Tân sinh viên nghèo vượt khó đến trường

(Hiếu học) Báo Tuổi trẻ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, 100 tân sinh viên với 100 mảnh đời khác nhau nhưng điểm chung của họ là ý chí nghị lực, khát khao học tập để thoát nghèo.

Tại lễ trao giải có cuộc giao lưu với các tân sinh viên nghèo, vượt khó. Cả hội trường lặng im, rồi có những tiếng thút thít, nức nở và vỡ òa với những tràng pháo tay khi nghe các tân sinh viên chia sẻ về những khó khăn, nghịch cảnh và nghị lực vượt qua khó khăn của mình. (Hình: Buổi giao lưu với các tân sinh viên nghèo vượt khó tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” ngày 14-10)

– Sinh viên Nguyễn Thị Thanh, khoa Văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, quê ở Điềm Thụy, Phú Bình, Thái Nguyên vừa nhập học đã tranh thủ làm thêm mỗi khi không có giờ trên lớp tại quán cơm bình dân Phú Quí trong ngõ nhỏ ở khu Thanh Xuân để kiếm sống. Cả gia đình Thanh 5 người đều dựa vào thu nhập từ 3 sào ruộng. Nhà nghèo lại bệnh trọng, bố Thanh là thương binh nên thường xuyên đau ốm, mẹ em cũng vậy. Thế nên, khi xuống thủ đô thực tế khó khăn và khắc nghiệt hơn Thanh tưởng. Cô đã toan xếp lại giấc mơ học đại học để quay về. Nhưng ngay lúc ấy, lời dặn dò của thầy giáo chủ nhiệm trước khi Thanh lên đường đi học là “Hãy cố gắng, ở quê nhà có rất nhiều người đang dõi theo Thanh” – câu nói ấy vang lên như một lời nhắc nhở và Thanh đã quyết định ở lại Hà Nội tìm việc làm và chi tiêu tiết kiệm để duy trì việc học.

Thanh tâm sự: “Em chọn làm thuê ở quán cơm vì sau mỗi buổi làm em được lương 60.000 đồng và được chủ của hàng cho ăn cơm không mất tiền. Có như thế này là em thấy tốt lắm rồi. Em sẽ cố gắng học thật tốt để vượt qua những khó khăn này. Chắc chắn trong nước mắt sẽ có nhiều nụ cười”.

– Cùng ở khu ký túc xá Mễ Trì như Thanh, tân sinh viên Võ Thị Hạnh, khoa toán trường Đại học Khoa học tự nhiên đang miệt mài với những bài toán của mình.

Gia đình nghèo với 7 miệng ăn nhưng chỉ có hai người đi làm. Ông nội già yếu, cô ruột bị tâm thần, cả nhà trông vào 5 sào ruộng, Hạnh hiểu những cơ cực mà bố mẹ mình đang phải gồng gánh để nuôi cả gia đình.

Chính vì thế khi quyết định đi học Hạnh đã hạ quyết tâm phải đi làm để đỡ đần cho bố mẹ. Vóc dáng nhỏ bé, Hạnh không thể làm được những việc nặng nên chọn cách làm gia sư và bắt đầu cuộc sống sinh viên.

Mỗi tuần 3 buổi tối Hạnh lại đạp xe khoảng gần 10 cây số để làm gia sư. Mỗi ngày qua đi, Hạnh vẫn đang coi đây là một cơ may để Hạnh có thể duy trì được cuộc sống của mình và đeo đuổi ước mơ.

– Còn sinh viên Trần Văn Thắng, Học viện Hành chính Quốc gia, quê ở Liễu Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố của Thắng sau 3 năm đi bộ đội ở biên giới phía Bắc (từ năm 1979 – 1981) đã mắc bệnh tâm thần, không còn khả năng lao động. Gánh nặng gia đình đặt lên vai mẹ của Thắng. Một mình vừa nuôi 3 con ăn học, vừa chăm sóc chồng ốm nên mẹ Thắng cũng ngã bệnh, anh trai của Thắng cũng phải nghỉ học sớm để đi làm thuê phụ gia đình. Bản thân Thắng được học hết lớp 12, xin đi nghĩa vụ trong quân đội để bớt gánh nặng cho gia đình. Hết nghĩa vụ, không lùi bước trước khó khăn và Thắng quyết định đi thi đại học với quyết tâm dù có nghèo đến mấy cũng không chịu khuất phục. Thắng xin đi làm phụ hồ để có tiền trang trải học tập.

Thắng chia sẻ: “Gia đình quá nghèo nên em cố gắng làm việc hết mình để vượt qua khó khăn. Và vượt qua cái nghèo này, chỉ có con đường đi học nên em quyết tâm thi đại học”. Được biết, khi trở thành tân sinh viên, Thắng vẫn là thợ phụ hồ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ cho công trình.

Đường đến giảng đường của những sinh viên nghèo nhưng không từ bỏ ước mơ học tập sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng họ sẽ có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn và làm chủ tương lai của mình. Chắc chắn sau nước mắt, sẽ vẫn có những nụ cười.

Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Sự học ngày nay: Hiếu học hay hiếu danh?

(hieuhoc_hieuhoc.com) “Sự hiếu học của người Việt chỉ là hám lợi, hám danh, hám bằng cấp!”. Tinh thần hiếu học của người Việt Nam thường có nhiều câu nói, nhiều cách hiểu nên cũng đã có những thành kiến quy kết như vậy. Thật sự, người Việt hiếu học hay hiếu danh? 

Học đại học, nuôi mẹ bệnh tật và trả nghĩa cuộc đời.

(Hiếu học). Nam không quên được những lần nhà hết gạo ăn, hai mẹ con ngồi bần lặng nhìn nhau trong ngôi nhà tồi tàn thông thốc gió, đứng cheo leo trên một con đồi. Vượt lên tất cả, Nam bước chân vào đại học mang theo niềm tự hào của người mẹ luôn đau yếu.

Cùng chuyên mục