Tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft đã vinh danhsinh viên khiếm thị Đào Thu Hương là “Anh hùng thầm lặng” vì sự phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường học tập, vượt qua số phận…
Khi cái tên Đào Thu Hương, thủ khoa tiếng Anh được xướng lên trong trong lễ trao bằng tốt nghiệp củatrường ĐHSPHN, làmcả hội trường lặng im chú ý nhìn theo những bước chân dò dẫm của cô gái trẻ bước lên bục vinh dự nhận bằng. Câu chuyện về cô gái khiếm thị với sức học phi thường từ lâu đã trở thành câu chuyện về nghị lực sống mạnh mẽ được truyền tai nhau trong giới sinh viên Hà Nội. Với tổng điểm 8,75 sau 4 năm học đại học, Đào Thu Hương, nữ sinh khiếm thị đã trở thành thủ khoa – khoa Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ít ai biết rằng, đằng sau thành tích ấy là nỗ lực vươn lên của một số phận chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi trong cuộc sống.
Trong căn nhà nhỏ nằm ở ngõ Thiên Hùng, Khâm Thiên,HN, cô Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Hương nghẹn ngào nhớ lại: “Sau khi cất tiếng khóc chào đời, Hương tiếp tục khóc và khóc hàng tháng trời. Khi Hương được 4 tháng tuổi, thấy lạ,tôiđưa Hương đi khám thì bác sĩ bảo, Hương bị dị tật ở mắt.”
Dù đã cất công đi khắp nơi chạy chữa và phẫu thuật nhưng bệnh tình của Hương vẫn không hề thuyên giảm. Dù vậy, gia đình vẫn cố gắng cho Hương theo học tại trường tiểu học Quang Trung. Học tới lớp 4, đôi mắt của Hương đã vĩnh viễn không còn nhìn được. Gia đình phải cho Hương tạm thời nghỉ học. Cô Hạnh tâm sự :“Những ngày ấy Hương rất buồn và thường xuyên khóc, khóc rất nhiều. Con bé cũng hay tức giận hơn. Chúng tôi thương cháu mà cũng không biết làm cách nào”. Thời gian đóhầu như đêm nào cô Hạnh cũng khóc. Cô ước gì có một phép mầu để Hương có thể đi học như bao đứa trẻ khác.
Dù bệnh tật nhưng cô bé đòibằng được cha mẹphải cho đi học. Thương con, cô Hạnh đành xin cho Hương vào học trường Nguyễn Đình Chiểu. Chuyển từ cách học chữ bằng mắt sang bằng tay, Hương đã phải mất ba năm học lại. Đã không ít lần trong khi tập viết chữ nổi, cây bút đâm vào tay khiến Hương chảy máu,đau nhói. Không ngại khó Hương vẫn kiên trì với những bài tập mỗi ngày của mình.
Trong những năm học phổ thông, Hương đều đứng đầu lớp, kết quả học tập luôn đạt loại giỏi. Trong đó năm lớp 5 và lớp 8, Hương đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi thành phố. Hương tâm sự:“Mình khát khao được thấy màu trắng của hoa cúc, loài hoa mình yêu, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh nắng chói chang đang xuyên qua cây bàng trước cửa lớp”. Chính từ ước mơ hết sức bình dị đó, khi làm tờ báo cho trường Hương và các bạn đã đặt tên tờ báo của trường Nguyễn Đình Chiểu là Hoa Nắng
Không những học giỏi, Hương còn là cao thủ chơi đàn Organ, vẽ tranh và có năng khiếu của một MC. Nhiều bức tranh của Hương đã được mang triển lãm ở nước ngoài. Hương cũng là một MC nổi tiếng của trường Nguyễn Đình Chiểu và thường xuyên tham gia dẫn chương trình cho các chương trình nghệ thuật quyên tiền giúp đỡ người khiếm thị.
