Nhiều mối quan tâm của thí sinh sau khi đã hoàn thành các bài thi tại kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 đã được ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH kiêm phó ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2009, giải đáp.
Ông Khôi cho biết chậm nhất ngày 31-7 các ĐH, học viện có tổ chức thi tuyển sinh phải hoàn thành công tác chấm thi và công bố kết quả thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực tiễn những năm qua cho thấy nhiều trường ĐH có số lượng thí sinh dự thi không quá lớn và hoàn toàn chủ động về đội ngũ cán bộ chấm thi, nhất là các trường chỉ tổ chức thi ĐH đợt I, khối A nên công tác chấm thi thường hoàn thành sớm và công bố kết quả trước thời hạn chung kể trên.
PV: Vậy khi nào Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn và các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn chính thức, thưa ông?
– Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, điểm sàn sẽ được công bố trước ngày 10-8-2009. Các trường chỉ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, danh sách thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, sau khi Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ cho từng khối thi tương ứng trình độ ĐH và CĐ.
Trước ngày 20-8 các trường gửi giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1; giấy chứng nhận kết quả thi ĐH hoặc CĐ số 1 và số 2 có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi cho thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ CĐ; phiếu báo điểm cho những thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn CĐ.
PV: Nếu muốn yêu cầu phúc khảo bài thi, thí sinh phải làm thủ tục như thế nào? Các môn trắc nghiệm có được chấm phúc khảo không, thưa ông?
– Nếu thấy kết quả thi các môn văn hóa không tương xứng với bài làm và đáp án, thang điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố công khai, thí sinh cần nộp đơn xin phúc khảo tại hội đồng tuyển sinh của trường đã dự thi. Đơn xin phúc khảo theo mẫu kèm lệ phí chấm phúc khảo theo quy định của nhà trường và nộp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày trường công bố điểm thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, các trường sẽ công bố kết quả chấm phúc khảo cho thí sinh.
Thí sinh có thể đề nghị phúc khảo cả ba môn thi và nộp lệ phí theo mức tương ứng. Đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh cũng được đề nghị chấm phúc khảo bài thi bình thường như đối với những môn tự luận. Chỉ riêng các môn năng khiếu sẽ không được phúc khảo.
PV: Bài thi của thí sinh sẽ chấm theo quy trình cụ thể như thế nào? Liệu có thể xảy ra những trường hợp do sơ suất trong khâu chấm thi, lên điểm làm ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh?
– Chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ được thực hiện theo quy trình chấm hai vòng độc lập, tại hai phòng chấm riêng biệt rất nghiêm ngặt. Trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài xem có đủ số tờ, đủ số phách không và gạch chéo tất cả phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết.
Khi chấm lần thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên những phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Đến lần chấm thứ hai, trưởng môn chấm thi bốc thăm người chấm. Và cán bộ chấm thi lần hai chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh, phải chấm điểm từng ý nhỏ, ghi rõ ra lề bài thi cạnh ý được chấm, cán bộ chấm thi cũng phải tính điểm thành phần và điểm toàn bài.
Sau hai lần chấm, bài thi của thí sinh sẽ được ban thư ký so sánh kết quả và xử lý. Nếu điểm toàn bài lệch từ 0,5-1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1-1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm phải đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm. Nếu điểm toàn bài lệch trên 1 điểm với môn khoa học tự nhiên và trên 1,5 điểm với môn khoa học xã hội thì trưởng môn chấm thi phải tổ chức chấm lần ba…
Theo TTO