Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, việc một đôi giày mang thương hiệu Mỹ như Nike hay Adidas nhưng lại được sản xuất ở Việt Nam đã là chuyện quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, chắc chắn cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết rõ hành trình mà một đôi giày như thế đã trải qua để đến với người tiêu dùng. Hành trình đó là sự phối hợp của rất nhiều khâu, từ nhà cung cấp nguyên phụ liệu, các nhà máy gia công trên khắp thế giới, các đơn vị vận chuyển đến các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ… Làm cách nào để sự phối hợp này được tiến hành suôn sẻ, vừa tiết kiệm chi phí tối đa vừa đem lại nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan?
Đó là vấn đề mà các chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain) – một trong những ngành nghề “nóng” nhất ở Việt Nam hiện nay – luôn trăn trở, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy giảm như thời gian qua.
Quản lý chuỗi cung ứng và quản lý logistics – Tưởng một mà hai
Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng quản lý chuỗi cung ứng và quản lý logistics là một nên dùng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau. Thật ra, quản lý logistic hay quản lý hậu cần chỉ liên quan đến công việc quản lý về mặt kho bãi, vận chuyển, giao nhận và phân phối hàng hóa. Còn quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý cả một hệ thống bao gồm phát triển sản phẩm, sản xuất, mua bán, tồn kho, phân phối và các hoạt động hậu cần. Nói cách khác, hậu cần chỉ là một thành tố của chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng tối ưu – Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo các chuyên gia trong ngành, chuỗi cung ứng tối ưu là chuỗi cung ứng vận hành nhịp nhàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mức cao nhất với chi phí vận hành thấp nhất. Đồng thời, nó phải có hệ thống thông tin được tổ chức khoa học và cập nhật thường xuyên để giúp các bộ phận phối hợp ăn ý với nhau nhằm phản ứng nhanh nhạy với những biến động thường xuyên và liên tục của môi trường kinh doanh. Một chuỗi cung ứng tối ưu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút thêm nhiều khách hàng, gia tăng thị phần, tiết kiệm chi phí, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Chính nhờ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả mà Wal-Mart mới có thể trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán lẻ.
Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng – Họ là ai?
Các chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng luôn là một trong những người bận rộn nhất trong doanh nghiệp. Công việc của họ đôi lúc có thể bắt đầu từ tờ mờ sáng và chỉ kết thúc khi màn đêm đã buông xuống. Hết dự báo và lập kế hoạch nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất, mua hàng, vận tải, phân phối; lựa chọn, làm việc, thương thuyết với các nhà cung cấp; điều phối hoạt động của từng bộ phận và truyền thông trong hệ thống, họ lại quay sang theo dõi, cải tiến hệ thống thông tin (báo cáo, kế hoạch…) và quản lý rủi ro. Đặc biệt, nếu có sự cố phát sinh (chẳng hạn đoàn xe vận tải không thể đến đúng hẹn do thiên tai) thì chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng phải có mặt để giải quyết ngay dù lúc đó có là nửa đêm hay ngày nghỉ cuối tuần.
Chính vì phải gách vác nhiều trọng trách như vậy nên chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cần nắm rất vững kiến thức về quản lý chuỗi cung ứng như các hệ thống MRP, MRPII, JIT …, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các bộ phận trong chuỗi, phương pháp điều phối hoạt động, quản lý sự thay đổi, quản lý rủi ro … Ngoài ra, họ còn cần có kỹ năng quản lý công việc tốt, ra quyết định, thu thập phân tích thông tin, đàm phán, ý thức trách nhiệm cao, khả năng làm việc theo nhóm và theo hệ thống để đạt được mục tiêu chung.
Quản lý chi phí trong chuỗi cung ứng– Không phải chỉ “cắt” là được!
Khi nền kinh tế suy giảm, khả năng điều chỉnh và thay đổi qui mô của các hoạt động trong chuỗi cung ứng cũng như việc tiết kiệm chi phí rất quan trọng. Quản lý và tiết kiệm chi phí hiệu quả sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, từ đó làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cũng vì thế mà trở nên nặng nề hơn.
