Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong học tập, phải học có phương pháp trong tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và chú tâm tự học
Nghe giảng: Nếu chú tâm nghe giảng, hiệu suất tiếp thu đạt tới 50 phần trăm.
Trong đời sống hàng ngày, quá trình thông tin chiếm tới hai phần ba thời gian hoạt động của con người, trong đó viết chỉ chiếm 9 %, đọc 16 %, nói 30 % và nghe 45 %. Hiện nay, nhiều bạn nghe giảng một cách không khoa học còn phổ biến. Người nghe, hoặc cặm cụi ghi chép mà không hiểu người giảng nói gì, hoặc suy nghĩ mung lung về bài giảng, hoặc nghĩ đến việc khác. Kết quả là sau đó, đầu óc người nghe không có ý niệm rõ ràng hoặc có một mớ hỗn độn các ý niệm, hoặc không có ý niệm gì trong đầu. Đây quả là sự lãng phí lớn về thời gian và sức lực của cả người giảng lẫn người nghe.
Ghi chép: Không ai có thể tự tin vào trí nhớ của mình mà không cần ghi chép.
Khi một ý niệm được tay ta trực tiếp ghi trên giấy là hình ảnh của ý niệm này được đậm nét thêm ở trong óc. Có ghi chép bài, học bài càng chóng thuộc. Cũng có bạn thích ghi chép nhưng ghi chép không đúng cách. Họ ghi lia lịa đặc cả trang giấy, thậm chí tới mức sau này chính bản thân cũng không đọc nổi những điều đã ghi. Cách ghi như vậy chỉ làm nhọc cơ thể và trí não một cách vô ích.
Làm bài, thực tâp: Học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tập.
Không bao giờ học một cách hời hợt. Học không chỉ là lưu trữ kiến thức rồi để đó, mà chỉ có thực hành, làm bài nhiều thì mới có thể nhớ kỹ, nhớ lâu. Ở bậc học cao hơn, thực tập là hình thức học tập không thể thiếu ở các trường, nhất là ở trường đại học. Thực tập có thể tiến hành ở phòng thí nghiệm, trên thực địa, hay ở các cơ sở nghiên cứu, sản xuất… với mục đích rèn luyện các thao tác kỹ thuật nhằm củng cố, kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học và để tập dượt ứng dụng kiến thức khoa học trong thực tế.
Tự học: “Khả năng quý giá giúp con người thành công trong mọi việc”.
Ta không thể chỉ bằng lòng với cách học thuộc các công thức, quy luật, nguyên lý nêu trong tài liệu, mà phải tự tìm hiểu sâu thêm về những điều đã học. Phải tập luyện kết hợp ba khả năng: nghe, xem và ghi. Trí nhớ âm thanh sẽ được kết hợp với trí nhớ hình ảnh, ấn tượng của kiến thức dễ ăn sâu vào trong vỏ não. Thoạt đầu, thì hai loại trí nhớ này hoạt động tách rời, chú ý nghe thì quên ghi hay trái lại. Nhưng chỉ sau một thời gian chú tâm tập luyện, ai cũng có thể kết hợp các khả năng này.
Tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác và khả năng tập trung chú ý phải được rèn luyện mới có chứ không do bẩm sinh tự nhiên mà được. Ngoài ra, rèn luyện sự chú tâm học cả những môn không thích, ta sẽ đồng thời rèn luyện được nghi lực, chủ động tập trung khi cần thiết. Đây là khả năng quý giá giúp con người thành công không chỉ trong học tập mà còn trong tất cả mọi việc.
Chúc các bạn vui – khỏe, đạt nhiều kết quả tốt trong học tập.
Văn Nghi Quân tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)