Ông hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Tương truyền lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 tức tháng Hợi nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “Trư” nghĩa là lợn).
Ông bản tính nhanh nhẹn, thông minh, lúc nhỏ có lần cùng bố đi bắt lợn, gặp kiệu ông Nghè vinh quy, Trư hỏi:
– Ông gì thế bố?
Người cha đáp:
– Ông Trạng!
Trư nói:
– Lớn lên con cũng làm ông Trạng!
Từ đó đi chơi với trẻ trong làng, ông đều khoe:
– Tao là quan Trạng!
Có người khách lỡm:
– Trạng dở hay trạng nguyên?
Ông buột miệng:
– Khách quen hóa khách lạ!
Hai câu ứng khẩu hợp thành câu đối khá hay.
Cạnh làng ông là làng Yên Đinh đất học, có cụ đồ sang chơi ra cho trạng vế đối, mang đề tài lợn, nghề sinh sống của nhà này:
– Lợn cấn ăn cám tốn (ý là lợn có chửa ăn hết nhiều cám nhưng Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái).
Trạng đối ngay:
– Chó khôn chớ cắn càn.
Câu đối xấc xược làm cụ đồ cay đắng, song vế đối chỉnh quá, chó khôn đừng cắn bậy, mà Khôn và Càn cũng là hai quẻ trong bát quái. Cụ đồ khuyên bố mẹ Trư cho Trư đi học.
Chính cụ đồ bị ông đối xược ấy dạy ông năm mới 8 tuổi, ông học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép, chuyên cần, bạn học có người gấp rưỡi, gấp đôi tuổi đều thương mến. Những ngày trời mưa bạn thường cõng ông qua chỗ lội.
Khi ở nhà lúc nào ông cũng chăm lo đèn sách, khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc vào lá chuối, lá khoai những chữ khó nhớ.
Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ông ra học cụ Vũ Mộng Nguyên người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, đỗ Thái học sinh không làm quan nhà Hồ về dạy học.
Ông là học trò tiêu biểu nhất của cụ Vũ Mộng Nguyên, đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông.
Tương truyền đêm trước ngày thi đình vua Nhân tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng, vua sai xa giá xem bảng thấy trạng tân khoa là Nguyễn Văn Trư, dân gian coi yết bảng cứ kháo thành vè “Long đầu lợn-Nguyễn Văn Trư”, vua liền đổi tên cho Trạng là Nguyễn Nghiêu Tư.
Ông làm quan đến chức An phủ sứ Hàn lâm Trực học sỹ, đi sứ nhà Minh lại phong Lại bộ thượng thư, về phong Chưởng lục bộ thượng thư.
Khi vinh quy bái tổ, dân làm nghè ở Phù Lương thị (chợ làng Phù Lương), tức làng Giùng, chợ Giùng để đón, nghè còn đến thời kháng chiến chống Pháp dân vẫn gọi là Nghè quan Trạng. Khi về hưu vua phong “Thượng quốc công chí sỹ” và vợ được hàm “nhất phẩm phu nhân”.
Năm 1459 Lê Nghi Dân giết vua tiếm vị, sai ông đi sứ cầu phong, nhà Minh hoạch:
– Sao lại dám giết em mà tranh ngôi vua?
Nghiêu Tư trả lời:
– Đường Thái tông giết cả anh là Kiên Thành, em là Nguyên Cát là việc cũ của thiên triều, thì việc nước tôi ngày nay có gì là lạ?
Thấy sứ thần Đại Việt trả lời rất đúng lý nhà Minh đành nhận phong vương.
Khi đoàn sứ thần ta tới ải Nam Quan, viên coi cửa ải nhà Minh ỷ thế nước lớn, ngạo mạn treo lên cửa quan một chữ thập lớn bằng gỗ mà không mở cửa đón tiếp.
Trạng nói:
– ý các người muốn coi người Minh là “tung hoành vũ trụ”. Đã vậy thì Đại Việt ta đây “bao quát càn khôn”, sai người bện một cái vòng tròn lớn bằng lụa tết mắc lên đầu chữ thập, cả chữ thập lọt trong vòng tròn ấy.
Viên quan coi ải khiếp phục, mở cửa quan nghênh tiếp sứ giả.
Vào đến Yên Kinh, Trạng vào yết kiến vua Minh.
Nhà vua muốn thử tài sứ giả, ngầm sai trong hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ Kính Thiên treo ở giữa, bầy đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh đặt nghi vệ sang trọng như chỗ giường ngủ của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi đó không.
Khi sắp yến tiệc họ đưa trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, quan Minh ra hoạch:
– Cớ sao sứ thần lại ngược ngạo, vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ gì?
Trạng ta bình thản:
– Dám thưa, ngài lấy cớ gì cho sứ thần tôi là ngạo? Biển đề hai chữ Kính Thiên, chiết tự ra là kính nhị nhân (chữ thiên là giời, tách ra là hai chữ nhị nhân là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: “Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực”. Tôi nghe Thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà sứ giả nước xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa.
Viên quan nhà Minh thấy trạng nói chẻ hoe như đã rõ gan một từ trước, vội vàng:
– Xin quý ngài xá lỗi. Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem ngài có phải là bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà biết trước được như thế còn hề chi?
Trong thời gian ở Trung Quốc ông lập được nhiều công lớn, nhất là việc dạy hoàng tử học, được vua Minh rất đỗi quý phục phong ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Song vì ông sinh ra trong nhà bán thịt lợn, tên là Trư và gọi là Lợn, đã là lợn thì phải học dốt. Dân mới bịa ra chuyện rằng thày dạy “Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng”, ông đọc ra “thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng”…
Thế mà đỗ Trạng nên mọi chuyện gặp may được bịa ra như bia “hạ mã” ông đọc là “bất yên” thì tự dưng trong làng có đám cháy, con gái Bùi tướng công tên là Phấn ra vế đối “bát đao phân mễ phấn” ông không đối được mới chép vào bảo lúc thi đỗ sẽ đối, vào triều đề thi là “thiên lý trọng kim chung”, ông đem đối vào rồi lại đem vế ấy về đối ở nhà Bùi tướng công, hay tuyệt vừa đỗ Trạng vừa được vợ, rồi chuyện cầu mưa, xử kiện, xem bói, đối chữ ở Trung Quốc… thảy đều gặp những sự may mắn, trùng hợp đến lạ lùng.
Nghệ sỹ dân gian nào đó đã chép thành chuyện Trạng Lợn mà ta thường đọc. Cực đoan hơn nữa, ở Hà Nam có hẳn sách Trạng Lợn dài 18 hồi theo kiểu chương hồi Tam Quốc chí.
Trần Quốc Thịnh (Theo bacninh.gov.vn)