Chương trình phổ thông nặng, SGK nhiều hạn chế

Bộ GD-ĐT vừa tổng hợp các ý kiến đánh giá chương trình và sách giáo khoa mới từ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở 64 tỉnh thành, cùng Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Ngoài một số ưu điểm rõ ràng được đa số công nhận, chương trình và sách giáo khoa (SGK) bị cho rằng vẫn còn rất nhiều thiếu sót và khuyết điểm.

Công nhận nhiều thiếu sót

Chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho trẻ em. Chưa chỉ rõ nội dung và cách thức đánh giá sự trưởng thành về nhân cách của học sinh sau mỗi cấp học.

Một số chủ đề trong chương trình một số môn học ở trung học còn mang nặng tính hàn lâm với phần đông học sinh, ít thực hành và rèn luyện kĩ năng như ngữ văn, sinh học, vật lý, tiếng Anh. Yêu cầu của chương trình là cao đối với bộ phận học sinh có học lực yếu kém, học sinh nhóm dân tộc thiểu số và học sinh sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Còn một số nội dung ở chương trình, một số môn học cấp THPT chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức. Còn có sự trùng lặp nội dung ở một số môn học như: sinh học và công nghệ; hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục công dân; giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông. Nội dung của các môn có quan hệ mật thiết với nhau nhưng còn chưa thực sự hỗ trợ cho nhau như: môn vật lý phải sử dụng những kiến thức của môn toán mà tại thời điểm đó học sinh chưa được học.

Ngoài ra còn có sự không phù hợp giữa dung lượng kiến thức (thể hiện qua tổng số môn học và hoạt động giáo dục) và thời lượng học tập. Học sinh phải học trên 6 buổi trong một tuần, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên có khi phải làm vào chủ nhật. Đồng thời có sự không phù hợp giữa chương trình giáo dục với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và trình độ của một bộ phận giáo viên.

Về đánh giá SGK phổ thông, các đánh giá tập trung vào việc phê bình nhiều thuật ngữ khoa học trình bày trong một số cuốn SGK còn khó, trừu tượng hoặc chưa chuẩn xác, chưa nhất quán trong một lớp, giữa các lớp, giữa các cấp học. Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm, ký hiệu, cách tiếp cận giữa SGK theo chương trình chuẩn và SGK nâng cao ở một số môn học cấp THPT có chỗ chưa thống nhất, gây khó khăn nhiều cho giáo viên, học sinh như SGK các môn vật lý, toán, ngữ văn.

Một số phần trong một số cuốn SGK thiếu sự cân đối cần thiết giữa lý thuyết và thực hành, giữa ôn tập và kiểm tra; chưa chú ý đúng mức đến yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra, còn có một số ý kiến trong dư luận xã hội cho rằng SGK lớp 1 có khổ tương đối to và nặng so với học sinh. Nhìn chung, nội dung SGK chưa tính đến điều kiện vùng miền, do đó chưa phù hợp với học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh và học sinh, yêu cầu cần đạt đối với môn thể dục là không phù hợp với thực tế rất đa dạng về chiều cao, sức khỏe, cân nặng của học sinh các vùng miền và trong mỗi lớp, gây ra sự căng thẳng về tâm lý và quá tải về thể lực với một bộ phận học sinh.

Hiện nay tại các trường trong cả nước, nhiều môn học như ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân giáo viên yêu cầu học sinh phải thuộc lòng các bài mẫu, các số liệu chi tiết quá nhiều, chưa đòi hỏi đúng mức việc hiểu và vận dụng các kiến thức, giá trị cần đạt tới, do đó vừa gây quá tải cho việc học tập, vừa không khuyến khích sự sáng tạo, hình thành chính kiến của học sinh.

Bộ GD-ĐT làm gì để khắc phục?

Theo Bộ GD-ĐT, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đánh giá toàn diện về chương trình và SGK ở các năm học tiếp theo (2008-2009, 2009-2010, có thể 2010-2011 cho lớp 12) để tiếp tục thu thập các ý kiến về chương trình và SGK sau một số năm triển khai, từ đó có hướng dẫn điều chỉnh nội dung và cách dạy từng môn một cách phù hợp.

Căn cứ kết quả đánh giá một số năm với từng SGK, nếu có đầy đủ các thông tin về chất lượng kém của một số SGK cụ thể, có thể sẽ quyết định viết lại. Đồng thời, ngay từ bây giờ bắt đầu triển khai các nghiên cứu để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, triển khai sau năm 2010.

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học có hướng dẫn và hỗ trợ tối ưu của giáo viên ngay trong học tập ở phổ thông, tăng cường hoạt động xã hội của học sinh.

Dựa trên chuẩn chương trình quốc gia, hướng dẫn thực hiện phù hợp với các vùng, miền khác nhau, xây dựng các nội dung giáo dục địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các vùng, miền, đặc biệt với học sinh dân tộc thiểu số. Tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên chương trình quốc gia. Các bộ SGK này sẽ do Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và trao quyền lựa chọn sử dụng cho các địa phương.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện ngay một số giải pháp: điều chỉnh lại kế hoạch dạy học, rút bớt thời lượng học tập ở mỗi tuần, đảm bảo tối đa ở tiểu học là 25 tiết/tuần, THCS là 28 tiết/tuần và THPT là 29 tiết/tuần để không gây quá tải cho cả giáo viên và học sinh; xem xét, điều chỉnh một số môn học từ bắt buộc sang tự chọn; từ ngày 1-7-2008, khai trương mục “Góp ý SGK” trên trang tin điện tử của Bộ GD-ĐT để mọi người dân có thể đóng góp trực tiếp.

Đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, thi. Kiên quyết giảm tình trạng kiểm tra, thi với yêu cầu học sinh phải thuộc lòng nhiều sự kiện, các bài văn mẫu; tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh suy nghĩ, trả lời theo cách hiểu và vận dụng của riêng mình.

Đối với các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục sẽ đánh giá theo mức “đạt” hoặc “không đạt”. Đặc biệt, môn thể dục sẽ nghiên cứu chuyển sang hướng khuyến khích học sinh luyện tập thể thao có hệ thống, có cơ sở khoa học và phấn đấu nâng cao thể lực phù hợp với đặc điểm của mỗi học sinh.

Đồng thời Bộ sẽ chỉ đạo xem xét điều chỉnh thời gian nghỉ hè của học sinh, nhất là ở THPT và chuyển một số môn từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc trong một nhóm các môn nhằm làm giảm tổng số môn học với một học sinh…

Quốc Dũng (Theo TuoitreOnline)

Cùng chuyên mục