Phân tích dạng đề các môn thi ĐH, CĐ năm 2010: – Các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm để bài thi đạt điểm cao nhờ vào việc phân tích dạng đề thi.
Môn Toán: Chọn câu dễ làm trước
Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh (Trường CĐ Kinh tế TPHCM)
Thí sinh (TS) làm bài theo nguyên tắc: chọn câu dễ trước. Theo kinh nghiệm trong đề thi những năm trước, các câu dễ là khảo sát hàm, phương trình lượng giác, tích phân, hình giải tích, số phức.
Theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, lưu ý:
Ở phần chung: Câu 1: Việc khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, cần lưu ý tính đúng đạo hàm. Câu 2: Để giải tốt bài toán phương trình lượng giác và bài toán liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình đại số, ngoài việc thuộc nhuần nhuyễn các công thức, cần nghĩ đến 2 phương pháp giải chủ yếu là đặt nhân tử chung và đặt ẩn phụ.
Câu 3: Với bài toán tích phân, TS thi khối D nên chú ý đến phương pháp tích phân từng phần, khối A và B phải chú ý thêm phương pháp đổi biến. Câu 4: Với bài toán hình học không gian, nếu không giải được bằng phương pháp hình học thuần túy thì nên tìm cách đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian. Câu 5: Bài toán bất đẳng thức, đây là câu khó nhất, nếu TS không thật sự tự tin để giải thì nên bỏ qua và sẽ quay lại nếu còn thời gian.
Ở phần riêng: Câu 6: Một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng và một bài toán hình học giải tích trong không gian, hai câu này không quá khó, nếu thuộc lý thuyết và biết vận dụng một cách thích hợp, TS có thể giải quyết được. Câu 7: Đề sẽ ra một trong các dạng bài toán số phức, tổ hợp xác suất, hệ mũ logarit, hàm phân thức hữu tỉ dạng bậc hai trên bậc nhất nên TS cần chú ý ôn kỹ.
Môn Văn: Kiến thức, cảm thụ, tư duy
Tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân (Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Đối với câu hỏi thuộc bài (2 điểm), cần trả lời chính xác, ngắn gọn nhưng cũng cần có những câu mở và kết. Đối với câu nghị luận xã hội (3 điểm), cần nhất là thực hiện đúng các bước. Trước hết là giải thích vấn đề (hoặc khái niệm), sau đó phân tích mở rộng, nâng cao, liên hệ thực tế. Bên cạnh lý lẽ phải có dẫn chứng.
Đối với câu nghị luận văn học (5 điểm), câu hỏi văn xuôi: Xác định rõ đề bài hỏi vấn đề gì của tác phẩm (nhân vật nào, đoạn tác phẩm nào, nội dung gì) và tập trung trả lời thẳng vào vấn đề cụ thể đó.
Tránh bàn tràn lan về cả tác phẩm, tránh kể chuyện. Về câu hỏi thơ, ngoài việc phân tích nội dung, cần chú ý phân tích các yếu tố nghệ thuật, như: cách dùng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, hình thức câu thơ… Chỉ ra vai trò, ý nghĩa của hình thức nghệ thuật trong chuyển tải nội dung.
Song, để đạt điểm cao còn cần viết hay. Cái hay của một bài văn được tạo ra bởi những suy nghĩ sâu sắc. Có thể từ những liên tưởng, so sánh. Khi viết phải nhập hồn, bắt đúng vào mạch của tác phẩm. Văn nghị luận rất cần những nhận xét, đánh giá có tính tổng hợp, khái quát. Chung quy, để có một bài văn hay TS cần bảo đảm ba mặt kiến thức, cảm thụ và tư duy.
Môn Hóa: Nhận dạng kiểu đề
Đặng Văn Thành (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM)
Để đạt điểm cao, TS phải khai thác thật tốt các mốc nhớ để đưa ra kết luận ngay mà không cần thêm các dữ kiện khác. Tập trung nhận dạng kiểu đề và dùng công thức riêng để giải. Với nhóm câu này, thời gian cho mỗi câu luôn dưới một phút.
