Điều kiện để học nghề lái máy bay.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Điều kiện để trở thành một “Học viên dự khoá bay”, được đào tạo miễn phí ở Trung tâm huấn luyện bay của VNA tại TP HCM là các bạn trẻ cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18 – 30, chỉ cần tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Toeic tiếng Anh đạt 400 điểm là đã có thể nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển…

Nghề lái máy bay không còn xa lạ.

Cô Lê Thanh Hải, dạy môn an toàn bay và sơ cứu, Trợ lý Hội đồng tuyển sinh của Trung tâm Đào tạo huấn luyện bay của Việt Nam Airlines (VNA) cho rằng: Sở dĩ nhiều bạn trẻ còn e dè với nghề này chủ yếu là lo vấn đề kinh phí, tiêu chuẩn không đủ hoặc nghĩ rằng phải có mối quan hệ… Nhưng ngược lại, với những gì đang diễn ra thì việc tiếp cận với nghề học lái máy bay để trở thành phi công hiện đã đơn giản hơn rất nhiều.

Không khó để trở thành học viên “dự khóa bay” miễn phí

Cô Lê Thanh Hải cho biết, điều kiện để trở thành một “Học viên dự khoá bay”, được đào tạo miễn phí ở Trung tâm huấn luyện bay của VNA tại TP HCM là học viên phải trải qua 4 vòng dự tuyển. Điều kiện ở vòng 1, các bạn trẻ cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18 – 30 chỉ cần tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Toeic tiếng Anh đạt 400 điểm là đã có thể nộp hồ sơ đăng ký và sẽ được kiểm tra sức khoẻ, thị lực sơ bộ.

Với vòng sơ tuyển, Trung tâm nhận hồ sơ thường xuyên vào các ngày đầu tuần và mỗi năm có 2 đợt tuyển đại trà với số lượng lớn. Sang đến vòng 2, thí sinh dự tuyển sẽ được kiểm tra sức khoẻ chuyên sâu tại Trung tâm y tế hàng không của VNA hoặc của bên quân đội. Những thí sinh lọt vào vòng 3 tiếp tục trải qua phần thi trắc nghiệm với các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý chuyên ngành như tư duy logíc, không gian, số học… cuối cùng là vòng phỏng vấn trực tiếp do Hội đồng tuyển sinh đặt câu hỏi. Kể ra thì có vẻ phức tạp, song nói chung nếu các tố chất về sức khoẻ, thị lực… đảm bảo, cũng chẳng khó để thí sinh có thể vượt qua 4 vòng sát hạch này.

Hoàn thành 4 vòng, thí sinh sẽ được nhập học “Dự khoá bay” kéo dài 4 – 6 tháng. Ngoài tiếp cận với một số môn chuyên ngành, học viên cũng sẽ được đưa ra thực hành tại Học viện không quân của quân đội ở Nha Trang. Kết thúc lớp “Dự khóa bay”, học viên được tham dự phỏng vấn của chuyên gia hàng không nước ngoài, qua được cuộc phỏng vấn này, học viên sẽ tiếp tục được đưa sang học tại các trung tâm đào tạo phi công cơ bản của Pháp, Australia…

Học viên phi công của Trung tâm huấn luyện bay thực hành trên mô hình.

Cô Hải khẳng định: Những người được xét cử đi nước ngoài học, sẽđược VNA đài thọ toàn bộ chi phí… trong thời gian học để trở thành phi công cơ bản kéo dài 18 tháng. Học xong khoá đào tạo phi công cơ bản ở nước ngoài về, học viên đã chắc chắn được VNA tiếp nhận ngay với mức lương khởi điểm 25 triệu đồng/tháng cộng với tiền phụ cấp theo giờ bay. Và từ năm 2003 đến nay, tại Trung tâm huấn luyện bay của VNA đã có 170 học viên hoàn tất các khóa huấn luyện, trở thành phi công về tham gia bay cho hãng.

Tự bỏ tiền học làm phi công nhà nghề hoặc để lái máy bay tư nhân

Hoàn thành chương trình “Dự khóa bay” ở Trung tâm huấn luyện bay của VNA mà không được xét cho đi học tiếp ở nước ngoài, nếu có điều kiện về tài chính học viên có thể tự bỏ tiền túi ra đi học để trở thành phi công cơ bản bằng cách tự liên hệ với các trường đào tạo phi công ở nước ngoài để xin học. Tại Công ty CP Bay Việt (VFT) cũng vậy, học viên sau khi được xét đủ điều kiện về sức khỏe sẽ tự đầu tư kinh phí cho việc học.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Tổng Giám đốc VFT, để trở thành phi công cơ bản, mức chi phí mà học viên phải bỏ ra sẽ hết khoảng 110 ngàn USD. Vì vậy, để hỗ trợ học viên về mặt tài chính, VFT cũng đãliên kết với một số ngân hàng, sẵn sàng hỗ trợ pháp nhân cho học viên vay tiền bởi đầu ra của phi công là khá chắc chắn, khi đã là phi công cơ bản, học viên có thể đường hoàng bước vào các hãng hàng không.

