Tiềm năng các ngành khối Nông – lâm.

(Hiếu học). Ngành Nông Lâm là ngành nghề có tiềm năng phát triển và xã hội rất cần. Hàng năm, sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, nhưng cũng không đủ số lượng nguồn nhân lực để thỏa mãn yêu cầu của thực tế.

Sinh viên khoa Cơ khí công nghệ thuộc đội Robocon của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã tạo ra một robot phun thuốc sinh học cho cây trồng trong nhà kính. (Robot phun thuốc sinh học trong nhà kính đang vận hành- Hình: SVVN)

Nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cho ngành Nông – Lâm.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đào tạo thuộc các khối ngành của Bộ. Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ đã đặt ra yêu cầu mới đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý, phát triển, sử dụng và thương mại tài nguyên rừng, quản lý đất đai, xây dựng công trình và hiện đại hóa nông thôn, chế biến nông lâm sản, quản lý tài nguyên nước và lưu vực, … vì đây là những ngành trọng điểm trong thời gian tới.

Hiện nay cả nước có 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo về nông lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề về nông lâm nghiệp. Mặc dù vậy, số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông lâm nghiệp ra trường hàng năm không đủ cung ứng cho nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: “Do chúng ta chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông lâm nghiệp về số lượng và cơ cấu ngành nghề, chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao”.

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực cho ngành Nông – Lâm nghiệp cũng đang mở ra cơ hội cho việc lựa chọn ngành nghề của các bạn trẻ đi vào lĩnh vực có tiềm năng đang phát triển này(Hiện đóng góp xấp xỉ 25% GDP cho đất nước).

Dự kiến sẽ được hỗ trợ học phí như ngành Sư phạm.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 – 2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã xác định đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên, học sinh và đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt có nền tảng tri thức của khoa học – công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, có nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao các ngành khối nông – lâm… Do đó, dự kiến sẽ đề nghị chính phủ hỗ trợ học phí cho ngành này như ngành Sư phạm.

Bộ đang đề xuất với Chính phủ về việc: hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành này giống như kiểu hỗ trợ đối với sinh viên ngành sư phạm; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo; có cơ chế hỗ trợ kỹ sư, cử nhân đi đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước.

Một số ngành thuộc lĩnh vực Nông – Lâm:

ĐH Lâm nghiệp Việt Nam là trường đào tạo đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn, về quản lý môi trường và phòng tránh thiên tai. Hiện nay, trường có trên 13.000 sinh viên với 21 ngành đào tạo, trong đó có 10 ngành học thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và những ngành mới như Thiết kế cảnh quan (Điểm trúng tuyển ngành này năm 2009 khối A: 14, Khối B: 17. Chỉ tiêu ngành này năm 2010 là 80.).

Do được nhà nước và các tổ chức quốc tế quan tâm, mức học phí của trường cũng thuộc loại thấp nhất trong các trường ĐH, chỉ ở mức 70.000 đồng/tín chỉ. Mỗi năm sinh viên học khoảng 30 – 34 tín chỉ, thì học phí là 2,1 đến 2,4 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi tháng là 210 đến 240 nghìn đồng (mỗi năm tính 10 tháng).

Ngoài ra, các trường đào tạo như Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và nhiều ĐH khác có ngành Nông – Lâm này.

– Đào tạo ngành bảo quản chế biến nông sản thực phẩm. Ngành này đào tạo các kiến thức chuyên môn về Bảo quản nông sản nhằm giảm hư hỏng, giữ được lâu và Chế biến các nông sản thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm như thịt, sữa, rau, quả, trà, cà phê và các nông sản khác.

– Ngành Chế biến lâm sản đào đạo kỹ sư chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm sản, tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc trong các nhà máy sấy gỗ, chế biến gỗ, đồ gỗ và sử dụng gỗ trang trí nội thất. Năm nay trường ĐH Nông lâm TP. HCM có thêm chuyên ngành mới là Thiết kế đồ gỗ nội thất (mã ngành 112, thi khối A, chỉ tiêu 60). Chuyên ngành Thiết kế đồ gỗ nội thất nằm trong ngành Chế biến lâm sản, đi sâu vào sử dụng gỗ trong trang trí nội thất.

