Nghề lái xe cho các sếp

Xung quanh công việc của những người lái xe cho các sếp là những câu chuyện không phải ai cũng biết

Nhiều phen không có “giám mã” giải cứu, sếp chỉ có chết. Xung quanh công việc của những người lái xe cho các sếp là những câu chuyện không phải ai cũng biết. (Minh họa: Khều)

Luật im lặng

Con người ta khổ nhất là biết mà không được chia sẻ với ai và biết nhưng không được ai chia sẻ. Cánh xế hộp cho sếp lắm phen rất khốn khổ với cái việc “sống để dạ, chết mang theo” này từ những chuyện “đã biết, đã thấy” trên bước đường công du với sếp.

Một sếp được coi là có thâm niên, tiếng tăm trong quan hệ và lấy dự án, một lần lưng tưng rượu đã bộc bạch với tôi: Trong cơ quan, ngoài kế toán thì lái xe là rất quan trọng. Mình tử tế nhưng do cuộc sống đưa đẩy, có giữ gìn mãi nhiều khi cũng phải sống khác thằng người một tý. Vậy nên không kiếm được lái xe trung thành, biết tuân cái “luật” im lặng là rất khó.

Cũng theo lời tay sếp, ngoài vợ con thì lái xe là thằng gắn bó với mình nhất. Ngoài vợ, thì lái xe là “thằng” duy nhất biết mình dậy lúc mấy giờ, ăn uống ra sao, thậm chí cái việc đi tiểu tiện ngày mấy lần, vào giờ nào nó đều biết. Thế nên những chuyện khuất tất của mình nó không biết giữ mồm, giữ miệng trước bàn dân thiên hạ là chết ngay.

Nhiều vụ việc, sếp làm ăn khuất tất bị các cơ quan chức năng nhòm ngó, ngoài sếp và cộng sự thì xế cũng là người được gọi hỏi thường xuyên. Nếu không biết im lặng, không biết giữ mồm thì nguy nan cho sếp ngay.

Ở công ty nọ, sau khi công ty đổ mánh, sếp bị bắt, anh lái xe cũng là người được điệu lên ngay sau sếp. Các câu hỏi để phục vụ điều tra dành cho người liên quan là lái xe sẽ được đưa ra như: Ngày ấy anh đưa sếp đi đâu? Có thấy gặp ông này ông kia, đưa phong bì không? Có biết họ trao đổi với nhau việc gì không? Trước sau, dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ một câu duy nhất là không biết.

Lại bị hỏi tại sao lại không biết?… Dù có đi cùng, có chứng kiến họ đưa nhận phong bì, có chứng kiến họ vạch ra các kế hoạch để chiếm dụng vốn hay tài sản thì đều phải nhanh nhảu mà trả lời rằng: Tôi chỉ là lái xe. Đưa sếp đến nơi tôi về phòng hay kiếm chỗ gốc cây (đại loại thế) tắt máy ngồi chờ sếp. Sếp gặp ai, làm gì tôi đều không biết. Khi nào sếp điện, tôi đến đón. Nhiệm vụ của tôi chỉ là lái xe, không được can dự vào các công việc của sếp nên tôi không biết.

Theo cánh xế hộp cho sếp thì việc thực thi “luật” im lặng này khó nhất là trước vợ con sếp. Nhiều xế cho biết các sếp bây giờ rất nhiều người có bồ bịch, không thì cũng khó tránh khỏi gái gú, karaoke, nhà hàng. Nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng, để ký kết, quan hệ, nhiều khi ngoài rượu còn là “các em”. Mà xế với sếp như hình với bóng, nhiều khi để “thử máu” chồng xem có chung thủy hay không các xế cũng hay bị các sếp bà “quay” ra trò.

Theo kinh nghiệm của các xế, sếp bà thường rất ranh ma về chuyện này, không khéo là dính bẫy như chơi. Để an toàn, sau mỗi trận ăn nhậu, gái gú nhà hàng (nếu có), trên đường về, dù có “phê” đến thế nào chăng nữa xế cũng phải luôn chủ động “khớp cung” cùng sếp.

Rằng theo anh, nếu ngày mai, ngày kia, chị nhà có vô tình gọi điện, hỏi em đưa anh đi đâu thì bảo sao?! Sau đó là phải tư vấn lộ trình, công việc cho sếp, để sếp về, vợ hỏi rồi nếu có điện thoại cho xế để “khảo” thêm thì hai anh em phải thống nhất được lộ trình.