Nữ học viên phi công cơ bản đầu tiên do Trung tâm huấn luyện bay cử đi học ở nước ngoài (Ảnh: Đ.T.)

Cũng theo ông Liên, phần kiến thức, kỹ năng của học viên phi công là nội dung đào tạo được chú trọng. Để trở thành một phi công nhà nghề, phi công được huấn luyện bay trong các điều kiện phức tạp; phải biết cách nhìn vào thiết bị, đồng hồ để quyết định mình sẽ làm gì, đi đâu. Hơn nữa, các hãng hàng không đều sử dụng những loại máy bay nhiều động cơ, do vậy phi công cũng phải có kỹ năng bay trong trường hợp 1 – 2 động cơ máy bay đã bị hỏng. Từ phi công cơ bản, để trở thành phi công chuyên nghiệp, còn phải trải qua 2 cấp bằng lái nữa phi công mới đủ điều kiện “bay” thương mại và “bay” vận chuyển hàng không.

Tại VFT, ngoài điều kiện về độ tuổi để đào tạo phi công nhà nghề, tiêu chuẩn tuyển dụng cũng được mở rộng tới đối tượng học viên học lái máy bay để trở thành phi công bán chuyên nghiệp. Chỉ cần qua được khóa đào tạo phi công cơ bản, phi công đã có thể đường hoàng điều khiển máy bay tư nhân.

Sắp có một trường đào tạo phi công cơ bản ngay trong nước

Nhắc đến nhu cầu tuyển dụng phi công phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Nam Liên nhận định: Căn cứ vào lộ trình phát triển đội máy bay trên các đường bay nội địa và quốc tế, nhu cầu tuyển dụng phi công của các hãng hàng không trong nước sẽ tăng rất nhanh những năm sắp tới. Với VNA, nếu như trong năm 2010 này đội bay tăng lên con số 60 chiếc, cần thêm 634 phi công, thì tới năm 2020, khi đội máy bay có tổng cộng 150 chiếc, hãng sẽ phải cần thêm 1.212 phi công.

Ở Jetstar Pacific Airlines (JPA) cũng vậy, khi đội máy bay được phát triển thêm 10 chiếc vào năm 2013, hãng này cũng sẽ phải tuyển dụng thêm khoảng 300 phi công. Ngoài ra, các hãng hàng không nhỏ mới thành lập, các doanh nghiệp bay dịch vụ, vận tải hàng không cùng với xu hướng sở hữu máy bay riêng của doanh nhân, doanh nghiệp cũng đã xuất hiện tại Việt Nam… và thực trạng với đội ngũ phi công của VNA, phi công trong nước chỉ chiếm hơn 60%; JPA thì mới chỉ có 1 phi công người Việt Nam ngồi ở ghế lái phụ, còn lại đều phải thuê phi công nước ngoài… thì đây sẽ là đầu ra chắc chắn cho nghề lái máy bay

Nguồn: “Nghề lái máy bay không còn xa lạ”. (Đức Thắng/CAND.online).

– Các hãng hàng không: Ở Việt Nam có các hãng hàng không dân dụng như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Cathay Pacific,Công ty bay dịch vụ VASCO, công ty bay dịch vụ dầu khí SFC và gồm nhiều chi nhánh, đại lý khác…

Bài liên quan

Nghề phi công, tiềm năng lớn nhưng cũng đầy thử thách

(hieuhoc_hieuhoc.com): Trong hàng trăm mail Hiếu Học nhận được từ các bạn học sinh thì có không ít hỏi về nghề phi công. Điều này chứng tỏ sức hút của nghề nàyđối với các bạn trẻ không nhỏ chút nào. Nay, Hiếu Học  xin giới thiệu rõ hơn về nghề này.

Nghề Phi Công Mới Lạ... Nhưng Khó Hay Dễ?

Hỏi: Tôi có thể lực rất tốt, nhanh nhạy về trực giác và hoạt động. Nhưng học ở trường, tôi chỉ đạt loại trung bình khá. Tôi rất thích tìm hiểu những thông tin liên quan đến máy bay hàng không, các kỹ thuật nhảy dù, điều khiển máy bay, sự cố khi máy bay gặp nạn…Ước mơ của tôi là trở thành phi công, nhưng hình như có gì đó làm tôi không an tâm lắm. Xin hãy cho biết, những khó khăn khi học nghề này? Liệu sức học chưa giỏi, có theo nghề phi công được không? Và để trở thành phi công, cần hội đủ những tiêu chuẩn và yếu tố nào?

Ngành hàng không dân dụng.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Giữ cho huyết mạch giao thông của đất nước luôn thông suốt là nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải. Trong đó, ngành hàng không dân dụng nói riêng, đang giữ một vai trò ngày càng quan trọng và sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển.

Cùng chuyên mục