hiểm nhân thọ là khá khó kiếm, bởi thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu mở cửa được 10 năm. Và các DNBH nhân thọ đến thời điểm này vẫn luôn thiếu nhân sự lành nghề ở các mảng định phí, marketing, phát triển sản phẩm và quản lý kinh doanh…

Nguyên nhân do đâu?

Một nhân viên tư vấn bảo hiểm lâu năm cho AIA đã chia sẻ rằng nhân sự bảo hiểm, hay còn gọi là nhân viên bán bảo hiểm, là những người tạo ra doanh thu cho công ty bảo hiểm, nhưng không có lương cố định, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội từ công ty…, ngoài tiền hoa hồng khi bán được bảo hiểm. Vì không có cơ chế chính sách ổn định nên sự ra đi hoặc thay đổi chỗ làm là hiển nhiên, bởi hai bên đều không có cơ chế hay chính sách ràng buộc gì.

Các nhà quản lý đại lý bảo hiểm cũng cho biết sự chuyển dịch nhân sự xảy ra thường xuyên trong cả phi nhân thọ và nhân thọ, bởi vì cách nhanh nhất để bắt đầu khởi sự một công ty bảo hiểm là tuyển nhân sự của công ty khác. Các chuyên gia kinh doanh bảo hiểm cho rằng lương, thưởng là yếu tố quan trọng khiến người lao động ra đi, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. “Một môi trường làm việc, một công việc phù hợp với chuyên môn và sự đồng nhất quan điểm giữa đội ngũ lãnh đạo mới là những yếu tố quan trọng để giữ chân nhân sự”, những vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra chính sự lỏng lẻo, dễ dãi trong đào tạo và tuyển dụng của các công ty bảo hiểm đã đẩy họ phải thường xuyên đau đầu với bài toán nhân sự.

Chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ hành vi dân sự, trải qua 1 khóa đào tạo ngắn ngày với những kiến thức sơ đẳng nhất về bảo hiểm, bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể trở thành người tư vấn bảo hiểm. Không đòi hỏi bằng cấp, trình độ văn hóa, lại không bó hẹp về thời gian và không gian làm việc, nên phần đông những người đến với nghề tư vấn bảo hiểm chỉ coi nó là nghề tay trái mang tính chất thời vụ….

Chính vì lối tư duy này, họ khó có khả năng trở thành tư vấn viên chuyên nghiệp và khó gắn bó lâu dài với nghề. Mỗi năm, bên cạnh những tư vấn viên mới “toe” được cấp bằng hành nghề, là một con số không nhỏ tư vấn viên bỏ nghề, đó là chưa kể đến một số lượng lớn tư vấn viên hoạt động cầm chừng, không hiệu quả khác.

Bài toán nhân sự cho ngành bảo hiểm đến thời điểm này vẫn chưa thể tìm được lời giải đáp.

Vì sao “tuổi thọ” của các đại lý bảo hiểm lại quá ngắn?

Theo thống kê, có đến khoảng 80% đại lý bảo hiểm đóng cửa trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ tại Việt Nam cho đến nay luôn luôn có nhu cầu tuyển dụng đại lý mới để phát triển kinh doanh và thay thế các đại lý nghỉ việc. Sau gần 11 năm mở cửa thị trường bảo hiểm nhân thọ, hàng trăm ngàn đại lý bảo hiểm được tuyển dụng nhưng hoạt động chưa đầy 12 tháng đã phải nghỉ việc. Tại sao một thị trường bảo hiểm đầy tiềm năng như Việt Nam và nghề bảo hiểm cũng được nói là đang ăn nên làm ra nhưng vòng đời của các đại lý bảo hiểm lại ngắn đến như vậy?

Thực trạng đáng buồn

Hiện tại, việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm trở nên vô cùng khó khăn không chỉ đối với các công ty bảo hiểm mới vào VN mà ngay đến các “cổ thụ” trong làng bảo hiểm như Prudential, AIA Việt Nam cũng thấy “khó như…tuyển đại lý bảo hiểm”.

Ở Việt Nam, rất nhiều đại lý bảo hiểm được mở ra nhưng trong vòng 3 – 6 tháng liên tục không bán được một hợp đồng bảo hiểm. Tình trạng này xảy ra, công ty bảo hiểm buộc phải chấm dứt hợp đồng đại lý. Và hầu như có rất ít đại lý như vậy phản đối việc chấm dứt hợp đồng, vì bản thân họ cũng không thực sự có hay còn hứng thú với nghề nghiệp này nữa.

Càng nhiều đại lý bảo hiểm nghỉ việc thì tổn thất kinh phí và công sức đào tạo của các công ty bảo hiểm dù doanh thu có lớn cũng khó mà bù lỗ.

