Khát khao con chữ, chín năm qua, cậu bé Lê Hữu Bảo – học sinh lớp 9D trường THCS Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An), đã vượt hàng chục cây số để đến trường bằng cả hai “đôi chân” của mình. Bảo là một học sinh xuất sắc được thầy cô bạn bè mến phục.
Bò lê đi tìm con chữ
Không được may mắn như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa, từ khi mới sinh ra cậu bé Lê Hữu Bảo đã bị dị tật bẩm sinh. Đôi chân co quắp, teo tóp khuỳnh khoàng như rễ cây. Chạy hết tứ phương chữa trị, gia đình khánh kiệt cũng chỉ làm cho Bảo đứng được trên hai “đôi chân” của mình. Lên 5 tuổi, Bảo mới chập chững bò đi những bước “đi” đầu tiên. Nhiều lúc nhìn con vật vã lê từng bước, bố mẹ Bảo nhìn con như đứt từng khúc ruột.
Lớn lên, khi nhìn thấy những đứa bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Bảo khóc ú ớ không thành tiếng đòi mẹ đi học. Mỗi đêm anh chị học bài, cậu lại mon men tìm đến với ánh mắt thèm thuồng con chữ. Bảo mò mẫm đọc theo anh trai, với tư chất thông minh, cậu học thuộc bài nhanh hơn cả anh chị mình. Bảo nhận diện mặt chữ và đọc thuộc bảng chữ cái chỉ trong vòng 5 tháng học… “lỏm”.
Vốn là một gia đình thuộc diện đói nghèo ở xóm 5, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu – Nghệ An), anh Lê Hữu Hùng – một cựu chiến binh từ chiến trường Campuchia trở về – cũng phải gắng gượng cho con đi học để biết cái chữ. “Đời mình nghèo, nhưng phải cố gắng cho con đi học. Con nó đã thiệt thòi so với bạn bè rồi mà không được học cái chữ nữa thì đời nó tội lắm. Nó sáng dạ, học nhanh hơn cả anh chị”, anh Hùng tâm sự.
Nhà được duy nhất chiếc xe đạp cọc cạch làm phương tiện đi lại, nên mỗi buổi sáng anh Hùng phải tranh thủ chở con đến trường gần chục cây số rồi mới tất tả về đi làm. Nhưng cũng bữa được, bữa mất. Nhiều hôm vì đi làm xa, chiếc xe cà tàng của anh trở chứng chưa kịp đến đón, thì Bảo lại tự bò về. Về được đến nhà, quần áo Bảo lấm lem bụi đất, tay trầy xước rỉ máu vì va phải sỏi đá trên đường. Nhiều hôm trời mưa to, Bảo vẫn cứ nằng nặc đòi đi học, chiếc xe cà tàng trở chứng, hai cha con bì bõm giữa trời mưa mới đến được lớp, quần áo, sách vỡ ướt sũng, phải hong trên cửa lớp hồi lâu mới học được.
Gia đình quá nghèo, cả nhà nhiều hôm phải ăn khoai lang trừ bữa. Năm nay đã là một học sinh lớp 9 nhưng trông Bảo nhỏ thón như một cậu học sinh cấp 1. Dù vậy trên gương mặt gầy gò đen nhẻm ấy, nụ cười lạc quan vẫn luôn rạng rỡ như thách thức số phận.
Ước mơ của chiếc lưng gãy gập
Chín năm qua trên con đường đến trường, đôi bàn tay em đã chai sạn đi vì sỏi đá. Mỗi lần nhìn thấy em vui vẻ bò lê đến trường, nhiều ánh mắt tò mò xen lẫn lòng thương. Nhiều gia đình đã lấy Bảo làm gương để giáo dục con em mình, và bạn bè của Bảo cũng có thêm động lực để vươn lên.
Cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D của Bảo đã bao lần phải ứa nước mắt khi nhìn cậu học trò của mình vật vã đến lớp và say mê với từng con chữ. Đôi khi chưa viết xong bài văn, mồ hôi Bảo nhỏ xuống làm ướt nhoà cả trang giấy.
Cô Lâm cho biết, Bảo là một học sinh thông minh, ngoan ngoãn, luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh, mặc cảm để trở thành một học sinh xuất sắc. Nhà trường cũng đã có những món quà động viên, hỗ trợ cho em trong học tập. Tuy nhiên là một xã miền núi, nên cũng có rất nhiều hạn chế.
Hàng năm, Bảo luôn nhận được giấy khen về thành tích học tập cùng như tinh thần vượt khó của mình. Em còn được tham dự đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” thường kỳ. Với Bảo đó là niềm an ủi và động lực to lớn để em tiếp tục trên con đường đi tìm con chữ của mình.
Nhưng con đường đến trường với em giờ đây đang dần xa vời. Đôi tay ấy không thể bò lê đến trường như trước đây. Chiếc xe đạp cọc cạch cũng khó lòng trèo qua những ngon núi và hàng chục cây số đường rừng. Mỗi lần nhắc đến hai chữ “trường huyện”, Bảo lại đỏ hoe đôi mắt.
Chị Nguyễn Thị Liên, mẹ Bảo, tâm sự trong nước mắt: “Nhìn con nó ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, chúng tôi cũng phải cố gắng dù gia đình quá nghèo khó, nhưng năm tới lên cấp ba thì chúng tôi đành chịu thôi. Nếu có trung tâm nào giúp đỡ nhận em vào học, thì vợ chồng tui đỡ phải áy náy với con”. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Bảo bộc bạch: “Chân tay em què quặt, không lẹ (nhanh) như các bạn nên sau này nếu được đi học tiếp, em sẽ học vi tính thật giỏi để trở thành chuyên viên vi tính, ngồi một chỗ nhưng cũng có thể giúp đỡ bố mẹ”.
Nhìn cậu học trò hiếu thảo với đôi mắt lạc quan về tương lai phía trước, không ai có thể cầm lòng được khi nghĩ rằng rồi đây con đường đến trường của em sẽ bị dang dở vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nơi vùng quê nghèo hiếu học miền núi Quỳnh Tân, hàng ngày cậu bé Lê Hữu Bảo vẫn “lê” từng bước đến trường. Đôi tay ấy chai sần đi vì con chữ, vì những ước mơ mà em hằng ấp ủ…
Theo Duy Tuyên – Nguyễn Duy (Dân Trí)