Hành trình từ “thợ đụng” (đụng đâu làm đó) thành giám đốc như ngày hôm nay của Vũ Hoàng Minh Trọng là câu chuyện của tuổi trẻ khát khao tự khẳng định mình.
Nhà nghèo, từ nhỏ đã sớm vào đời mưu sinh với đủ thứ nghề từ làm thuê, cuốc mướn đến phụ hồ, xe ôm… nhưng Trọng vẫn quyết nuôi chí làm đến đâu học đến đấy.
Vươn lên từ cơ cực
Lớn lên trong khu lao động nghèo Xóm Mới (Q.Gò Vấp, TP.HCM), tuổi thơ của Trọng sớm cơ cực khi bố mất sớm. Mẹ dắt ba anh em Trọng chạy đến đất Phú Túc, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) làm kinh tế mới với hi vọng thoát khỏi cảnh nghèo. 9 tuổi, Trọng theo mẹ đi cấy lúa, nhổ đậu, bẻ bắp, cắt cỏ thuê nuôi hai em gái nhỏ. Hết vụ mùa, hai mẹ con Trọng nướng bánh tráng ra chợ bán. “Có khi trời mưa, cả ngày bán chỉ được hai ba cái, mình đội mũ lụp xụp lủi thủi gánh bánh tráng về, sợ bạn bè thấy cảnh bán ế” – Trọng cười.
Học xong lớp 9 Trọng phải bỏ ngang, ra đời tìm cách mưu sinh. Hằng ngày Trọng mua trái cây, đạp xe vào rừng bán cho đồng bào dân tộc, rồi mua củi trong rừng chở về xuôi bán lại. Dành dụm được ít vốn, Trọng bàn với mẹ mua giống, thuê đất làm nông ăn chia tỉ lệ thu hoạch với chủ đất. Làm lụng lần hồi nhà Trọng cũng tích cóp mua được mảnh đất canh tác nhỏ.
Cuối những năm 1980, khi phong trào trồng cà phê nở rộ, Trọng cũng chuyển sang trồng cà phê. “Mình ít vốn, chưa có kinh nghiệm, đầu tư máy móc không nổi nên vụ mùa thất bát. Thế là chuyển sang phụ hồ” – Trọng nói. Chuyện thất bại khi tuổi chưa đầy hai mươi đã giúp Trọng nhận ra: muốn làm cái gì tốt trước hết phải học kỹ về nó.
Vừa phụ hồ vừa học nghề xây từ các thợ chính, mấy tháng sau Trọng đã thành thợ giỏi chuyên đi xây nhà cấp bốn. Dần dần Trọng được kêu đi thầu xây nhà riêng rồi lập thành nhóm nhận công trình. “Trước khi nhận xây nhà 2-3 tấm thì phải chạy xuống thành phố mua sách báo, giáo trình xây dựng về học để mà làm” – Trọng cho hay. Đến khi quen nghề, khách kêu thầu những công trình xây theo bản vẽ thì Trọng nhìn bản vẽ rồi tự nói với mình: Phải đi học!
Cái khó thành cái may
Trọng đi TP.HCM đăng ký học nghề họa viên kiến trúc cơ bản ở Trường Kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng (Q.Bình Thạnh) khóa 1999-2000. Tuần ba buổi Trọng chạy xe máy khoảng 100km từ Đồng Nai về TP.HCM học, không chịu nghỉ bữa nào. “Học xong 8 giờ tối, ra mua ổ bánh mì lót dạ chạy về Đồng Nai để mai còn đi làm. Có hôm mưa to, về đến nhà hai tay như bị cứng đờ ra” – Trọng nhớ lại. Cuối năm 2000, Trọng nhận được một công trình xây nhà ở khu Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) và làm luôn ở khu vực đó trong hai năm trời…
Năm 2002, xem báo thấy Trường Bổ túc văn hóa Thành đoàn chiêu sinh, Trọng quyết chí đi học để hoàn thành chương trình phổ thông. Trọng bàn với mẹ chuyển nhà từ Đồng Nai đến trọ ở đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) để tiện theo học. Mỗi tối đi học về, Trọng lò dò hỏi khách bộ hành để chạy xe ôm kiếm thêm. Để tập trung học, Trọng không nhận xây nhà nữa mà xin vào làm giám sát thi công ở các công trình.