Một số gợi ý: A (C, H, O) có %O=50 thì không cần đọc thêm dữ kiện khác nữa hãy kết luận A là CH3OH. Khi tìm Mxy trong quá trình biến đổi thấy được biểu thức M= 42.y/x thì không cần giải nữa vì đáp án sẽ là Fe3O4. Hay khi gặp A (C, H, O, N) có M=77 đvC thì các emsẽ kết luận ngay A là CH3COONH4; HCOONH3CH3.
Đối vớicâu hỏi giáo khoa, TS đọc thật kỹ đề và kết hợp với phương pháp loại trừ thì sẽ dễ tìm được đáp án. Những câu không có công thức riêng nên giải sau cùng, loại này không nhiều, TS giải tương tự như phương pháp tự luận chỉ mất không quá 3 phút.
Môn Lý: Vận dụng lý luận thực tế
Võ Lý Văn Long (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn):
Những năm gần đây, cấu trúc đề thi được trải rộng hầu hết các chương trong chương trình vật lý lớp 12. Toàn đề 50 câu gồm 40% câu trung bình khá, 40% câu khá và 20% câu mang tính phân loại cao dành cho học sinh giỏi.
Phần câu hỏi trắc nghiệm mang tính lý thuyết từ 10 đến 12 câu, đa số rơi vào dao động âm, dao động tắt dần, duy trì hay cưỡng bức, một phần ở động cơ điện, máy phát điện, các tính chất đặc trưng của ánh sáng, các hiện tượng thể hiện tính hạt, tính sóng… Có từ 3 đến 4 câu về vật lý vi mô, phóng xạ và hạt nhân… Để làm tốt các dạng lý thuyết này, TS không những thuộc bài mà còn phải hiểu và vận dụng lý luận thực tế.
Còn lại là các câu hỏi tính toán, dạng một bài toán tự luận thu nhỏ, phần lớn rơi vào các chương: dòng điện xoay chiều, giao thoa ánh sáng, sóng dừng, dao động lò xo, con lắc đơn, lượng tử ánh sáng, toán về hạt nhân, phóng xạ, xác định các thông sốnăng lượng, thời gian, khối lượng, tuổi mẫu vật, góc, số vân cực đại, cực tiểu… Đối với phần này, TS cần phải thuộc và hiểu các công thức. Nếu ôn kỹ, biết áp dụng những kết quả của các bài tập như một công thức, TS sẽ làm được bài nhanh chóng.
Tiếng Anh: “Bí” từ thì suy luận
Nguyễn Thị Kim Chi (Trường ĐH Sài Gòn):
Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh hầu như không thay đổi trong nhiều năm gần đây. Đề thi gồm các phần kiểm tra về ngữ âm, ngữ pháp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đọc, kỹ năng viết. Câu dễ hoặc khó đều có số điểm bằng nhau. Do vậy, không nên dừng lại quá lâu ở một câu khó nào đó mà nên làm các câu dễ trước, các câu khó làm sau cùng.
Với phần ngữ âm, để có đáp án đúng, TS không những phải nắm vững quy luật phổ biến của trọng âm mà còn phải biết thêm những từ có dấu nhấn không theo quy luật thông thường. Ngữ pháp cho trong đề thi thường bao quát từ cơ bản đến nâng cao.
Cấp độ từ vựng rộng và có những từ chưa gặp bao giờ nhưng TS có thể suy luận qua ngữ cảnh của câu văn. Phần từ vựng và cấu trúc là dễ nhất, TS nên làm phần này trước.
Bài đọc hiểu thường có đề tài quen thuộc. TS nên đọc nhanh cả bài văn, đọc nhanh qua các câu hỏi phía dưới để nắm ý chính của bài văn và những vấn đề được đề cập trong câu hỏi. Sau đó, TS đọc chậm lại một lần nữa rồi mới bắt đầu chọn đáp án đúng. Với bài đọc điền từ vào chỗ trống, đôi khi phải đọc đến cuối bài mới có thể tìm được đáp án đúng. Đáp án không chỉ đúng văn phạm mà còn phải phù hợp với nội dung của bài đọc đã cho.
Theo: Phân tích đề, tìm lợi thế (Nhóm Phóng viên/NLD) ghi.