Không thế, không “khớp được khẩu cung”, sếp sẽ bị “phơi áo” trước vợ còn cánh xế cũng khó ăn khó nói với chị nhà. Không khéo lại mất việc như chơi vì dân ta vẫn còn trọng cái câu “lệnh ông không bằng cồng bà” mà.

Xế T, một người đã cầm lái cho sếp H. đến hơn chục năm rồi, đã được “chị và các cháu” coi như em, như chú trong nhà kể: Ngoài nguyên tắc im lặng là vàng, chúng tôi còn phải có khả năng xử trí và ứng phó với các tình huống bất chợt phát sinh. Vợ ông sếp tôi “quái” lắm. Sếp là lãnh đạo công ty đấy nhưng mọi việc “kinh bang tế thế” để cho cái công ty ấy hoạt động đều do sếp bà “bài binh bố trận” cả.

Có lần, xế T. suýt bị vợ sếp cho vào tròng. Vì sếp ông kín đáo, sếp bà cho người theo dõi mãi không phát hiện ra chuyện bồ bịch của chồng nên bà đã dùng xảo thuật với xế. Trong một lần nhờ chồng điều xế T. đưa đi chùa, bà đã “rào trước đón sau” với xế T. mà rằng: Chị có chuyện hết sức buồn. Chú là người đi với anh mãi, vợ chồng chị coi chú như em ruột trong nhà nên có chuyện này muốn bàn với chú.

Trước, chị đi xem bói, tay thầy bói mà chị đã theo từ ngày anh chị khởi nghiệp đã phán rằng anh đang rơi vào thời kỳ yểu mệnh. Để cứu anh, cứu gia đình thì phải cho anh lấy lẽ. Chú hay đi với anh, thấy anh mên mến đứa nào thì chú “hoa tiêu” cho chị để chị vun vén cho anh. Nó vừa thêm người, vừa cứu anh, mà cái quan trọng nhất là cứu lấy cơ nghiệp cho các cháu.

Biết chị nhà cho vào tròng, với giọng hết sức thật thà anh nói: Cái này khó lắm chị ạ. Đi cùng anh bao nhiêu năm, công tác xa có, gần có nhưng em thấy anh chả bao giờ có cái khoản kia đâu. Với anh vợ con vẫn là nhất.

Mấy hôm sau anh đem chuyện này kể với sếp, sếp cảm ơn anh rối rít và chiêu đãi anh ngay một trận nhậu túy lúy cùng cái phong bì. Sếp bảo, con tinh tinh ấy nó đang nghi anh. Chú mà không trung thành, không tỉnh táo là anh em mình bị “nó” cho vào tròng rồi.

Ứng xử nhanh và chia lửa

Ứng xử nhanh và chia lửa cũng là một trong những “nhiệm vụ” của lái xe. Ngoài việc “mưu trí” như trường hợp xế T. đã kể trên thì các xế còn muôn vàn cách đối xử, quân sư đột xuất cho sếp về những chuyện rủi bất chợt xảy ra. Anh C. cũng là lái xe cho một sếp. Anh bảo ngày mới cầm lái, sếp không ấn tượng với anh lắm. Nhưng từ khi anh làm “Gia Cát Lượng” trong một sự vụ nên sếp trở nên nể trọng anh.

Anh C. bảo sếp anh không máu gái. Thế nhưng đã kết ai thì say như bi. Một đợt đi công tác tại tỉnh miền núi H., vào khánh thành một trường học do công ty sếp xây, sếp đã “chết” với một cô giáo.

Hẹn hò, thăm hỏi, quà cáp và gạ gẫm mãi nhưng cô kia vẫn không “chịu” với sếp. Thế rồi, do sếp nhiệt tình quá, một lần xuống Hà Nội tập huấn, cô ấy đã hẹn gặp sếp.

Đúng lúc cao điểm nhất thì vợ sếp lại điện thoại. Nhẽ ra bấm nút ngắt thì sếp lại bấm nhầm nút nghe rồi vứt vội cái điện thoại xuống gối để “mây mưa” tiếp.

