(Hiếu học). Đào tạo nhân lực ngành Y – Dược là công việc rất đặc biệt vì liên quan đến tính mạng con người. Vì thế, vấn đề đặt ra cho việc đào tạo nhân lực Y – Dược đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội đang ngày một cao là hết sức cần thiết và cấp bách.
Sáng 29/5 tại Trường Đại học Y Hải Phòng, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực Y – Dược theo nhu cầu xã hội” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân; Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến; lãnh đạo UBND tỉnh, cùng đông đảo đại diện các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Y – Dược trên cả nước.
Báo cáo của Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trình bày về kết quả sau 18 tháng thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo lần thứ I (tháng 12/2008) cho thấy, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng về y dược đã được mở rộng với 6 trường được thành lập mới, nâng cấp 16 trường, 2 trường đại học được nâng cấp từ khoa thuộc các trường đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, bất cập. Đó là công tác xây dựng và ban hành chương trình khung giáo dục đại học khối ngành khoa học sức khoẻ còn chậm. Sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế chưa đồng bộ và thống nhất trong việc hướng dẫn các trường thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo. Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đào tạo nhân lực y tế theo phương thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, vẫn chưa có chính sách thu hút các bác sỹ trẻ về công tác. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi còn thiếu nhiều nhân lực cho ngành y tế, cùng với đó là việc đầu vào tuyển sinh đại học cho khu vực này còn hạn chế…
Thứ trưởng TT Phạm Vũ Luận đề nghị các nhà trường đi vào thảo luận các giải pháp để trong điều kiện đầu vào còn nhiều hạn chế, thì làm thế nào chất lượng đào tạo được nâng cao hơn. Cần phải coi đây không những là trách nhiệm đối với xã hội mà còn là nhiệm vụ chính trị của các nhà trường.
Nhiều tham luận đã cho thấy vấn đề đặt ra cho việc đào tạo nhân lực Y – Dược đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội đang ngày một cao là hết sức cần thiết và cấp bách.
PGS.TS Phạm Văn Thức – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng cho rằng, đào tạo theo nhu cầu xã hội là hướng đúng đắn và phổ biến trên thế giới nhưng lại chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam. Hiện nay nhu cầu đào tạo của các địa phương nhiều nhưng chỉ tiêu đào tạo, nguồn kinh phí hỗ trợ còn ít.
Còn ông Nguyễn Đức Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam đưa ra thực trạng của lao động trong ngành Dược là: Các doanh nghiệp ngành Dược rất thiếu dược sĩ có chuyên môn cao, nhưng lại phải chấp nhận một thực tế là nhiều dược sĩ trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi lại ra làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Sơn cũng kiến nghị phải có cách thức đào tạo riêng đối với dược sĩ chuyên cho khu vực nghiên cứu, sản xuất và quản trị. Và mô hình trường đào tạo nằm trong doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước và đảm bảo nhu cầu sử dụng cho xã hội, sẽ gópphần làm giảm đi thực tế thầy nhiều hơn thợ ở lĩnh vực này.
Đại diện cho các địa phương cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT mở rộng quy mô đào tạo hàng năm, tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế, tăng mức kinh phí nhà nước cấp cho đầu sinh viên y dược bởi mức 6 triệu đồng/sinh viên hiện nay là thấp.
Thứ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Kim Tiến cũng cùng quan điểm này, bà cho rằng: Năng lực đào tạo của các trường Y Dược còn, nhưng nhiều thí sinh đạt điểm cao, 25 điểm vẫn không được vào học vì chỉ tiêu đào tạo chính quy theo ngân sách nhà nước bị khống chế. Đây là vấn đề cần thống nhất giữa 2 Bộ GD&ĐT và Y tế trong đó có việc tăng thêm chỉ tiêu ngành y dược lên khoảng 20 nghìn, điểm trúng tuyển y dược hệđào tạo theo địa chỉ ngoài ngân sách sẽ đượctính linh hoạt phù hợp theo vùng miền cho thí sinh khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam Bộ) với điều kiện cao hơn điểm sàn, thay vì cách tính chỉ thấp hơn điểm vào trường 2 – 3 điểm như các năm trước.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng thực hiện 7 giải pháp nhằm khắc phục sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực Y – Dược hiện nay. Với kết quả rà soát lại năng lực của các cơ sở đào tạo y dược hiện nay cho thấy đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất đủ sức đào tạo thêm hơn 20 nghìn bác sĩ và dược sĩ, tuy nhiên cần làm rõ cơ sở nào đủ sức đào tạo thì mới cấp thêm chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng, đồng thời xác định rõ các chuyên ngành: điều trị, y tế dự phòng, cán bộ Ds-KHHGĐ, y tế trường học,… để có các chính sách phù hợp.
Đứng trước việc đội ngũ cán bộ y tế hiện đang thiếu trầm trọng nhất ở tuyến cơ sở và vùng khó khăn, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn các địa phương thực hiện đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, liên thông. Một lần nữa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đào tạo nhân lực ngành Y – Dược là công việc rất đặc biệt vì liên quan đến tính mạng con người, nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là từ nay đến trước 30/6, hai Bộ cần rà soát chất lượng tất cả những cơ sở đào tạo ngành Y – Dược trong và ngoài công lập. Từ năm học mới 2010-2011 bắt đầu triển khai kiểm định chất lượng và có kế hoạch đào tạo quản trị bệnh viện chuyên nghiệp cho tất cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ sở y tế cả nước. Đồng thời sớm hình thành trang thông tin về nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Y – Dược vừa phục vụ quản lý nhà nước vừa phục vụ học sinh, phụ huynh và xã hội.
Theo: Cấp bách đào tạo nhân lực ngành y – dược (Báo Giáo dục và Thời đại).
Phát triển nguồn nhân lực ngành Y-tế.
Ngày 31-5 – 2010, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Y tế Việt Nam đã ký kết biên bản thảo luận, văn kiện chính thức của dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Dự án sẽ được bắt đầu triển khai từ tháng 7-2010 và sẽ kéo dài trong thời gian 5 năm với tổng ngân sách dự kiến khoảng 505 triệu yen (tương đương 5,3 triệu đô la Mỹ).
Đây là một dự án hợp tác kỹ thuật lớn nhất của JICA trong lĩnh vực y tế tại thời điểm hiện tại cả về ngân sách và quy mô của người hưởng lợi.
JICA cùng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế và ba bệnh viện trọng điểm gồm Bạch Mai, Trung ương Huế và Chợ Rẫy sẽ phối hợp triển khai dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khám chữa bệnh, với mục tiêu hỗ trợ cho các cán bộ y tế có thêm cơ hội được tiếp cận với những kiến thức cập nhật và kinh nghiệm tiên tiến.
Dự án sẽ tập trung vào cấp vĩ mô thông qua xây dựng những quy định về phát triển nguồn nhân lực, vừa thúc đẩy đào tạo thực hành tại ba bệnh viện trọng điểm và các bệnh viện khác trên toàn quốc.
(TBKTSG).