(Hiếu học). Ngành đồ uống là một trong những ngành kinh doanh đặc thù, bởi nhà sản xuất sau khi bán sản phẩm thì thu hồi vỏ chai để tái sử dụng. Họ phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn cho vỏ chai, nếu không quản lý được việc thu hồi, sử dụng lại thì doanh nghiệp sẽ bị thất thoát về vốn. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống đang có nhu cầu bức thiết ứng dụng ERP (hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp) nhằm giảm thất thoát trong hoạt động.
Ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp trong nước cũng được dự báo là một trong những xu hướng hàng đầu trong ngành CNTT và viễn thông trong năm nay.Trên thực tế, giảm thất thoát vốn chỉ là một trong những hiệu quả mà việc ứng dụng ERP mang lại cho các doanh nghiệp ngành giải khát. (Trong ảnh là một dây chuyền sản xuất tại nhà máy Tribeco ở TP.HCM. – Ảnh: Lê Toàn).
Nhu cầu bức thiết.
Theo khảo sát mới đây của một doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho ngành đồ uống, hiện có khoảng 400 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam, trong đó có vài công ty đã triển khai những giải pháp quản trị doanh nghiệp như Công ty Bia Carlsberg, Công ty Bia Huế…
Phần lớn các doanh nghiệp đồ uống hiện nay đã qua giai đoạn đầu tư thiết bị và nhà máy và họ đang có nhu cầu ứng dụng những giải pháp, công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất và quản lý để nâng cao sản lượng và lợi nhuận. Cụ thể, nhiều nhà sản xuất đồ uống đang tìm giải pháp cho việc quản lý và thu hồi vỏ chai trên toàn bộ hệ thống phân phối của mình trên cả nước… Chính ERP là câu trả lời phù hợp cho nhu cầu nói trên của doanh nghiệp đồ uống.
Ông Phạm Quốc Hùng, phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của Công ty Bia Huế, cho biết doanh nghiệp này vừa mới hoàn thành việc triển khai ERP vào các khâu sản xuất và phân phối. Việc triển khai giải pháp này giúp Bia Huế mỗi năm tiết kiệm được khoảng 15 tỉ đồng nhờ quản lý được vỏ chai, giảm thất thoát.
Trong vai trò là một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp ERP, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc kinh doanh của Công ty Tectura Việt Nam, nói rằng, theo một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 20% doanh nghiệp đồ uống sẵn sàng triển khai ERP (trong đó có Công ty Bia Hà Nội và Công ty Bia Halida) và đây là một tỷ lệ lớn.”
Lựa chọn giải pháp.
Hiện có nhiều nhà cung cấp giải pháp ERP khác nhau trong đó nổi lên một số thương hiệu lớn là SAP, Oracle, Microsoft… Theo nhận xét của một chuyên gia, SAP có thế mạnh trong việc cung cấp giải pháp này cho các doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép…, còn Oracle mạnh về cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành tài chính, kế toán, ngân hàng… Đối với mảng thị trường ngành đồ uống còn bỏ ngỏ, công ty Tectura toàn cầu đã xây dựng giải pháp ERP bằng việc phát triển giải pháp trên nền tảng công nghệ của Microsoft. Trong số khách hàng của Tectura có các thương hiệu bia lớn của thế giới như Heineken, Carlsberg…
Theo các chuyên gia về ERP, các giải pháp ERP đều có thể triển khai ở mọi doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, mỗi nhà cung cấp giải pháp sẽ có thế mạnh trong việc đáp ứng yêu cầu của mỗi ngành riêng biệt. Trên thực tế, đã có những dự án ERP triển khai không thành công (bỏ dở giữa chừng hoặc chậm tiến độ) do giải pháp không đáp ứng được yêu cầu thực tế của khách hàng. Đây cũng chính là lý do các nhà cung cấp ERP hướng đến việc cung cấp những giải pháp đặc thù cho từng ngành.
Ngoài công nghệ, việc triển khai ERP thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như năng lực của đơn vị triển khai giải pháp, năng lực của nhà tư vấn và nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư giải pháp.
Thị trường tiềm năng.
Ông Hiệp nhận xét, không chỉ ngành đồ uống mà nhiều ngành khác tại Việt Nam cũng đang là thị trường tiềm năng đối với các nhà cung cấp giải pháp ERP. Tectura cũng xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn trong năm 2010.
Ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp trong nước cũng được dự báo là một trong những xu hướng hàng đầu trong ngành CNTT và viễn thông trong năm nay, xuất phát từ một thực tế là nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển đến một quy mô nhất định và cần có sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã đạt được một số thành công trong kinh doanh và năm 2010 là giai đoạn mà họ tự đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao hơn trong quy trình hoạt động của doanh nghiệp mình.
Sau ba năm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp đang đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để tồn tại và phát triển. Cuộc cạnh tranh buộc họ phải đầu tư cho cơ sở nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, công nghệ và nâng cao tiêu chuẩn trong quy trình hoạt động để tăng hiệu quả kinh doanh, chịu một áp lực lớn là cần phải triển khai ERP để tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, theo các nhà tư vấn triển khai ERP, hiện các doanh nghiệp muốn đầu tư cho ERP cũng gặp một số khó khăn. Một số doanh nghiệp mạnh về tài chính nhưng chưa sẵn sàng đầu tư ERP do những hạn chế về nguồn nhân lực và hệ thống quản trị hiện tại, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đáp ứng được phần lớn các tiêu chí nhưng chưa có ngân sách dành cho ERP.
Nguồn: (Vân Anh/TBKTSGO).