Dù tốt nghiệp trung học cơ sở loại giỏi nhưng không một trường THPT công lập nào ở Hà Nội nhận Hươngvào học. Qua sự giới thiệu của một người bạn, cô Hạnh đã tìm đến đến trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh xin học. Cầm bảng điểm của Hương, thầy hiệu trưởng Văn Như Cương hỏi: “Nếu đi học, em sẽ trả bài bằng cách nào?”. Hương trả lời: “Thưa thầy, em sẽ trả bài bằng miệng với những môn khoa học tự nhiên và trả bài bằng máy tính với những môn xã hội”. Sau câu trả lời đó, thầy Văn Như Cương nhìn Hương trìu mến rồi gật đầu đồng ý. Thầy Cương cũng nói luôn: “Toàn bộ tiền học của Hương trong 3 năm học ở đây tôi sẽ đứng ra chịu hết”.
Nhớ lại câu chuyện ngày đó, cô Hạnh không giấu được xúc động: “Ngày ấy nghe thầy nói sẽ nhận Hương vào trường là gia đình đã mừng lắm rồi. Thầy còn bảo sẽ đóng học phí cho Hương để em được đi học. Sự thực thầy đã bỏ tiền túi của mình ra để đóng tiền học cho Hương. Gia đình tôi không biết lấy gì để cảm ơn thầy”.
Tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại giỏi, cô Hạnh lại cầm đơn đến trường Đại học Sư phạm xin đăng ký dự tuyển vào khoa Ngoại ngữ của trường. Nhìn kết quả học tập của cô bé tật nguyền, thầy hiệu trưởng Đại học Sư phạm làm đơn đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép trường đặt cách, nhận Hương vào học.
Nhận xét về cô học trò của mình, TS Trần Xuân Điệp, trưởng khoa tiếng Anh (ĐH SPHN), không giấu được niềm tự hào. Thầy tâm sự: “Trước đây khi Hương được nhận đặc cách vào khoa tiếng Anh, phải nói thật, chúng tôi lo lắm vì không biết sẽ tổ chức dạy cho em Hương như thế nào. Đối với những sinh viên bình thường đã khó nay lại là học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, khi vào học năm đầu, qua phản ánh của các giảng viên, em Hương học rất tốt. Tuy nhiên lúc đó tôi vẫn nghĩ đó là do các thầy cô có phần ưu ái vì hoàn cảnh của Hương. Tuy nhiên, đến năm học thứ 4, tôi là người trực tiếp dạy em Hương thì những nghi ngờ trước kia của tôi đã bị loại bỏ. Tôi là người có yêu cầu rất cao đối với sinh viên, chỉ cần đạt 80% yêu cầu là tôi đã vừa lòng rồi. Tuy nhiên kết quả của Hương đạt tới 95% yêu cầu tôi đề ra. Tôi không ngờ cô bé lại có thể học giỏi đến thế. Bài thi cuối kì của Hương tôi cũng đã giữ lại để cho các khóa sau tham khảo”.
Năm 2008, khi đang học năm thứ 2 khoa tiếng Anh, ĐH Sư phạm HN, tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft đã vinh danh Đào Thu Hương là “Anh hùng thầm lặng” vì sự phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường học tập, vượt qua số phận. Với khả năng tiếng Anh lưu loát và nghị lực vượt lên số phận của mình, ngay từ khi chưa ra trường, Thu Hương đãđược tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse nhận làm biên dịch và phiên dịch viên. Tháng 3 vừa qua, Hương đại diện cho Hội người mù Việt Nam tham dự hội thảo về bình đẳng giới và sự phát triển cho người khuyết tật tại Bangkok, Thái Lan. Tháng 8 tới đây, cô bạn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự khóa học về “Những khó khăn chung của người khuyết tật và trẻ em trên thế giới” tại Seoul, Hàn Quốc.
Theo: “Anh hùng thầm lặng” ở Đại học Sư phạm HN (VTCN)