Tiềm năng nguồn nhân lực cho TP HCM?

(Hiếu học). Để giải bài toán nguồn nhân lực, TPHCM phải phát triển nền “công nghiệp không khói” như dịch vụ ngân hàng, viễn thông, du lịch; công nghệ cao, chế biến xuất khẩu… chứ không chỉ sản xuất công nghiệp

Hợp sức để “gỡ”.

“Trong một thời gian dài, nguồn nhân lực của TP phát triển một cách tự phát, thiếu định hướng, thiếu sự kết nối giữa đào tạo và sử dụng dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực: Một lực lượng lớn lao động không thể tìm kiếm việc làm; trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) lại luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động đúng với yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, TP sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới mà nguy cơ lớn nhất là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội không thể đạt được, TP sẽ mất dần lợi thế đầu tư…”. Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã mở đầu cuộc tọa đàm “Giải bài toán nhân lực cho TPHCM” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 11-5 như vậy. Buổi tọa đàm đã thu hút gần 50 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia nhân sự, tư vấn, đào tạo; đại diện trường nghề và DN tham gia.

Người lao động “chê” DN

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCX- KCN TPHCM, đã làm không khí “nóng” lên khi đặt ngược vấn đề: “DN tại TPHCM không thực sự thiếu lao động. Nói chính xác là DN bị người lao động (NLĐ) chê, chứ không phải thiếu”.

Vậy họ chênhư thế nào? Ông Định dẫn chứng: Một thanh niên lực lưỡng, cao ráo, sức khỏe tốt nhưng chỉ thích đội mâm bánh cam đi bán. Hỏi thì anh ta nói ngay, bán bánh cam kiếm được cả trăm ngàn đồng mỗi ngày,không bị áp lực gì, hơn là vào làm công nhân (CN) nhà máy, công việc cực nhọc, thu nhập lại thấp.

Ông Định còn nêu lên rất nhiều dẫn chứng khác để lý giải vì sao CN “chê” DN như tiền lương quá thấp, bữa ăn quá tệ, bị quản lý người nước ngoài xúc phạm; nhà lưu trú và nhà trẻ là hai yếu tố rất cần để NLĐ an tâm làm việc lại không có…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, phác họa thêm tình trạng NLĐ “chê” DN khi đưa ra kết quả khảo sát thu nhập bình quân hiện nay của CN chỉ khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, một người bán thuốc lá ven đường, bán hàng rong, bán vé số cũng kiếm được 150.000 đồng – 200.000 đồng/ngày; hay một cô phục vụ quán cà phê không cần chữ nghĩa, tay nghề cũng có thể kiếm được 150.000 đồng/ngày, thậm chí có khi đến 300.000 đồng/ngày.Theo ông Tuấn, giữa hai công việc bấp bênh như nhau, NLĐ sẽ lựa chọn công việc có thu nhập khá hơn.

Tạo lợi thế từ sự khác biệt

Ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam – Hợp Điểm và nhiều đại biểu đã nhấn mạnh điều này. Ông Phúc Tiến kể lại: Năm 1993, trong chuyến sang thăm TPHCM, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã vô cùng ngạc nhiên khi biết TPHCM đưa ra chủ trương tập trungphát triển các KCX-KCN trên địa bàn TP thay vì phải phát triển dịch vụ, công nghệ cao.

Tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa TP phải là phát triển nền “công nghiệp không khói” như dịch vụ ngân hàng, viễn thông, du lịch; công nghệ cao, chế biến xuất khẩu… Sai lầm từ khâu hoạch định chính sách đầu tư đã dẫn đến hậu quả mà hiện nay TP đang phải nỗ lực giải quyết; đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và lao động.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty L&A, cho rằng vai trò vị trí kinh tế của TPHCM đối với cả nước rất đặc biệt. Do vậy, việc quy hoạch nhân lực của TP cũng phải có sự khác biệt so với các tỉnh, thành khác. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước bởi các cơ sở đào tạo cũng là DN nên họ phải giải quyết bài toán kinh doanh: Chọn lựa phương án đầu tư nào bỏ vốn ít mà thu lợi nhuận nhiều. Từ đó dẫn đến tình trạng cơ sở nào cũng đào tạo những ngành nghề “na ná” như nhau. Ông Đức nhấn mạnh: “Không thể kéo dài tình trạng này. TP phải đẩy nhanh tiến trình thay đổi cơ cấu nền kinh tế; tập trung đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng ít lao động mà năng suất lao động cao. Chúng ta sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu cứ tiếp tục phát huy lợi thế của lao động giá rẻ – thật ra là không rẻ do chất lượng thấp”.

Phải có “thuyền trưởng”

Sai lầm từ khâu hoạch định chính sách đầu tư đã dẫn đến hậu quả mà hiện nay TP đang phải nỗ lực giải quyết; đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và lao động.

“Mọi chính sách, chiến lược đều liên quan đến nhân lực và do nhân lực quyết định. Việc dự báo nhân lực phải được tập trung đầu tư và triển khai hiệu quả mới có thểlàm nền tảng tốt cho xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội”. Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc Công ty NetViet, đặt vấn đề về tầm quan trọng của công tác dự báo nhân lực.

