Tâm lý sợ đi học.

(Hiếu học). Đi học có tác dụng to lớn đối với việc học tập và phát triển của con người. Nhưng không ít trẻ lại có tâm lý sợ đi học, nghe đến đi học là mắc bệnh, được nghỉ ở nhà thì hết bệnh ngay. Với những trường hợp như thế, phụ huynh nên làm thế nào khắc phục để trẻ không còn “sợ đi học”?

Ảnh minh họa. (Nguồn: Inmagine.com).

Tâm lý sợ đi học là một “chứng” thường có ở lứa tuổi nhỏ. Những em này thường rất hoảng sợ mỗi khi đi học. Thật ra, lúc nhỏ, chúng ta ai cũng có tâm lý sợ đi học, nhưng thường chỉ trong một thời gian ngắn, không tạo thành phản ứng lâu dài về mặt sinh lý.

Thế nhưng, các công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý và giáo dục cho thấy: có 2% đến 5% các trẻ sợ đi học. Hể cứ nghe thấy đến đi học là các em này khóc mếu, đau bụng, nôn mửa, nhức đầu…, nhưng nghe thấy cho nghỉ ở nhà là hết bệnh ngay. Nói tóm lại, sinh bệnh để tránh khỏi phải đi học là một “chứng bệnh kỳ quặc”.

Các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu phân tích nguyên nhân, phát hiện thấy các trẻ em đều có thể gặp phải tâm lý sợ đi học. Những em này thường sinh trưởng trong gia đình khá giả, được cưng chìu, chăm sóc chu đáo. Trẻ muốn gì, bố mẹ đều nhất nhất chìu ý các em. Em trở thành trung tâm chú ý của cả gia đình. Nhưng đến trường thì không còn được như thế nữa. Thêm vào đó, ở trường các em có thể gặp một số thầy cô nghiêm khắc, bị căng thẳng, đặc biệt là ở những trẻ học kém. Càng căng thẳng, chúng càng không thể tập trung học, càng sợ đi học hoặc thường gặp phải bạn bè ăn hiếp, chọc ghẹo…. Cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài đã tạo áp lực gây nên tâm lý sợ đi học lên tâm hồn non trẻ, thơ dại của các em.

Từng bước giúp các em vượt qua tâm lý sợ đi học:

– Cần phải làm cho em đó có một thái độ đúng đắn, nhận thức được rằng: Em cũng chỉ là một thành viên bình thường trong gia đình mà thôi, tại sao lại có ưu tiên đặc biệt?

– Khi con trẻ thường có những dấu hiệu bệnh trước giờ đi học, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để loại trừ các loại bệnh thể chất. Sau khi được bác sĩ giải thích, cha mẹ nên cương quyết cho trẻ đi học trở lại. Nếu trước đó, trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ nên trao đổi với con và giúp trẻ học vừa đúng với năng lực của trẻ. Phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên để tránh dùng những biện pháp gây căng thẳng và lo sợ cho trẻ như hù dọa, đánh phạt khi trẻ không hoàn thành kế hoạch học tập ở lớp.

– Làm cho trẻ cảm nhận được thú vui học tập, thường xuyên nói những điều tốt về trường học, nếu thấy trẻ không theo kịp chương trình học, phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra chỉ số thông minh ở một cơ sở tâm lý để đánh giá năng lực học tập của trẻ.

– Tập cho trẻ có tinh thần dám thay đổi hiện trạng, dũng cảm chiến thắng nỗi lo sợ. Cần dạy cho các em biết dựa vào bạn bè, hòa đồng, năng trao đổi, quan hệ tốt và học tập bạn bè…

Cuối cùng, nếu tình hình gay go, có thể dẫn trẻ đến bệnh viện (khám lại thị lực, tai nghe…) và các trung tâm tư vấn giáo dục để có những lời khuyên thiết thực cho từng tình huống cụ thể. Thật ra, trẻ em với một cơ thể và tâm hồn lành mạnh, không có những phản ứng bệnh lý, chỉ cần chúng ta nhẫn nại giáo dục, khắc phục những khủng hoảng, những nỗi lo âu về mặt tâm lý, chắc chắn các em sẽ không còn sợ đi học, sẽ vui vẻ cắp sách tới trường.

Khánh Hòa Tổng hợp. (hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan

Để trẻ có niềm say mê học tập.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Làm thế nào để con bạn cảm thấy hứng thú, có niềm say mê trong học tập? Làm thế nào để các em nhận ra khả năng tuyệt vời có được của mình? Làm thế nào để thay đổi từ sự hờ hửng trở thành niềm say mê học hành? Cha mẹ nên phải làm gì? Không ai có thể có một kết quả khác tốt hơn nếu cứ làm mãi mọi việc theo một cách duy nhất. Vì thế, bạn cũng phải thay đổi phương cách để bồi dưỡng cho niềm say mê học tập của trẻ. Giúp trẻ từng bước thay đổi, giúp trẻ có lại niềm tin, hứng thú trong việc học.

Những sai lầm cần tránh để giúp con học tốt hơn.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Tạo thói quen tốt cho trẻ trong việc học tập là điều hầu hết các vị phụ huynh đều biết, đã và đang làm. Tuy nhiên, do quan niệm và phương pháp dạy con trong một số gia đình chỉ dựa vào cảm tính, nên có thể còn mắc phải một số sai lầm làm cho việc học của trẻ gặp nhiều vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự thành công sau này của con trẻ. Sau đây là những sai lầm cần tránh để giúp con học hành tốt hơn.  

Cha mẹ ơi! Con không là thiên tài.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các bậc phụ huynh thường lo lắng khi thấy con trẻ có những biểu hiện mình không vừa ý nên vội vàng khiển trách khi chưa đánh giá đúng sự viêc. Có thể lý do chỉ là vì cha mẹ muốn trở thành một bậc phụ huynh lý tưởng, “người” đã nuôi dạy thành công nên những “thiên tài”, cố gắng gò ép trẻ phải nổ lực tuân theo những nguyên tắc khô cứng từ rất sớm để trở thành “thần đồng”, những vĩ nhân của tương lai.  

Cùng chuyên mục