Để được nhận vào học MBA tại các trường danh tiếng, ngoài việc vượt qua được vòng phỏng vấn và viết luận thì thư tiến cử của những người có uy tín cũng khá quan trọng. Đây tưởng như là việc đơn giản nhưng vẫn không ít người phạm sai lầm.
Với hầu hết những ai đã hoặc đang có ý định học MBA, ngoài việc phải chuẩn bị cho bài thi SAT, những bài luận và buổi phỏng vấn thì việc có được một bức thư tiến cử ưng ý cũng tốn khá nhiều thời gian. Để tăng thêm “sức nặng” cho bức thư tiến cử, không ít người cố tìm cho được những người có chức vụ thật “VIP” để đứng tên giới thiệu, với hy vọng trường đại học nước ngoài sẽ đánh giá cao nội dung đó.
Nhiều người khác thì tự soạn sẵn thư tiến cử rồi nhờ người khác ký tên giúp bởi họ lo rằng những người quyền cao chức trọng kia sẽ không có thời gian để viết giúp mình một bức thư đủ sức “thuyết phục” với người xét tuyển. Nhưng theo chuyên gia tư vấn tuyển sinh của trung tâm Paul Bodine Admissions Consulting, tại San Diego, Mỹ, đây chính là 2 trong số những sai lầm học viên MBA tương lai cần tránh.
1. Mượn danh những người quyền cao chức trọng:
Rất nhiều ứng viên thường lầm tưởng rằng chức vụ của người giới thiệu hoặc mối quan hệ của họ với trường kinh doanh mình ứng tuyển quan trọng hơn mối liên hệ giữa người đó với chính bản thân mình. Theo Bodine, tác giả của cuốn sách “Những đơn ứng tuyển xuất sắc vào trường kinh doanh”, thì điều đó cũng không mấy hữu ích.
“Các trường luôn chân thành khi họ nói muốn nhận được bức thư giới thiệu từ những người quản lý trực tiếp của ứng viên trong thời gian dài”, Bodine khẳng định. Bởi vậy việc nhờ người quyền cao chức trọng đôi khi không hiệu quả bằng việc nhờ chính những người lãnh đạo trực tiếp của bạn.
2. Khen ngợi nhưng cũng phải cụ thể:
Các ứng viên và cả những người giới thiệu thường có một thói quen xấu đó là coi việc viết thư giới thiệu như những bài tập đã có khuôn mẫu. Họ nghĩ rằng các trường kinh doanh “chỉ muốn thật nhiều những từ khen ngợi về những kỹ năng, tầm nhìn của ứng viên và người đó hầu như đạt được mọi mục tiêu đề ra”, Bodine nhận xét. Thay vào đó, các trường muốn biết “những chi tiết thực tế, những ví dụ thiết thực cho thấy ứng viên có những kỹ năng mà người giới thiệu miêu tả”.
3. Quá nặng về phán xét:
Các ứng viên cũng nên nhớ rằng rất nhiều người giới thiệu coi bức thư tiến cử như một báo cáo nhận xét về năng lực và họ có xu hướng gửi đi những bức thư: “quá khắt khe, khách quan mà thiếu sự ủng hộ”. Bởi vậy hãy thảo luận trước với người giới thiệu của mình để nội dung bức thư không quá nặng về khen ngợi nhưng cũng đừng quá khắt khe.
4. Thư tiến cử “ma”:
Rất nhiều ứng viên MBA hiện nay chọn cách tự viết thư tiến cử sau đó nhờ một người có chức vụ ký tên. Theo Bodine thì: “Kết quả của những bức thư tiến cử do chính ứng viên viết đó thường rất tệ”. Bởi đơn giản là các trường có thể kiểm tra ngược lại với người giới thiệu và dễ dàng biết được mối quan hệ thật giữa người giới thiệu và ứng viên. Khi đó bức thư giới thiệu lại trở thành bất lợi cho ứng viên.
Nguồn: dân trí