– Ngành cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm là ngành đào tạo kỹ sư cơ khí sản xuất ra các máy móc , thiết bị phục vụ cho bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm. Đây cũng là ngành có nhu cầu việc làm rất lớn, sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các công ty, nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho bảo quản và chế biến thực phẩm, các công ty, nhà máy chế biến…

– Ngành Cơ điện tử của các trường ĐH là ngành đào tạo kết hợp giữa cơ khí, điện tử và máy tính nhằm sản xuất ra các máy móc thông minh phục vụ cho các ngành sản xuất nhằm gỉảm thiểu lao động thủ công. Đây là ngành có nhu cầu việc làm rất lớn trong các công ty, nhà máy sản xuất các thiết bị tự động, các nhà máy sản xuất hiện nay có sử dụng các thiết bị điều khiển tự động. Nếu gia đình có cơ sở sản xuất trong lĩnh vực liên quan thì đây là một thuận lợi lớn.

– Chuyên ngành Công nghệ địa chính thuộc ngành Quản lý đất đai. Chương trình đào tạo giống ngành quản lý đất đai, đi sâu vào các công nghệ địa chính: Đo dạt, bản đồ, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bản đồ, trong quản lý sử dụng đất. Tốt nghiệp chuyên ngành nàycác bạn có thể học tiếp lên Cao học ngành quản lý đất đai….

Ngành Nông Lâm là ngành nghề có tiềm năng phát triển và xã hội rất cần. Hàng năm, sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, nhưng cũng không đủ số lượng nguồn nhân lực để thỏa mãn yêu cầu của thực tế. Theo bà Trần Thị Thanh, Trưởng Khoa Cơ khí Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Thí sinh cứ nghĩ ngành cơ khí, nông lâm là phải cày cấy, tiếp xúc với máy móc, điều kiện làm việc vất vả, lương thấp nên nhiều em tránh. Tuy nhiên, thực tế là những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí đa số có việc làm ổn định”, bà Trần thị Thanh nhắn nhủ.

Tuấn Phong tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan

Chọn trường đăng ký dự thi: Nên chọn ngành nghề phù hợp.

(Hiếu học). Lượng định sức học của mình để chọn trường đăng ký dự thi tức là chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai. Các tiêu chí như: Nhu cầu xã hội đối với ngành nghề, hoàn cảnh kinh tế gia đình, sức khỏe, khả năng, sở thích đều cần phải được xem xét, đánh giá đúng mức cho phù hợp.

Tôi học ngành-nghề gì?

(hieuhoc_hieuhoc.com).“Dù rằng mình nắm giữ chìa khóa cuộc đời. Nhưng phải sử dụng nó thật là khó. Đến nay, tôi vẫn chưa xác định được ngành nghề gì là thích hợp, là sở trường của mình. Làm sao tôi biết được đâu là con đường mình phải đi, tôi sẽ học ngành gì, làm nghề gì?” Đó là tâm sự của rất nhiều bạn trẻ (Pikachu, Lê Ng.,Mai Tiên….) gởi đến với Hiếu Học.    

Luôn có một nghề dành cho bạn, để bạn vững bước vào đời!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Không tự xác định mục tiêu để mình đi tới, sự nghiệp và cuộc đời của bạn sẽ chỉ là những tình cờ đầy may rủi. Chẳng phải bạn đã từng hoặc có thể là đang cảm thấy rất thất vọng, ê chề và bất mãn đó sao? Vì sao? Vì sao?

Nếu con đường bạn sẽ đi, không mang tên Đại Học.

(HieuHoc.com)Cơ hội không nhất thiết là mình phải đạt được những thứ giống người khác đạt được. Không vì người ta đỗ đại học, mình cũng phải đỗ đại học mới gọi là có cơ hội. Phần lớn do quan niệm của xã hội, áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ và sự hướng nghiệp chưa đầy đủ của nhà trường nên chúng ta hoang mang khi phải lập nghiệp trên con đường không mang tên đại học. Tuy nhiên dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn có thể có cơ hội để vươn lên nếu chúng ta không tự làm mình gục ngã. Nếu con đường bạn sẽ đi không mang tên là đại học, nếu bạn không có kế hoạch ôn luyện để thi lại (vài) lần nữa, bạn vẫn còn có nhiều cơ hội khác để chọn lựa, hãy đừng phân vân, một trong số những con đường ấy mang tên: Dẩn Thân và Lập Nghiệp.

Cùng chuyên mục