1. Đối tượng tuyển thẳng được đăng ký bao nhiêu NV?
Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2008, mỗi học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng được đăng ký 3 NV theo thứ tự ưu tiên. Học sinh có thể đăng ký NV vào 3 trường khác nhau, mỗi trường 1 ngành hoặc cả 3 NV đều đăng ký vào 1 trường nhưng ở 3 ngành khác nhau.
2. Quy trình xét tuyển thẳng như thế nào?
Khi xét tuyển thẳng, trước hết ưu tiên xét theo nguyện vọng 1, nếu không được sẽ lần lượt chuyển sang nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Tổng số thí sinh được tuyển thẳng vào một trường hoặc một ngành của từng trường không vượt quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính qui của trường hoặc ngành đó.
Các trường, ngành có nhiều người đăng ký tuyển thẳng, trước hết sẽ xét chọn theo nguyện vọng 1 bắt đầu từ những học sinh đạt giải quốc tế, sau đó đến học sinh đạt giải quốc gia (từ giải cao trở xuống, nếu cùng loại giải thì từ người có điểm trung bình cao nhất trở xuống). Nếu còn thiếu chỉ tiêu thì lần lượt xét đến người có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng theo thứ tự ưu tiên như khi xét nguyện vọng 1.
Nếu cả 3 nguyện vọng đều không đạt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét bố trí học sinh vào những trường (ngành) còn chỉ tiêu tuyển thẳng. Sau khi Bộ GD-ĐT đã gửi kết quả đăng ký tuyển thẳng về Sở, sẽ không chấp nhận việc thay đổi nguyện vọng hoặc bổ sung thêm nguyện vọng mới.
Học sinh đạt giải được tuyển thẳng vào các ngành có môn thi tuyển sinh trùng với môn đạt giải. Riêng các ngành sư phạm chỉ tuyển thẳng học sinh có môn đạt giải trùng với ngành đào tạo.
3. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng muốn dự thi thì kết quả tính như thế nào?
Trong trường hợp học sinh đã đăng ký tuyển thẳng vào một trường, nhưng lại dự thi vào trường đó, thì việc xét trúng tuyển sẽ căn cứ vào tổng điểm các môn thi tuyển sinh và điểm thưởng.
4. Khi đăng ký tuyển thẳng cần lưu ý những gì?
Trước khi đăng ký NV tuyển thẳng vào một số ngành của một số trường Đại học và Học viện như Quan hệ Quốc tế, An ninh; các ngành Bác sĩ đa khoa, Răng Hàm Mặt của ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM. Ngành 453-tiếng Pháp, 451 tiếng Anh – Chuyên ngành Kinh tế đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương; Ngành 601-Sư phạm Ngữ Văn, ngành 602-Sư phạm Lịch Sử và ngành 603-Sư phạm Địa lý khối C của ĐH Sư phạm Hà Nội thí sinh cần cân nhắc thật kỹ, nhất là khi có ý định đăng ký tuyển thẳng theo NV1 vào những trường, những ngành mà chỉ những người đạt giải cao mới có khả năng được tuyển thẳng.
Đối với những trường Học viện An ninh, Cảnh sát, Phòng cháy Chữa cháy thuộc Bộ Công an chỉ tuyển thẳng những người đã đăng ký dự thi vào chính trường đó và đã qua sơ tuyển.
Đối với các ngành và các trường năng khiếu (Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc…) thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, nếu đạt yêu cầu sơ tuyển, được miễn thi các môn văn hoá, nhưng phải dự thi các môn năng khiếu và phải đạt điểm năng khiếu do trường qui định mới thuộc diện trúng tuyển.
Các thí sinh đăng ký vào các ngành và các trường Thể dục Thể thao, Hàng hải phải đạt yêu cầu qui định về tiêu chuẩn sức khoẻ, chiều cao, cân nặng và đạt yêu cầu tối thiểu về năng khiếu TDTT… đã được ghi trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008”; thí sinh thuộc diện năng khiếu TDTT đăng ký vào các trường sư phạm có môn đạt giải phải trùng với ngành đào tạo;
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển thẳng vào Khoa Giáo dục thể chất những thí sinh đạt giải năng khiếu các môn điền kinh, các môn bóng (trừ cầu mây) và yêu cầu về học lực: Xếp loại văn hoá năm cuối cấp hoặc tốt nghiệp THPT từ trung bình khá trở lên. Thí sinh diện năng khiếu TDTT đăng ký tuyển thẳng vào các trường, nhất thiết phải có quyết định cho đi học của Sở TDTT hoặc của Trung tâm huấn luyện, nơi quản lý vận động viên.
Đối với các thành viên đội tuyển quốc gia đã dự thi Olympic toán Đông Nam Á, Olympic Vật lý châu Á được xếp sau thành viên đội tuyển quốc gia đã dự thi Olympic Toán, Vật lý quốc tế. Thành viên đội tuyển quốc gia đã dự thi Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương, Hội thi tay nghề ASEAN được xếp sau học sinh đạt giải quốc gia.
5. Hồ sơ đăng ký tuyển thẳng như thế nào thì hợp lệ?
Mỗi học sinh đăng ký tuyển thẳng cần làm một bộ hồ sơ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 18/6/2008, bao gồm:
Một túi đựng hồ sơ. Mặt trước của túi là phiếu đăng ký tuyển thẳng. Mặt sau in hướng dẫn ghi phiếu đăng ký tuyển thẳng.
Trong túi đựng các giấy tờ:
– Giấy chứng nhận đạt giải quốc gia hoặc quốc tế (đối với học sinh đạt giải) do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp căn cứ thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu vào thời điểm đó đã có giấy chứng nhận đạt giải của Bộ thì nộp bản sao hợp lệ giấy chứng nhận này), giấy chứng nhận đạt giải hoặc huy chương, đẳng cấp vận động viên do Uỷ ban Thể dục thể thao hoặc Bộ Văn hoá cấp (đối với học sinh diện năng khiếu TDTT, nghệ thuật);
– Hai phong bì đã dán tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh, hai ảnh chân dung cỡ 4 x 6.
– Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2008.
6. Khi làm hồ sơ tuyển thẳng cần chú ý điểm gì?
Học sinh cần phải khai chính xác, đầy đủ, không tẩy xoá tất cả 7 mục trong phiếu đăng ký tuyển thẳng. Khi đã gửi hồ sơ về Bộ, học sinh không được sửa đổi nguyện vọng đã khai trong phiếu đăng ký tuyển thẳng.
7. Khi nào có kết quả tuyển thẳng?
Trước ngày 20/6, các Sở gửi hồ sơ và danh sách học sinh đăng ký tuyển về Vụ Đại học và Sau đại học -Bộ Giáo dục và Đào tạo (49 Đại Cồ Việt – Hà Nội) theo đường Bưu điện chuyển phát nhanh để Bộ tổng hợp, xét tuyển và thông báo kết quả tuyển thẳng tới các Sở trước ngày 30/6/2006.
(Theo Báo Dantri.com.vn)