Chàng sinh viên làm chưởng môn võ thuật.

(Hiếu học). Rời mảnh đất Tây Bắc để theo học Đại học, Linh mang theo tinh thần và tình yêu võ thuật xuống Hà Nội. Nhận thấy khó có thể gìn giữ và phát triển được dòng võ của quê hương này nếu cứ giữ lối lưu truyền gia tộc. Linh đã xin phép thầy truyền dạy cho số ít bạn bè, với mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương Tây Bắc…

Là dòng võ của người Mông thấp bé, kỹ thuật của Bắc Việt võ phần lớn sử dụng lối đánh luồn lách, với các bước di chuyển tấn pháp có thể linh động trên nhiều địa hình. Lối tấn công và phòng thủ của Bắc Việt võ chủ yếu sử dụng hai bàn tay. Bắc Việt võ có một thuật đặc biệt là “bát thế”, tức là tám tư thế bẻ cổ.

Vì là dòng võ nội gia có nhiều lối đánh nguy hiểm nên khi phát triển ra cộng đồng, Trần Linh đã phải thể thao hóa toàn bộ với bộ giáo trình riêng cho võ thuật phong trào. Nữ giới với thể trạng và sức khỏe khác phái mạnh cũng được dành riêng một giáo trình. Hiện Linh cùng một số người nghiên cứu và soạn thảo bộ giáo trình đặc biệt về võ – vũ: sự kết hợp giữa võ thuật và vũ đạo.

6h tối các ngày lẻ trong tuần, ai đi qua sân thể dục ĐH Xây dựng Hà Nội đều thấy một chàng trai có thân pháp nhanh nhẹn, linh hoạt tận tình hướng dẫn các võ sinh luyện tập.

Đó là Trần Ngọc Linh, sinh viên Khoa Kiến trúc K51, ĐH Xây dựng, chưởng phái Bắc Việt, môn võ đang được đông đảo sinh viên mến mộ và theo học.

Đam mê võ thuật từ nhỏ, nhưng phải đến cuối năm lớp 9, Linh mới tình cờ gặp cụ Giàng A Sình, truyền nhân đời thứ 12 của dòng họ Giàng, người H’mông ở Lào Cai. Chỉ một lần nhìn cụ luyện võ, Linh thực sự thích thú và ngay lập tức xin làm học trò. Nhưng vì tục lệ của dòng võ nội gia là không truyền dạy cho người ngoài, cụ Sình đã từ chối.

Nhớ lại những ngày đầu, Linh nói: “Hồi đó còn trẻ con nên suy nghĩ đơn giản lắm. Cứ nghĩ thầy không nhận thì mình đến xem, chắc không ai cấm”. Ngày nắng cũng như mưa, biết chỗ thầy thường luyện tập nên cậu chẳng vắng mặt buổi nào. Chính sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi đến tận cùng của Linh đã làm cụ Sình cảm động. Hơn nữa, việc không có con trai nối dõi khiến cụ quyết định phá lệ, nhận Linh làm truyền nhân thứ 13 của dòng võ này.

Qua được cửa ải khó khăn đầu tiên, Linh bước vào quá trình khổ luyện đầy khắc nghiệt. “Dòng võ nội gia này có cơ chế truyền dạy hết sức ngặt nghèo, đòi hỏi người học phải có bản lĩnh và kiên trì đến cùng”, Linh tâm sự. Hơn 3 năm theo học miệt mài và chịu nhiều thương tích, Linh đã tiếp thu được hầu hết thế võ của môn võ này.

Rời mảnh đất Tây Bắc để theo học đại học, Linh mang theo tinh thần và tình yêu võ thuật xuống Hà Nội. Nhận thấy khó có thể gìn giữ và phát triển được dòng võ này nếu cứ giữ lối lưu truyền gia tộc, Linh đã xin phép thầy truyền dạy cho số ít bạn bè. “Nhìn ở góc độ sâu hơn, võ thuật chính là văn hóa và mình phải có trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa”, Linh tâm niệm. Với mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương Tây Bắc, cậu quyết tâm thuyết phục thầy. Và một lần nữa, người thầy lại “chịu thua” cậu học trò yêu quý.

Được sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường, Linh cùng các bạn thành lập câu lạc bộ võ thuật đầu tiên tại ĐH Xây dựng. “Bắc Việt võ” nhanh chóng được cậu và các bạn chọn làm tên gọi cho môn phái. “Bắc Việt võ, tức là võ của người Việt ở Tây Bắc. Tên gọi này nhằm gợi nhớ lại gốc phát tích của dòng võ”, Linh lý giải.

Không chỉ luyện võ, cộng đồng Bắc Việt võ với phần đông là sinh viên còn tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện, các giải bóng đá… Giữ quan niệm “võ thuật là văn hóa, học võ là học văn hóa”, vị chưởng môn trẻ tuổi mong muốn truyền dạy cho môn sinh trước tiên không phải kỹ thuật mà là lòng tự hào dân tộc, sau là một tinh thần tốt để sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Bởi vậy Bắc Việt võ có một nguyên tắc đặc biệt, không nhận lời thách đấu của bất kỳ môn phái nào.

Hơn 3 năm hoạt động, Bắc Việt võ hiện có khoảng 500 học viên, sinh hoạt đều đặn tại ĐH Xây dựng và ĐH dân lập Thăng Long. Mọi thủ tục để Bắc Việt võ được Hội võ thuật thành phố Hà Nội công nhận đang hoàn tất. Trong năm tới, cùng với việc phát triển Bắc Việt võ ra các trường đại học, Linh và môn phái sẽ thực hiện dự án võ thuật điện ảnh với mong muốn đưa võ của người Việt lên màn ảnh.

Khi được hỏi về những áp lực mà một chưởng môn trẻ tuổi phải đối mặt, cậu chỉ cười: “Vẫn có những người nhìn vào tuổi tác để đánh giá năng lực. Nhưng mình cho rằng, bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là bạn đã có được những gì trong tay và bạn biết cách khẳng định mình”.

Bên cạnh vai trò chưởng môn Bắc Việt võ, hiện Linh còn là Giám đốc Công ty thiết bị điện tử công nghệ TNL do mình thành lập. Làm kinh doanh không chỉ giúp Linh duy trì hoạt động cho môn phái, mà còn là cách cậu thể hiện trách nhiệm với bản thân và gia đình.

“Đam mê là xuất phát điểm, và mình phải biến đam mê thành cuộc sống”, với phương châm đó, chàng trai 22 tuổi đến từ mảnh đất Tây Bắc đang dần hiện thực hóa ước mơ đưa văn hóa võ thuật của quê hương hòa nhập với cộng đồng.

Theo: (VnEpress).

Cùng chuyên mục