Trở thành tổng giám đốc khi tuổi còn quá trẻ ở một công ty chứng khoán có vốn lên tới 1.000 tỷ đồng là một thách thức rất lớn. Nhưng sau gần 3 năm làm việc tại Công ty Chứng khoán VNDirect, Nguyễn Hoàng Giang được hội đồng quản trị bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc dù mới 24 tuổi.
Quyết định bổ nhiệm chính thức được đưa ra hôm 6/10, vài tháng sau khi hội đồng quản trị VNDirect đặt vấn đề bổ nhiệm. Và Giang trở thành vị tổng giám đốc trẻ nhất trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay.
Tốt nghiệp Đại học Nebraska (Mỹ) chuyên ngành toán kinh tế – khoa học máy tính, Nguyễn Hoàng Giang là một trong bốn sinh viên xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Phillip Schrager. Giang cũng là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Toán thực hành, trường đại học Nebraska.
Tháng 1/2008, Nguyễn Hoàng Giang bước vào ngành chứng khoán với vị trí cộng tác viên phòng giải pháp nghiệp vụ tại Công ty chứng khoán VNDirect. Chỉ hơn một năm sau, anh đã trở thành Trưởng phòng giải pháp nghiệp vụ và quản trị rủi ro, rồi tiếp đến là Giám đốc Khối phát triển sản phẩm và giải pháp nghiệp vụ.
Cũng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo ra những cơn bão dữ dội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá của tất cả các cổ phiếu cũng như khối lượng giao dịch tụt thê thảm, VNDirect cũng như tất cả các công ty chứng khoán khác đều phải chịu những tác động nặng nề.
Chính vì những rủi ro quá lớn đã xảy ra, ban lãnh đạo công ty thay đổi chiến lược. Thay vì tìm kiếm các nguồn nhân lực tốt nhất và đặt họ ở bộ phận kinh doanh, công ty dành nguồn lực trẻ, có tiềm năng vào bộ phận quản trị rủi ro và giải pháp nghiệp vụ – một mảng còn rất mới ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và Nguyễn Hoàng Giang, cậu sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế máy tính, được giao nhiệm vụ kiến trúc sư trưởng của hệ thống quản trị rủi ro cũng như giải pháp nghiệp vụ của công ty trong giai đoạn mới. Những đóng góp của anh ở bộ phận này là một trong những nhân tố giúp công ty có kết quả kinh doanh tốt và giảm thiểu được rủi ro trước những biến động dữ dội của thị trường. Năm 2009, VNDirect có lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 là 195 tỷ đồng.
Trong cuộc họp lãnh đạo cao cấp cách đây vài tháng, khi nhận được đề nghị làm tổng giám đốc từ bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, Nguyễn Hoàng Giang rất bất ngờ. “Việc đầu tiên là tôi tìm cách chuyển ‘quả bóng’ này cho một người khác mà tôi nghĩ rằng sẽ xứng đáng và tốt hơn”, anh tâm sự.
Tuy nhiên, sau khi được toàn bộ ban lãnh đạo thuyết phục, Giang đã tự tin nhận lời, với tâm niệm: “Đó là một cơ hội lớn và tại sao lại không thử?”.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bộc bạch thông thường mọi người quen với việc tổng giám đốc tại công ty chứng khoán phải giỏi kinh doanh nhất. “Tuy nhiên, chúng tôi có lý do riêng khi chọn người phụ trách bộ phận quản lý rủi ro và xây dựng hệ thống giữ vị trí này. So với nhiều thành viên khác tại công ty, Giang không phải là người giỏi kinh doanh nhất nhưng Giang có khả năng hợp tác tốt với người khác và biết giúp mọi người cùng lái con tàu VNDirect”, bà Hương khẳng định.
Nhìn vào những bảng thành tích của Giang ngày hôm nay, ít ai biết rằng, Giang từng trải qua những tháng ngày gian khó. Khi học lớp 4, bố của Nguyễn Hoàng Giang mất trong một tai nạn giao thông. Gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ – một giáo viên phổ thông với 2 con nhỏ (Giang và cô em gái lúc đó 4 tuổi). Vào trung học, Giang tự hứa với mình là sẽ tìm mọi cách để đi học nước ngoài mà phải học ở Mỹ để sau này kiếm nhiều tiền giúp mẹ.
Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,5 điểm, Giang vẫn nuôi mộng đi Mỹ và cậu tìm được một suất học bổng tại Đại học Nebraska (Mỹ). Tuy nhiên, trường không có học bổng toàn phần nên Giang vẫn phải chi trả một phần tiền học phí, tiền ở và sinh hoạt hằng ngày mà điều này vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Một người họ hàng biết chuyện đã cho Giang vay tiền.
Năm đầu tiên tại Mỹ, cứ 5h sáng Giang đến nhà ăn của trường Nebraska để làm bánh pizza và 10h thì cắp sách đến giảng đường. Anh cho biết, khi mới sang không quen biết ai nên tìm việc làm thêm rất khó. Việc làm bánh pizza trong trường dù vất vả, ít người thích nhưng dễ tìm nhất.
Sang năm thứ 2, cùng với kết quả học tập tốt về môn toán, Giang tìm được một chân trợ giảng rồi tiến đến giảng viên của môn này cho các sinh viên chuyên ngành khác. Ngoài công việc làm thêm là giảng viên, Giang tham gia một dự án phát triển website, và còn được chọn là đại diện cho trường đi quảng bá hình ảnh…
Giang tâm sự, trở thành tổng giám đốc khi tuổi còn quá trẻ ở một công ty chứng khoán vốn lên tới 1.000 tỷ đồng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc thể hiện mình giỏi ra sao, mà là biết ai mạnh điểm gì để cùng họ hoàn thành mục tiêu.
“Tất nhiên, tôi cũng không tự huyễn hoặc mình về vị trí mới bởi biết rằng mình còn cần phải học rất nhiều thứ, đặc biệt là từ những đồng nghiệp trong công ty”, anh nói.
Anh cho biết, điều khiến anh thích nhất ở ngành chứng khoán là luôn được tiếp xúc với lĩnh vực mới và tìm hiểu nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. “Nếu mình làm chuyên ngành máy tính thì chủ yếu biết máy tính nhưng nếu làm chứng khoán khi đầu tư vào ngành mía phải hiểu được cách thức kinh doanh của họ, khi đầu tư vào ngành bất động sản cũng phải hiểu chủ doanh nghiệp tạo tiền ra sao… Cũng từ đó mà chúng tôi luôn tìm được những ý tưởng mới và điều này khiến chứng khoán có sức hấp dẫn đặc biệt”, anh nói.
Theo: (Hoàng Ly/VNE)