Theo các chuyên gia quản trị nguồn nhân lực, dưới đây là 7 lý do chính khiến các nhân viên nên nghỉ việc.
– Cẩm nang cho người muốn thôi việc.
1. Công ty trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng, bị mất khách hàng, kinh doanh lỗ và có nhiều tin đồn rằng có thể đóng cửa hoặc phá sản. Sự thất bại của doanh nghiệp đang gần như chắc chắn.
2. Quan hệ của nhân viên với sếp bị tổn thương nghiêm trọng và không gì cứu vãn được. Lỗi có thể ở nhân viên hoặc do sếp. Cho dù lỗi là của ai, khi mối quan hệ đã không thể hàn gắn được thì tốt nhất là nhân viên ra đi.
3. Hoàn cảnh sống của nhân viên đã thay đổi. Chẳng hạn nhân viên mới lập gia đình và có con nhỏ, trong khi thu nhập hiện tại của người ấy không đủ để trang trải cho các nhu cầu của cuộc sống.
4. Những giá trị cá nhân của nhân viên không thể hòa hợp được với văn hóa của doanh nghiệp. Chẳng hạn công ty làm việc theo hệ thống cấp bậc nhưng nhân viên lại muốn gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong công việc của người khác. Không tìm được sự hòa hợp với văn hóa của doanh nghiệp thì trước hay sau, nhân viên cũng sẽ phải từ bỏ nơi làm việc.
5. Nhân viên không còn tìm thấy niềm vui và sự hứng thú trong công việc, có cảm giác nặng nề khi bắt tay vào công việc. Nếu tình trạng này kéo dài thì tốt nhất là nhân viên tìm công việc mới.
6. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ở công ty đang bị thử thách. Có thể các giám đốc đang nói dối với khách hàng về chất lượng của sản phẩm hay không thực hiện cam kết giao hàng đúng hạn. Có thể nhân viên đang cảm thấy nghi ngờ rằng doanh nghiệp của mình đang ăn cắp thông tin từ các đối thủ cạnh tranh. Cho dù đó là vấn đề gì, nếu xảy ra tình trạng thường xuyên vi phạm các chuẩn mực đạo đức thì nhân viên cũng dễ rời bỏ doanh nghiệp.
7. Nhân viên đã phá hủy các quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp nên không thể làm việc hòa thuận với nhau trong khi doanh nghiệp đề cao tinh thần làm việc đồng đội.
“Đây cũng là những mấu chốt để các doanh nghiệp cân nhắc nhằm xây dựng chính sách giữ lại nhân viên”
Là nhà quản trị doanh nghiệp, hẳn bạn luôn mong rằng các nhân viên của mình đạt được năng suất và hiệu quả cao trong công việc được giao. Hãy thực hiện những bước sau để thôi thúc nhân viên tăng tốc và đạt được phong độ tốt nhất trong những tháng cuối năm:
– Hỏi thăm về những mục tiêu phấn đấu của nhân viên trong giai đoạn cuối năm. Hãy xác định rõ những gì họ đã đạt được trong thời gian qua và đề nghị họ tự nhận xét về vị trí hiện tại cũng như những nỗ lực gì để hoàn thành kế hoạch công việc cả năm. Lúc này là thời điểm rất phù hợp để đánh giá kết quả công tác theo định kỳ hằng quý và còn là cơ hội để điều chỉnh kịp thời những chậm trễ, sai sót trong tiến trình hướng về đích của cả năm.
– Tạo ra những hoàn cảnh giúp nhân viên cảm nhận được giá trị thành công của bản thân. Có thể nêu một mục tiêu mới trong công tác hay một phương pháp làm việc mới nhằm nâng cao thành tích tính chung cả năm. Khi nhân viên cảm nhận được sự quan tâm của cấp trên đối với thành công của mình, họ sẽ có thêm động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất và chất lượng công việc.
– Khuyến khích, khen thưởng. Tìm kiếm, khơi dậy những điểm mạnh, những điều tích cực mà nhân viên đã làm cũng là một hành động rất có ý nghĩa của cấp trên. Đôi lúc, một email hay tin nhắn tỏ lời khen ngợi cũng thể hiện rằng bạn rất thấu hiểu thái độ làm việc tốt của nhân viên. Nếu có điều kiện khen ngợi nhân viên trước mặt mọi người, hãy tận dụng triệt để! Dành chút thời gian để chia sẻ kinh nghiệm đạt được thành công với các nhân viên cũng là một điều nên làm. Nên đánh giá lại kết quả hoạt động của doanh nghiệp sau ba quý để tuyên dương và tặng phần thưởng nhỏ cho vài cá nhân xuất sắc nhất.
– Gia tăng trách nhiệm và quyền hành cho nhân viên. Sẽ là một giải pháp thông minh nếu nhà quản trị thảo luận với các nhân viên chủ chốt về quyền hạn của họ trong quá trình thực thi trách nhiệm. Nếu quyền hành mới tỏ ra phù hợp với các công việc giao phó, hãy trao cho họ cơ hội để họ chứng tỏ năng lực bản thân trong quý còn lại.
Theo: (Entrepreneur/About.com/DNSGO)