Cứ 4g30 mỗi ngày Trọng thức dậy chạy xe ôm chở khách quen từ ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – Cộng Hòa đi sân bay, rồi chở một khách quen khác từ ngã tư này đi bến xe miền Tây, xong lại đi làm ở công trình. Buổi trưa, Trọng chọn góc vắng nào đó tại công trình xây dựng ngồi ôn bài để tối đi học. “Cái khó của mình lại thành cái may. Chứ nhiều người sinh ra trong giàu có, lo ăn chơi thì lại biến cái may thành cái khó” – Trọng chia sẻ. Suy nghĩ đó đã giúp Trọng sống qua những tháng ngày khó khăn mà vẫn giữ được sự ham học cho mình.
Tốt nghiệp phổ thông, lúc này nhu cầu xây dựng không còn nhiều như trước nên Trọng chuyển sang nghề tiếp thị bia, nước giải khát ở các tỉnh miền Tây. Làm một thời gian, Trọng dồn hết tiền dành dụm được từ trước đến nay hùn với hai người bạn về TP.HCM mua lại một nhà xưởng sản xuất nước đóng bình. “Lúc đó là năm 2007. Mỗi ngày tụi mình chỉ xuất xưởng được hơn 100 bình. Hai người bạn lần lượt sang phần của họ lại cho mình” – Trọng cho hay.
Hằng ngày, Trọng cùng nhân viên đi khắp nơi tìm mối bỏ nước. Khách gọi một bình đường có xa mấy cũng chở, khu vực Bến Lức, Đức Hòa (tỉnh Long An) cũng có khách hàng của Trọng. Dần dần, số bình nước bán ra mỗi ngày của xưởng lên đến hàng trăm. Đến đầu năm 2010 Công ty Tân Trọng Phát với thương hiệu nước đóng bình Vast do Trọng làm giám đốc được thành lập, đóng tại Khu công nghiệp Tân Bình (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú). Hiện nay, mỗi ngày công ty Trọng bỏ mối cho nhiều trường học, công ty ở TP.HCM, Long An trên 1.000 bình…
Anh giám đốc – “thợ đụng” khi xưa lên kế hoạch học tiếp ngành quản trị kinh doanh (hệ từ xa đại học Đà Nẵng) đang tạm gác lại sau một năm theo học vì công ty mới thành lập, công việc ngổn ngang.
Cố gắng sẽ nhận được kết quả xứng đáng
Lúc còn chạy xe ôm Trọng có chở một cụ già, biết chuyện Trọng vừa học vừa làm nuôi mẹ già, ông cụ trả tiền xe xong cho thêm 50.000 đồng nữa. Nhiều người khách đi xe ôm cũng động viên Trọng phấn đấu học hành, làm ăn. “Cứ mỗi lần đi ngang qua nhà ông cụ không quen biết giúp mình trước đây, tôi vẫn hay nhìn vào con hẻm nhà ông để xem ông còn khỏe không. Cuộc sống rất vui khi gặp được những người tốt bụng như vậy” – Trọng nói.
Trong công ty mình, biết bạn Long (SV ĐH Công nghiệp) vào làm thêm, gia cảnh khó khăn không có tiền đóng học phí, Trọng cho mượn tiền đi học. Khi xe ba bánh bị cấm lưu thông, bạn Vũ cần tiền học lái ôtô, Trọng cũng cho mượn tiền đi học. “Nếu cố gắng theo đuổi việc gì đó mà không bỏ cuộc, không chỉ riêng mình mà ai cũng có thể nhận được kết quả xứng đáng” – Trọng chia sẻ.
Theo: Trọng “thợ đụng” thành giám đốc (TTO)