(hieuhoc_hieuhoc.com) Gần đây, sự kiện một đạo diễn trẻ mới ở tuổi ngoài hai mươi được nhận làm đạo diễn chính của bộ phim truyện nhựa “Hoa đào ơi hoa đào” (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Tất Bình) do Hãng Phim truyện I sản xuất ra mắt khán giả vào dịp tết Nguyên đán đã khiến không ít bạn yêu điện ảnh phải chú ý. Theo giới chuyên môn, việc một đạo diễn mới ra trường đã được nhận một kịch bản phim nhựa tiền tỉ là chưa có tiền lệ trong điện ảnh Việt Nam.(hieuhoc_hieuhoc.com)(Hình: Áp phích phim “Lập trình cho trái tim”).
Tất nhiên, để được giao phó kịch bản này, thành tích từ trước đó của Nguyễn Thế Vinh cũng khá dày dặn: Tốt nghiệp thủ khoa ngành Đạo diễn điện ảnh (khoá 23) Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; đoạt giải Cánh diều Bạc trong Liên hoan phim ngắn toàn quốc năm 2007; nhận giải “Ong vàng” trong Liên hoan phim ngắn sinh viên lần 2, cùng năm. Khi được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyền hình Việt Nam, Vinh làm trợ lý đạo diễn cho các bộ phim truyền hình dài tập như “Gió làng Kình” (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), “Nhà có nhiều ô cửa sổ” (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Không lâu trước khi bắt tay vào bộ phim “Hoa đào ơi hoa đào”, Nguyễn Thế Vinh đã theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với vị trí Phó đạo diễn thứ tư trong phim “Chơi vơi”…Dù sự thể thế nào, việc những đạo diễn trẻ như Nguyễn Thế Vinh được nhận làm một bộ phim truyện nhựa ở tuổi 24 đang tạo nên một cái nhìn cởi mở trong làng điện ảnh về các đạo diễn trẻ.
Còn nhớ, cách đây không xa, thế hệ các đạo diễn trẻ được “điểm mặt chỉ tên” còn là những người không hẳn đã thật trẻ (như các đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên, Đỗ Quang Hải, Ngô Quang Hải, Bùi Tuấn Dũng)… thì giờ đây, thế hệ đạo diễn điện ảnh 7X, thậm chí 8X đang làm nên một đợt sóng mới trong công nghiệp điện ảnh và truyền hình Việt Nam với nhiều gương mặt mới và hàng trăm tập phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả như Nguyễn Mạnh Hà với các phim “Người chiếu đèn”, “Ôi! Mẹ chồng”, “Khách đến chơi xuân”, “Siêu mẫu xì-trum”, “Lập trình cho trái tim”; Bùi Thọ Thịnh với “Gió làng Kình”, “Chuyện thám tử”; Nguyễn Tiến Dũng với loạt phim về Cảnh sát hình sự: “Hành trình bí ẩn”, “Mặt nạ hoàn hảo”; Đặng Thái Huyền với “Mười ba bến nước” – tác phẩm đã đoạt giải Bông Sen Vàng thể loại phim truyện video năm 2009; Nguyễn Hoàng Điệp với “Mùa thứ 5” – phim Việt Nam duy nhất có mặt tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Rio De Janeiro (Brazil – 2005), “Chit và Pi”, “Bộ tứ 10A8”; Nguyễn Thủy Giang với “Bóng rối” – Phim đoạt giải Cánh diều vàng dành cho phim ngắn năm 2008; Nguyễn Khải Anh với “Những người độc thân vui vẻ”…
Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan giúp các đạo diễn trẻ có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng trên mảnh đất vốn một thời không phải đã dành cho họ. Trước hết, sự tăng kênh của các nhà Đài đã tạo ra nhiều “giờ vàng” để chiếu phim Việt, cùng đó là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân lớn nhỏ như BHD, Lasta, Lạc Việt, Chánh Phương, M&T Picture… Các công ty truyền thông tổ chức sự kiện, các công ty sản xuất phim quảng cáo, các chương trình tin tức, phóng sự, ký sự, talkshow, showgame, reality show… cần rất nhiều nhân sự, là cơ hội mở cho các đạo diễn trẻ làm việc và khẳng định chỗ đứng của mình.
Một vài đạo diễn trẻ hợp “gu” thị trường đã được các hãng phim tư nhân mời về làm đạo diễn với giá “trên cả tuyệt vời”. Họ cho rằng, người trẻ bao giờ cũng dễ dàng và nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu cần thiết để “hai bên cùng có lợi”. Đạo diễn kỳ cựu Đặng Nhật Minh từng cho rằng, các đạo diễn trẻ bây giờ có nhiều sự lựa chọn. Chẳng hạn, muốn làm phim ăn khách, được trả nhiều tiền thì tìm đến các hãng phim tư nhân. Muốn làm phim để được nhà nước tài trợ thì tìm đến các hãng phim nhà nước, không như thời của ông, đường đi hẹp và không có ngã rẽ.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau xuất hiện, thành đạt hay thất bại… đều là chuyện tất yếu của quy luật. Thế hệ đạo diễn trước, họ có thể “từ tốn” bước vào sự nghiệp do điều kiện của một thời làm phim bao cấp, còn với các đạo diễn ngày nay, sự vào nghề của họ đồng nghĩa với cuộc mưu sinh, thử thách với quy luật đào thải khắc nghiệt.Đây là thời mà các đạo diễn trẻ tự “đo đếm” để chọn dòng phim thích hợp cho mình không dễ. Nghệ thuật là một môi trường thử thách khốc liệt.