Do “chờ đợi” lâu quá, sếp hồi hộp “vào trận”. Đúng lúc cao điểm nhất thì vợ sếp lại điện thoại. Nhẽ ra bấm nút ngắt thì sếp lại bấm nhầm nút nghe rồi vứt vội cái điện thoại xuống gối để “mây mưa” tiếp.

Xong việc, sếp mới ngó đến cái điện thoại, định điện lại cho vợ thì giời ơi cuộc nghe vẫn đang kết nối. Xanh mặt, sếp thì mộng mị, chẳng còn ai tư vấn cho cái cuộc điện thoại chết người kia nên sếp đã phải vời đến anh xế.

Sau một hồi suy tính, anh đã vạch đường cho sếp: Tốt nhất là anh nên vứt cái điện thoại đi. Coi như điện thoại của anh đã bị ai đó móc mất. Và cái cuộc điện thoại với những “ngôn ngữ đặc biệt”, “chết người” kia sẽ là của kẻ đã lấy điện thoại của anh chứ không phải anh.

Sau đó, để sếp lại cơ quan, anh chạy xe về nhà sếp, gọi cửa giật giọng mà rằng: Sáng chị có thấy anh để cái điện thoại ở nhà không. Hai anh em đi công trình bận quá nên giờ em mới về lấy được cho anh. Vợ sếp từ thái độ rất căng thẳng, mặt mũi gân cốt đã giãn ra: Anh em chú toàn là cái loại “không có cái gì dính vào người” thì mất hết. Thảo nào lúc buổi chị điện toàn thấy nó thì thào cái gì ấy. Đang định tối về hỏi tội anh chú đây. Thế là cả xế lẫn sếp thở phào. Tý nữa thì “tình mất, nhà tan” nếu không có sự quân sư của xế C.

Ngoài ứng xử nhanh, với cánh xế hộp cho sếp còn là khoản biết “chia lửa”. Cái khoản này nó cũng thú vị, phong phú vô cùng, nhiều khi còn là sự nhận tội thay.

Về chuyện này, xế P. ở tỉnh B. cũng có một “kỷ niệm” khó quên. P bảo, anh lái xe cho một sếp, ngày xưa khi chưa có tiền thì mỗi bận đi đâu sếp cứ im thin thít dưới sự điều khiển xe cộ của anh. Ấy thế mà vừa rồi sếp phát, sếp có ý định mua xe. Mua xe thì phải học lái, do bận nên sếp hay sai anh lấy xe công để bổ túc tay lái cho mình.

Cái trò đời, biết thì không sao chứ chưa biết họ hay húng lắm. Mới hồ tay lái được một tuần thì bữa ấy sếp phải đi ăn cơm khách. Ngồi nhậu từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm mới xong. Hai thầy trò trên đường về, rượu bia lưng tưng, hứng lên sếp bắt anh “nhường tay lái”.

Biết vậy là rất nguy hiểm, anh lên tiếng can thì sếp bảo anh coi thường sếp quá. Cực chẳng đã, anh đành nhường tay lái chiếc công xa biển xanh cho sếp. Điều khiển được độ 20km, một phần do say rượu, phần nữa tay lái yếu nên sếp đã cho hai người đi đường trở thành người thiên cổ.

Sau vụ tai nạn, sếp bảo anh đánh xe vào trụ sở. Một cuộc “mặc cả” đã được đưa ra. Sếp bảo anh giúp sếp nhận vụ tai nạn này. Nếu để lọt ra ngoài là sếp lái, mà lại lái xe công gây tai nạn nữa thì đi cả hai. Sếp lĩnh án, anh cũng mất việc, đó là còn chưa kể đến tiền đền bù phải trả cho người ta. Nghe sếp nói “có tình, có lý” anh đành nhận.

Thế là lẽ ra ngoài việc tự do với các vòng lái, vòng cua thì anh đã bị tạm giam, phục vụ điều tra. Và sau hai phiên tòa làm bị cáo bất đắc dĩ, anh chỉ phải hưởng án treo. Được cái sếp là người có trước sau. Từ ngày anh nhận án, sếp vẫn úy lạo anh thường xuyên. Nhìn những đọt nắng quái xuyên chéo thềm, anh P. ưu tư: Chỉ còn hai tháng nữa tôi mãn án. Lại về lái xe cho sếp. Thế đấy, lái xế hộp đâu phải thong dong như người đời nghĩ.

Theo: Phóng sự “Giám mã thời nay” (TPO)

Cùng chuyên mục