Tích Nguyễn Khoa Đăng: Vụ án ruộng dưa

Là một Án Sát Sứ năng nổ tài ba, Nguyễn Khoa Đăng thường đi thanh sát khắp nơi. Những vùng ông ghé qua, bao nhiêu vụ án khó khăn, tồn đọng đều được lôi ra ánh sáng, xét xử thấu đáo ngọn ngành nhờ mưu trí thần kỳ, phán đoán nhạy bén, chính xác của ông.

Lần nọ, khi đến huyện đường, Khoa Đăng thấy một lão nông đang vật nài xin tra xét, quan Huyện lệnh thì quát nạt, xua lính đuổi lão đi vì cho rằng kiện cáo xằng bậy, vô chứng vô cứ. Đến bên ân cần thăm hỏi, Nội Tán mới biết ruộng dưa của lão bị ai đó phá tan nát hết cả. Theo chân ông lão về tận nơi, Khoa Đăng chăm chú tìm dấu vết. Nhìn những trái dưa to mập, trái xanh mơn mởn, tròn múp đương đọ lớn, báo hiệu một mùa bội thu. Vậy mà kẻ ác tâm đã dùng thuổng xắn đứt ngọn, đứt thân, lại giầm nát gốc dưa. Cả thửa ruộng dưa rộng lớn, giờ tanh bành như thế ko đau xót sao được. Khoa Đăng chú ý tìm dấu chân, nhưng thủ phạm gian ngoan đã xới tung các luống, xóa sạch dấu vết.

Sờ một góc dưa đã bị xắn đứt, nhựa sống vẫn còn tươm ra, ông lẩm bẩm:

– “Ác độc thật, hắn còn trở thuổng giẫm nát cả gốc dưa…”

– “Này ông lão, thế lão có nghi ngờ ai không? Lão có xích mích với ai không?” – Khoa Đăng quay sang hỏi chủ ruộng dưa.

– “Bẩm quan, cũng có mắc mứu đôi ba chuyện vặt với vài người, nhưng thật tình con không dám nghi cho ai cả…”

Cắn môi suy nghĩ, chợt quan Nội Tán cảm nhận có vị nhẫn nhẫn đắng ở đầu lưỡi. Ngạc nhiên, ông cúi nhìn xuống tay, có lẽ trong lúc vô tình, mình đã quệt tay ngang miệng chăng? rồi ông lại nếm thử đầu ngón tay dính nhựa cây: Ôi chà! Đắng thật!…

Đứng phắt lên, mắt ngời sáng sau gương mặt rạng rỡ, quan nội tán dõng dạt phán:

– “Phá án được rồi! Lão mau khai tên họ những người đã từng cãi cọ xích mích với lão ra đây! Này Huyện lệnh! Truyền cho chức dịch trong làng, tập trung hết những người trồng dưa vào Đình, mang theo thuổng, mai của họ, ghi tên đánh dấu rõ ràng lên từng cái.”

Mọi ngươi răm rắp nghe theo. Khi tất cả đã tề tựu ở Đình làng, Khoa Đăng mới tìm trong đống thuổng mai giao nộp, chọn riêng ra cái nào có ghi tên những người đôi co với ông lão, rồi bắt từ quan Huyện cho đến các chức sắc nếm thử lưỡi và cán những cây thuổng đó xem có vị gì lạ. Trong số đó, một cây thuổng bị nhận rằng có vị đắng. Khoa Đăng lại sai lính lấy một gốc dưa, đập giập, vắt nước cho họ nếm thử thì thấy hai vị đắng giống hệt nhau. Bấy giờ Nội Tán mới kêu tên người ghi trên cán thuổng, quát hỏi:

– “Người trồng dưa ai cũng quý trọng cây trái do tự tay mình chăm bón, vun trồng nên có tỉa cành trẩy lá cũng không dùng thuổng mà xắn! Chỉ có ngươi, vì tư thù mới xắn đứt cả ruộng dưa, lại lấy cán mà giầm nát tận gốc, khiến mủ dưa thấm đẫm cán thuổng, mới có vị đắng. Nay vật chứng đã rõ, có chịu nhận tội chưa?”

Kẻ gây án vội dập đầu lạy lục, thú nhận tội lỗi trước lý lẽ đanh thép, chứng cứ rạch ròi của quan Nội Tán. Hắn bị phạt đến gấp đôi số hoa lợi cho ông lão để răn đe thói hại người. Dân làng hết sức đồng tình, ca ngợi và thán phục cách xử án thần kì của quan. Riêng huyện lệnh nhớ đời về thói tắc trách, thờ ơ của mình khi xét án.

Theo Thần Đồng Đất Việt

Cùng chuyên mục