Lý giải căn nguyên

Lãnh đạo của các công ty bảo hiểm đều nhận thấy mấu chốt của vấn đề “chảy máu” đại lý bảo hiểm, nhưng vẫn chưa thể tìm được đáp án thỏa đáng để giải quyết vấn đề này.

Ở những nước phát triển, đại lý bảo hiểm thường phải làm việc toàn thời gian chứ không như ở Việt Nam – số lượng đại lý bán thời gian chiếm trên 90%. Làm việc toàn thời gian, nhân viên tư vấn bảo hiểm vì thế được ký hợp đồng lao động và được hưởng lương cơ bản theo mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, về bản chất, thu nhập chủ yếu của họ vẫn đến từ hoa hồng bán bảo hiểm nhưng có lương cứng, họ được bảo đảm phần nào về thu nhập để tiếp tục công việc. Trong khi đó, ở VN, nhân viên tư vấn bảo hiểm là người tạo ra doanh thu chính cho các đại lý nhưng không có lương cố định, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội từ công ty…, ngoài tiền hoa hồng khi bán được bảo hiểm. Do đó, dẫn đến tình trạng “nhảy việc”, chuyển việc trong ngành này đến mức báo động.

Theo bà Jennifer Berlin, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu quốc tế LL Global cho biết rằng việc tuyển dụng là quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là việc phải duy trì được đội ngũ đại lý. Có nhiều DN chỉ biết tuyển dụng mà không lựa chọn một cách cẩn thận nên tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận mà họ thu về trên số lượng đại lý là rất thấp. Ví dụ, theo thống kê tại thị trường bảo hiểm Trung Quốc, 64% số đại lý bắt đầu hoạt động từ năm 2008 đã bị thôi việc do không đủ chỉ tiêu doanh thu. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở Việt Nam, việc đào tạo đại lý bảo hiểm vẫn có tình trạng mang tính hình thức, đối phó, không đủ thời lượng như quy định. DN thay đổi, hủy lịch đào tạo, thi đại lý bảo hiểm nhưng không báo cáo, thi hộ, sửa bài thi học viên…

Ở một số nước, nghề tư vấn bảo hiểm quan trọng như nghề tư vấn đầu tư chứng khoán, tức là phải trải qua quá trình đào tạo, thi tuyển rất phức tạp để tư vấn lập kế hoạch tài chính cho khách hàng, thay vì chỉ tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm. Nhưng ở VN thì khâu tuyển dụng và đào tạo tư vấn viên chưa được chú trọng thích đáng.

Mỗi năm các doanh nghiệp bảo hiểm cho “ra lò” hàng vạn đại lý bảo hiểm. Tại điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ; Có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cấp được phép hoạt động đại lý bảo hiểm.

Yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm thấp, thời gian đào tạo ngắn, việc cấp bằng đơn giản khiến chất lượng đại lý vì thế không tương xứng với số lượng. Cơ chế mở và thoáng nhưng đối lập với nó là tình trạng cạnh tranh gay gắt khiến cho nhiều đại lý không chịu nổi sức cạnh tranh, buộc phải đóng cửa…

Chính vì những bất cập trên mà các công ty bảo hiểm dù cũ hay mới vẫn luôn phải đối mặt với câu chuyện: tuyển dụng, đào tạo rồi lại tiếp tục… tuyển dụng và đào tạo đội ngũ đại lý.

Theo:(Tamnhin)

Bài liên quan

Nhân viên tư vấn bảo hiểm - Nghề mang tính nhân văn cao

(hieuhoc_hieuhoc.com): Bạn đã bao giờ bỏ tiền ra mua một hàng hóa không có hình thù, không thể cần nắm, thậm chí là không thể nhìn thấy chưa? Vậy mà trên thế giới có hàng triệu người đã và đang mua nó, có hàng trăm nghìn người bán nó hàng ngày. Trong xã hội người càng phát triển như hiện nay ở Việt Nam, người ta cũng càng ngày mua càng nhiều hàng hóa vô hình đó. Nó chẳng xa lạ gì mà chính là bảo hiểm. Và đội ngũ những người bán sản phẩm vô hình này là các nhân viên tư vấn bảo hiểm.

Nghề sales: Nắm bắt tâm lý khách hàng

Thực tế, những khách hàng của bạn không phải lúc nào cũng đưa ra những quyết định lô gic. Mười yếu tố sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất tâm lý của khách hàng.

7 Lưu Ý Khi Làm Hồ Sơ Tuyển Thẳng

Cơ hội được tuyển thẳng ĐH là rất quý giá. Do đó việc làm một hồ sơ tuyển thẳng như thế nào để cho “an toàn” là một điều cần thiết. Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long đã đưa ra 7 lưu ý để tránh những sai sót khi làm hồ sơ tuyển thẳng.

Cùng chuyên mục