Chuyện về một phó viện trưởng trẻ tuổi.

(Hiếu học). Bỏ qua nhiều lời mời hậu hĩnh để về làm nghiên cứu viên lương tháng chưa đến 400.000 đồng, đó là câu chuyện khó tin về Bùi Trường Giang – người được đề cử giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010”. Đọc sách là cách thư giãn để lấy lại thăng bằng của Bùi Trường Giang – (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Là Phó viện trưởng (Viện Kinh tế) trẻ tuổi nhất trong lịch sử Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bùi Trường Giang hiện đang chủ trì hai dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo quốc tế với các cơ sở giáo dục danh tiếng: ĐH Paris 1 Panthéon – Sorbonne (Pháp) và ĐH George Washington (Mỹ). Ngoài ra, anh còn là thành viên Nhóm nghiên cứu khả thi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc; từng tham gia viết chuyên đề cho 10 đề tài khoa học cấp nhà nước, vài chục công trình nghiên cứu cấp bộ, nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học, kinh tế uy tín trong và ngoài nước…

Sau khi tốt nghiệp hai trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội – PV) và ĐH Ngoại thương, bỏ qua nhiều lời mời hậu hĩnh, Giang lựa chọn công việc của một nghiên cứu viên lương tháng chưa đến 400.000 đồng ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Câu chuyện khó tin với nhiều người, còn với Giang, tương lai lâu dài mới là điều quan trọng.

Ở viện nghiên cứu, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia, nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước để học hỏi tri thức, kinh nghiệm. “Giới trẻ Việt Nam đang có nhiều điều kiện học tập, thể hiện mình. Nhiều bạn trẻ không ngại dấn thân, có quyết định táo bạo, tự tin khẳng định mình bằng sự thành đạt trong công việc. Trong danh sách đề cử “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2010” có nhiều người như thế. Đất nước còn nghèo nên rất cần sự cố gắng, nỗ lực cống hiến từ mỗi cá nhân”, Giang nói.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Giang còn hăng hái tham gia công tác Đoàn. Sau vài năm làm Bí thư Đoàn Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giang nhận xét: “Bây giờ, thời gian là vàng bạc, ai cũng bận rộn với công việc, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc tập hợp đoàn kết thanh niên”. Viện Khoa học xã hội Việt Nam có gần 600 đoàn viên thuộc 33 viện, trung tâm. Giang kiên trì thuyết phục lãnh đạo giao cho đội ngũ cán bộ trẻ đảm nhận các công trình nghiên cứu độc lập. BCH Đoàn tăng cường sinh hoạt khoa học liên chi đoàn, tìm kiếm nguồn lực mới cho hoạt động Đoàn. “Mũi tên” bắn ra trúng hai đích: quỹ Đoàn có thêm nguồn kinh phí; nhiều sự kiện đòi hỏi sự hợp tác, tham gia của nhiều đơn vị, tinh thần đoàn kết cải thiện rõ rệt. Riêng sáng kiến họp, trao đổi công việc bằng thư điện tử do Đoàn thanh niên tiên phong thực hiện đang được ứng dụng tới nhiều đơn vị, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cơ quan.

Căng mình trên hai cương vị công tác, song Giang vẫn giữ thói quen đọc sách để lấy lại thăng bằng sau một ngày làm việc. Sắp tới, anh cũng sẽ cho ra đời đứa con tinh thần sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, đó là quyển sách mang tên Hướng tới một chiến lược FTA của Việt Nam: Khuôn khổ lý luận và thực tiễn Đông Á.

Theo: “Chuyện khó tin về một phó viện trưởng”. (Phan Hậu/TGT/TNO).

Cùng chuyên mục