Trong điện ảnh càng khốc liệt hơn, bởi mỗi cuộc “thử nghiệm” đều tốn tiền tỉ. Làm sao đạo diễn trẻ có thể chứng minh được rằng mình đáng tin cậy hơn những người khác? Nhà đầu tư bỏ tiền ra có một mục tiêu rõ ràng là phải thu hồi vốn, sau đó mới là “hỗ trợ tài năng trẻ”. Vậy muốn có lần thử sức thứ hai, có nghĩa là lần thứ nhất anh không được bại. Đó là điều khác biệt (từ ngoại cảnh) giữa các đạo diễn lớp trước với thế hệ mới vào nghề hôm nay. Những đạo diễn trẻ đã có những thuận lợi ban đầu, và nếu họ muốn đi vững chắc trên con đường lựa chọn của mình, thì ngoài năng lực bẩm sinh họ phải nhanh chóng cập nhật kiến thức nền và kiến thức rộng về xã hội, con người… để có bệ phóng tốt.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã còn khẳng định rằng, nhiều đạo diễn trẻ ngày nay ít xem phim, đọc sách, không học ngoại ngữ… Như vậy thì đường đi của họ lẽ dĩ nhiên không thể rộng dài như mong muốn. Thêm nữa, do hiểu biết hạn hẹp, đặc biệt về văn hóa – lịch sử dân tộc, họ đã tự tước đi cái bệ phóng tốt nhất cho mình, cái bệ phóng khiến cho các tác phẩm của họ dù thành công ở cấp độ nào cũng có được những khác biệt, giống như căn cước văn hóa của chính họ.
Dù vậy, các đạo diễn trẻ đang có một chân trời rộng mở, với lòng đam mê và thời gian dài phía trước, chúng ta có quyền tin rằng, họ sẽ có những tác phẩm thuyết phục được các nhà chuyên môn cũng như đọng lại trong lòng công chúng.
Đạo diễn, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm:
Các đạo diễn trẻ đang có nhiều cơ hội quý báu để thử sức mình, nhưng đừng nên chủ quan vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Chính vì nhiều thời cơ nên thường là họ tung ra những mặt hàng làm xổi, mà nghệ thuật thì không thể ẩu được. Họ phải biết tận dụng cơ hội để làm việc nhưng cũng phải có một phương pháp tích lũy để có vốn liếng đời sống. Điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp và họ nên nhớ rằng, người sống nhiều nhất không phải là người nhiều tuổi nhất!
Đạo diễn trẻ Nguyễn Tiến Dũng (Hãng Phim truyền hình Việt Nam):
Tôi đến với nghề đạo diễn không phải vì ánh hào quang của nó mà đến với nó bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê. Ngay từ bé tôi đã xác định cho mình một tâm thế vững vàng như vậy, nên tôi chưa bao giờ phải đắn đo hoặc chùn chân trước những khó khăn, thử thách, và cả những lời khen chê. Làm phim trong điều kiện kinh phí eo hẹp tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy nghệ thuật của mình. Không phải lúc nào những người trẻ chúng tôi cũng có thể thực hiện được tới cùng những ý tưởng của mình. Tôi nghĩ rất khó có thể nói trước được tương lai của mình sẽ thế nào, bởi vậy, điều tôi tâm niệm lúc này là làm việc hết sức mình. Yêu nghề, thì chắc nghề chẳng phụ!
Đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Vinh (Hãng Phim truyện I):
Khi nhận phim “Hoa đào ơi hoa đào” tôi đã phải sửa nhiều, “mềm hóa” và hạ thấp lứa tuổi của các nhân vật trong kịch bản xuống. Là bộ phim nhựa đầu tay nên tôi cũng gặp phải một số khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan. Chẳng hạn như quay cảnh hoa đào trái mùa (quay từ mùa hè). Chính vì vậy, toàn bộ đào trong phim sẽ phải làm giả. Đào giả thì đẹp, quay bất kể lúc nào từ mưa nắng tới bão đều không tơi tả. Nhưng nhược điểm lớn nhất là những lúc quay cận cảnh, đào bằng nilon và vải trông nó… vô hồn lắm! Nhưng, may mắn là trên trường quay, mặc dù là một người ít tuổi, nhưng tôi có được sự cộng hưởng của các đồng nghiệp. Tôi thích những ý tưởng nảy ra trong lúc quay, nó thường rất độc đáo. Tôi nhớ nhất khi đi chọn cảnh cho đoạn kết của phim, đi mãi, đi mãi vẫn không sao chọn được bối cảnh ưng ý. Mọi người bắt đầu quay sang bông đùa, đặt ra các tình huống giả định khác nhau. Kết quả bất ngờ là đã tìm ra một cái kết hay hơn nhiều cho bộ phim.
Nguồn: Song Kim/(CAND.com).