Mỹ là một trong những nước đứng đầu về thu hút du học, trong đó có du học sinh Việt Nam. Thế nhưng trở ngại lớn nhất của sinh viên Việt Nam khi du học Mỹ là thủ tục phỏng vấn visa. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi xin chia sẻ một vài điểm cơ bản dễ gây nhầm lẫn đối với sinh viên muốn đi du học.
Làm chủ cuộc phỏng vấn
Phỏng vấn xin visa thường chỉ mất từ 2-3 phút, tối đa là 5 phút. Rõ ràng đây là một khoảng thời gian rất ngắn để nhân viên lãnh sự tìm hiểu về bạn, nên trách nhiệm của người được phỏng vấn là phải tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó một cách hiệu quả. Nhưng trong nhiều trường hợp, nhân viên lãnh sự lại là bên phải nói nhiều, trong khi người được phỏng vấn lại nói rất ít – đó là một dấu hiệu không tốt.
Một giáo viên dạy ngoại ngữ giỏi là người hiểu được rằng để sinh viên phát triển kỹ năng ngoại ngữ, người giáo viên phải “hạn chế” thời gian nói của mình và “tối đa” thời gian cho sinh viên tập nói càng nhiều càng tốt. Đó là cách để người học thực sự học cách sử dụng ngôn ngữ, trong khi người dạy chỉ giới thiệu ý tưởng, hướng dẫn thảo luận và đưa ra chỉnh sửa khi cần thiết.
Nguyên tắc đó cần được áp dụng trong cuộc phỏng vấn visa: sinh viên đi phỏng vấn cần học cách hạn chế thời gian nói của nhân viên lãnh sự và tối đa thời gian nói của mình. Cuộc phỏng vấn là cơ hội để sinh viên cung cấp thông tin cho nhân viên lãnh sự Mỹ, bao gồm thông tin về bản thân, kế hoạch học tập, dự định, tính cách… chứ không phải là một cuộc trả lời “khẩu cung” hỏi gì đáp nấy.
Ví dụ khi được hỏi một câu rất phổ biến là: “Bạn định đi du học ở đâu trên nước Mỹ?”, một câu trả lời ngắn như: “Trường đại học A ở thành phố X” không nói lên được gì nhiều về bản thân người sinh viên này và khiến nhân viên lãnh sự phải hỏi tiếp nhiều câu nữa để “lôi” thêm thông tin…
Như vậy, vô hình trung thời gian nói của người cần biết thông tin thì nhiều, của người cần cung cấp thông tin thì ít. Trong mọi trường hợp, người được phỏng vấn luôn được khuyên nên trả lời súc tích, đưa ra thêm nhiều thông tin có giá trị tương ứng với việc trả lời cho 4-5 câu hỏi.
Ví dụ với câu hỏi như trên, một câu trả lời đầy đủ thông tin lý tưởng sẽ là: “Tôi sẽ học tại trường đại học A, ở thành phố X. Tôi dự định học chương trình Kỹ sư bốn năm, đó là chương trình có tiếng của trường. Tôi chọn ngành Kỹ sư vì cha tôi có một công ty xây dựng và tôi muốn học để sau này về quản lý công ty cho cha tôi”.
Một câu trả lời như vậy sẽ giảm thiểu việc nhân viên lãnh sự phải hỏi thêm, bởi vì bạn đã cung cấp rất chi tiết về kế hoạch học tập, phần nào đó là mục đích của việc đi học và định hướng tương lai. Nghe có vẻ đơn giản vậy nhưng nhiều sinh viên lại không xem trọng chi tiết này.
Nói điều người ta muốn nghe, thay vì nói điều mình biết
Đa phần sinh viên trước khi đi phỏng vấn thường xem cuộc phỏng vấn giống như một bài thi, mà trong đó người thành công là người đưa ra những câu trả lời nhằm gây ấn tượng tốt với nhân viên lãnh sự để thuyết phục với họ rằng mình là ứng viên xuất sắc xứng đáng được cấp visa đi học.
Thế nhưng sự thật là người của lãnh sự không hề muốn nghe những câu trả lời từ những chuyện trên trời, những chuyện trong phim ảnh nước Mỹ, kinh tế Mỹ, nhạc pop Mỹ… mà truyền thông thêu dệt mỗi ngày.
Một câu hỏi thực tế thường gặp khác là: “Tại sao bạn muốn đi học ở Mỹ?”. Dĩ nhiên, ai đi phỏng vấn cũng chuẩn bị sẵn cho mình câu trả lời. Vì nghĩ rằng mình sẽ tạo ấn tượng với nhân viên lãnh sự thông qua vốn tiếng Anh lưu loát cùng sự hiểu biết thông thái của bạn, nên bạn trả lời thế này: “Tôi muốn học ở Mỹ vì Mỹ là một nước phát triển với kinh tế hùng mạnh và nền giáo dục của Mỹ là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới!”.
Với câu trả lời “hoành tráng” như vậy, nhân viên lãnh sự chẳng có thêm được chút hiểu biết nào về bạn, ngoài việc có thể bạn đã tra Wikipedia để nói cho họ nghe những điều họ đã quá biết về nước họ. Điều đơn giản mà nhiều bạn trẻ lại không hiểu đó là cuộc phỏng vấn là cơ hội để bạn giới thiệu cho nhân viên của lãnh sự quán biết về cá nhân bạn, chứ không phải là một cuộc trả bài về những gì bạn biết về nước Mỹ.
Dù mục đích của bạn là gì đi nữa – cha mẹ muốn bạn đi học, có bạn bè đang học ở Mỹ, có bà con họ hàng ở Mỹ sẵn sàng cho ở trọ trong khi đi học, thậm chí vì bạn thích phim Mỹ và muốn đến Mỹ xem có phải giống như trong phim không, hay vì bạn nghĩ nước Mỹ hợp với một cá tính như bạn… – người ta cần nghe những điều chân thật về bạn, về những gì bạn suy nghĩ.
Phần lớn những trường hợp phỏng vấn hỏng thường phạm vào lỗi nhầm lẫn giữa điều mình cho là “có giá trị” và điều thực sự giá trị với người chất vấn, nên bị mất cơ hội du học một cách đáng tiếc. Hy vọng một vài thông tin trên có thể làm sáng tỏ phần nào những “bí quyết” rất đơn giản để các bạn trẻ làm hành trang khi đi phỏng vấn.
Theo: (DNSG)