Vấn đề này, ngay lập tức đã được các đại biểu tham gia sôi nổi khi cho rằng mảng dự báo nhân lực để làm cơ sở cho hoạch định chính sách, kể cả phục vụ nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của DN còn rất hạn chế. Điều đáng nói là trong tình hình thiếu dự báo, các mối liên kết, sự tham gia của các bên trongthị trường lao động thiếu chặt chẽ: Đào tạo không gắn kết được với sử dụng lao động; người dân, phụ huynh học sinh thiếu thông tin, định hướng về chọn nghề…

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, rất tâm đắc với những ý kiến rất thẳng thắn, cởi mở và đầy tính xây dựng của các đại biểu. Ông cũng nhìn nhận: “Thực ra, từ 10 năm nay, TP đã ý thức được vấn đề này và đề ra chủ trương tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành sử dụng công nghệ cao, nhiều hàm lượng chất xám và giảm dần các ngành sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động. Nhưng sự chuyển đổi chưa có hiệu quả. Trong tình hình hiện nay thì vấn đề này phải làm quyết liệt hơn”. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM (đứng), phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hồng Thúy.

Ông Xê cho biết Sở LĐ-TB-XH TPHCM được UBND TPHCM giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành chức năng và Ban Dân vận Thành ủy xây dựng báo cáo tổng thể về tình hình lao động trên địa bàn để làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược nhân lực của TPHCM trong giai đoạn tới. “Trước mắt, với việc hình thành Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động, chúng tôi cố gắng phân tích, đưa ra các dự báo chuẩn xác, khoa học hơn, ở tầm vĩ mô hơn gắn với chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của TP. Tuy nhiên, đây thật sự là một mặt trận rất gay go, phức tạp, khó khăn, đòi hỏi phải có thuyền trưởng, có tư lệnh để chỉ huy”- ông Xê nhấn mạnh.

Phải phối hợp 5 “nhà”

Ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam-Hợp Điểm: Theo tôi, để giải bài toán này cần có 5 nhà: Nhà nước, nhà báo, nhà trường, nhà kinh doanh và phụ huynh. Nhà nước cần định hướng cũng như đầu tư kinh phí cho đúng mức để dự báo nguồn nhân lực. Nhà báo cần báo động tình hình thiếu hụt lao động, tôn vinh những điển hình dạy nghề, cập nhật những số liệu về tình hình khan hiếm lao động TP. Nhà kinh doanh cần phải chủ động tìm kiếm lao động, bắt tay với Nhà nước, nhà trường, nhà báo. Về phía nhà trường cần tập trung phát triển những ngành nghề mới, những nghề tương lai của một TP lớn. Riêng với phụ huynh, việc định hướng cho con là vô cùng cần thiết…

Cung cấp lao động có kỹ năng, kiến thức.

Ông Trần Văn Hải – Hiệu trưởng Trường TCN Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương: Với trách nhiệm là nơi cung ứng lao động tay nghề cho sự phát triển kinh tế, chúng tôi thấy cần phải cung cấp lao động có kỹ năng, kiến thức, thái độ tốt nhất cho DN. Muốn thế, chúng tôi đã xây dựng hệ quản lý chất lượng ISO, hệ thống kiểm định của Bộ LĐ-TB-XH. Ngoài ra, chính học viên là những người tham gia góp ý cho chúng tôi về chương trình đào tạo. Đặc biệt, chúng tôi còn sử dụng giáo viên là các nhà DN. Ngoài ra, chúng tôi còn cử học viên, giáo viên tham dự các kỳ thi tay nghề Asean để có thêm kinh nghiệm…Hằng năm, TP nên dành kinh phí để đào tạo phương pháp mới cho giáo viên dạy nghề.

Đầu tư thiết bị mới để giảm lao động

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội DN Trẻ TPHCM: Tình trạng thiếu lao động hiện nay chúng tôi gọi là “gió đảo chiều”. Nếu như trước đây NLĐ tìm việc rất khó, phải tốn tiền khi tìm việc thì ngày nay hoàn toàn ngược lại: DN phải bỏ tiền tuyển lao động. Riêng công ty chúng tôi, do rất sợ thiếu lao động ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nên từ năm ngoái, chúng tôi đã nghiên cứu lắp đặt dây chuyền thiết bị tự động vào sản xuất. Với việc đầu tư máy mới vài triệu USD, chúng tôi có thể thay thế cho vài trăm CN.

Theo tôi, Nhà nước cần có chiến lược, quy hoạch cụ thể để từ đó tạo mạng lưới truyền thông, định hướng về nguồn lực, đào tạo, giáo dục… thì mới có đội ngũ lao động ổn định trong thời gian tới. Đặc biệt, phải đoán trước xu thế lao động nếu không sẽ loay hoay mãi với bài toán nguồn nhân lực.

Theo: GIẢI BÀI TOÁN NHÂN LỰC CHO TPHCM. (Duy Quốc, H.Nga/NLDO).

Bài liên quan

Có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Thay đổi thế giới ngày mai sao? Ừ, để mai tính! Còn bây giờ, hãy tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà xác định mục tiêu cụ thể, thiết thực nhất để có thể thích ứng với cuộc đời. Dù là nam hay nữ, có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính.   

Thiếu lao động phổ thông - vì sao?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong khi hàng năm nước ta phải xuất khẩu hàng chục ngàn lao động, vừa qua không ít doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp các tỉnh phía Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ lại than thiếu lao động phổ thông, thậm chí có nơi đề xuất tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài.

Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.

(Hiếu học) Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trước thực trạng thiếu hụt cả về chất và lượng.    

Cùng chuyên mục