1. Chú ý đến sự cạnh tranh: Nhiều trường đại học danh tiếng thường có tỉ lệ cạnh tranh giữa các sinh viên giỏi rất cao, tỉ lệ tuyển sinh chỉ khoảng 10%. Do vậy, khi quyết định xin học vào trường nào đó, bạn cần xem xét kết quả học tập, điểm thi tiếng Anh, khả năng chuyên môn và đánh giá xác suất mình được chọn.
Giả dụ, điểm học của bạn tốt thì bạn cũng không nên đăng ký vào toàn những trường có tỉ lệ cạnh tranh quá cao. Cách tốt nhất là nên đăng ký từ 5 – 10 trường, trong đó có 1 – 2 trường hạng nhất, một vài trường hạng trung bình và một số trường kém hơn để làm hành lang an toàn.
2. Chọn trường đại học được nhà nước hay tổ chức công nhận: Để được công nhận, một trường đại học phải trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo do các tổ chức được Nhà nước cho phép thực hiện. Đối với một số ngành kỹ thuật, kiến trúc, kinh doanh… thì trường có thể được Hiệp hội nghề nghiệp công nhận.
Nếu bạn xin được vào học tại một trường được công nhận thì bạn có thể chắc chắn rằng chất lượng giảng dạy của trường ít nhất sẽ đạt mức tối thiểu. Hơn nữa, học tại một trường được công nhận sẽ dễ dàng cho bạn trong việc chuyển tiếp sang các trường đại học khác hoặc học tiếp sau đại học.
3. Ngành học: Nếu bạn muốn học về kỹ thuật thì trường chuyên đào tạo khoa học và kỹ thuật sẽ phù hợp hơn là một trường nổi tiếng về khoa học xã hội nhân văn. Với những bạn chưa có quyết định cụ thể về ngành học của mình thì có thể đăng ký ngành học mở.
Ngoài ra, hầu hết các trường đều cho phép bạn chuyển sang một ngành học khác không phải ngành bạn đã đăng ký trong đơn nhập học của mình.
4. Môi trường và điều kiện sinh hoạt: Bạn nên tìm hiểu trước về khí hậu, môi trường, chi phí sinh hoạt tại nơi dự định học tập. Nếu bạn cảm thấy chưa phù hợp với mình thì cần cân nhắc về địa điểm của trường.
Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng khá quan trọng. Những trường đại học có quy mô lớn thì sẽ có trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu tốt hơn, các khóa học phong phú hơn và cộng đồng sinh viên đa dạng hơn.
5. Vấn đề “money”: Nếu tài chính hạn hẹp, bạn nên cân nhắc về học phí và những chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế.
Các trường đại học danh tiếng thường có những học bổng hỗ trợ như: học bổng bán phần, toàn phần, financial aid, merit – based… Mức hỗ trợ cũng tùy thuộc vào nguồn tài chính của từng trường nên có sự chênh lệch khá lớn từ vài trăm USD tới hàng chục ngàn USD.
Ngoài ra, bạn có thể tính đến chuyện đi làm thêm để trang trải phần nào chi phí nhưng nên nhớ, do hạn chế của thị thực sinh viên, các sinh viên quốc tế chỉ được phép làm thêm với thời gian nhất định (thường là 20 giờ/tuần).
Trí Kiên (Nguồn: Dân Trí)