Tuy nhiên, khi cắt giảm chi phí, chúng ta cần phân biệt giữa “cắt” (cutting) và “giảm” (reducing). Hiện nay, nhiều nhà quản lý xem cắt và giảm chi phí là một. Đây là một sai lầm lớn vì nếu cứ “cắt” một cách vô tội vạ, đánh đồng tất cả các chi phí theo kiểu “cá mè một lứa” thì sẽ dẫn tới sự đình trệ hoạt động và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy chi phí là yếu tố tối quan trọng trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả nhưng mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng về thời gian, số lượng và chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Home Depot, nhà bán lẻ hàng trang trí nội thất hàng đầu của Mỹ, đã từng chủ trương cắt giảm chi phí bằng cách sa thải những kỹ sư nhiều kinh nghiệm để thay bằng những người làm việc bán thời gian hoặc ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, do khách hàng phản ứng về chất lượng phục vụ càng lúc càng đi xuống, Home Depot đã buộc phải điều chỉnh lại chính sách của mình.
Chính vì thế, muốn quản lý chi phí trong chuỗi cung ứng hiệu quả, đầu tiên chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cần xác định rõ đâu là chi phí nên tiếp tục duy trì, đâu là chi phí cần giảm và đâu là chi phí phải cắt. Kế tiếp, họ cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và cương quyết nhằm cắt (hoặc giảm) những chi phí cần thiết thông qua việc cải tiến qui trình để giảm thiểu những khâu thừa và điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng hợp lý hơn. Chẳng hạn, họ có thể áp dụng chính sách tồn kho an toàn (safety stock) để duy trì tồn kho ở mức hợp lý mà không phải hy sinh chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cũng cần tăng cường khả năng lập kế hoạch và dự báo để phản ứng kịp thời với các biến động cũng như nâng cao chất lượng hệ thống thông tin của chuỗi để giúp các bộ phận phối hợp ăn ý với nhau hơn.
Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng – Học để vươn đến đỉnh cao sự nghiệp
Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành nghề đầy biến động. Vì thế, muốn đạt đến và trụ vững ở đỉnh cao của nghề quản lý chuỗi cung ứng, bạn cần thường xuyên cập nhật kiến thức qua các khóa đào tạo tổng quát về Quản lý Chuỗi cung ứng, các khóa học chuyên sâu về từng bộ phận của chuỗi như Quản lý mua hàng, Quản lý và kiểm soát tồn kho, Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp…cũng như các khóa học năng cao kỹ năng như kỹ năng truyền thông, thuơng thuyết, làm việc nhóm …
Khi đã vững kiến thức nền tảng, họ có thể học tiếp các chương trình nâng cao như Thạc sĩ về Quản lý Công nghiệp hay Quản lý Chuỗi cung ứng. Đương nhiên, nếu muốn cập nhật kiến thức liên tục như thế, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể. Tuy nhiên, những gì bạn nhận được từ nghề này cũng rất xứng đáng. Mức lương hàng tháng của bạn sẽ dao động từ 500 – 4000 USD. Con đường thăng tiến của bạn cũng sẽ rất sáng sủa. Bằng chứng là nhiều CEO của các công ty lớn hiện nay có xuất thân từ ngành quản lý chuỗi cung ứng!
Cách đây hơn 2000 năm, Alexander Đại đế – một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại – đã từng tuyên bố “Người làm hậu cần cần biết rằng nếu chiến dịch của tôi thất bại, họ sẽ là người đầu tiên bị xét xử”. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của hậu cần (tiền thân của chuỗi cung ứng) đối với việc gầy dựng cơ nghiệp của các danh tướng ngày xưa. Hiện nay, các doanh nhân không phải đụng đến binh đao như Alexander Đại đế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cuộc chiến của họ trên thương trường kém khốc liệt hơn. Chỉ cần quản lý chuỗi cung ứng kém hiệu quả, khiến giá thành sản phẩm cao hơn đối thủ cạnh tranh một chút là đủ để doanh nghiệp lao đao, đặc biệt khi kinh tế suy giảm. Chính vì thế, họ luôn cần những chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng tài năng.
( từ Viennamworks )