Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy định bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện trước khi ban hành chính thức. |
Theo đó, thực hiện chủ chương một trương trình, nhiều sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ tiêu chí khi được thông qua sẽ là căn cứ để các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiến hành thẩm định sách; Bộ GD-ĐT phê duyệt sách; định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách nhằm bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; Giáo viên và nhà trường tham khảo khi chọn sách đã được Bộ phê duyệt để dạy học trong trường. Bộ tiêu chí gồm 39 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm: Nhóm I Tiêu chí về điều kiện tiên quyết (4 tiêu chí); Nhóm II Tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (11 tiêu chí); Nhóm III Tiêu chí về nội dung kiến thức (14 tiêu chí); Nhóm IV Tiêu chí về hình thức và trình bày sách (8 tiêu chí); Nhóm V Tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học (2 tiêu chí) Việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách giáo khoa, phải dựa theo chương trình môn học do Bộ GD-ĐT ban hành và bảo đảm đồng thời hai nguyên tắc về điều kiện tiên quyết và nguyên tắc về ngưỡng tối thiểu. Để sách được đánh giá là “Đạt” thì tất cả các tiêu chí phải được đánh giá là “Đạt”, không có tiêu chí bị đánh giá 0 (không) điểm; đồng thời sách đạt ngưỡng tối thiểu đối với từng nhóm tiêu chí đánh giá, tức là Bộ tiêu chí đã đánh trọng số đối với các yêu cầu có mức độ quan trọng khác nhau (Yêu cầu cao đối với nội dung kiến thức; Mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong khi yêu cầu thấp hơn đối với hình thức sách, các tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học); đồng thời tổng thể sách phải đáp ứng mức chất lượng “Khá” trở lên (70%/tổng điểm). Bộ tiêu chí khuyến khích các Nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách có chất lượng cao nhất vì kết quả đánh giá sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn sách của các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh và học sinh (sách “Đạt” ở mức điểm cao hơn sẽ được lựa chọn nhiều hơn). |
Bộ tiêu chí gồm 39 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm:
Tiêu chí về điều kiện tiên quyết
Tiêu chí 1: Không trái với truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tiêu chí 2: Không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia.
Tiêu chí 3: Không có những định kiến xã hội về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, lứa tuổi.
Tiêu chí 4: Tuân thủ quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam về xuất bản, giáo dục, bản quyền, sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
Tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá
Tiêu chí 5: Quán triệt và thể hiện cụ thể, sinh động mục tiêu đã được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và mục tiêu chương trình môn học, nhất là mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Tiêu chí 6: Triển khai đầy đủ nội dung dạy và yêu cầu cần đạt đã quy định trong chương trình môn học.
Tiêu chí 7: Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra – đánh giá nêu trong bài học phải liên quan và hỗ trợ cho nhau.
Tiêu chí 8: Phản ánh và thể hiện rõ ràng những định hướng về phương pháp dạy và học đã nêu trong chương trình môn học; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, dễ vận dụng, phù hợp với thực tiễn của các cơ sở giáo dục.
Tiêu chí 9: Cấu trúc nội dung bài học tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp, nhất là các phương pháp giúp hình thành và phát triển năng lực học sinh.
Tiêu chí 10: Các bài học có yêu cầu hợp lý về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; sách từ cuối cấp THCS đến THPT có những gợi ý về đề tài và định hướng tập dượt nghiên cứu khoa học cho học sinh.
Tiêu chí 11: Cụ thể hóa được những định hướng về kiểm tra – đánh giá đã nêu trong chương trình môn học, giúp học sinh nắm vững nội dung bài học, làm quen và luyện tập có hiệu quả.
Tiêu chí 12: Các bài học nêu yêu cầu cần đạt một cách tường minh để làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực.
Tiêu chí 13: Các câu hỏi, bài tập bám sát mục đích, yêu cầu của bài học, yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học.
Tiêu chí 14: Các chỉ dẫn về nội dung, yêu cầu đánh giá tập trung vào thực hành, vận dụng kiến thức tổng hợp và các biểu hiện cụ thể của năng lực người học.
Tiêu chí 15: Các hình thức kiểm tra – đánh giá nêu trong sách cần phù hợp với đặc trưng môn học và yêu cầu phát triển năng lực học sinh.
Tiêu chí về nội dung kiến thức
Tiêu chí 16: Các lý thuyết khoa học, thuật ngữ, khái niệm, số liệu, sự kiện được nêu trong sách phải bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán.
Tiêu chí 17: Nội dung các bài học, các chủ đề học tập sáng rõ, đầy đủ; tiếp nối và nâng cao hợp lý; không chồng chéo, mâu thuẫn; trình bày logic, phản ánh được đặc thù của lĩnh vực/môn học/chủ đề học tập.
Tiêu chí 18: Phạm vi đề cập và khối lượng nội dung của sách phù hợp với trình độ phát triển của học sinh và bảo đảm yêu cầu tối thiểu, bắt buộc được quy định trong chương trình.
Tiêu chí 19: Nội dung sách được tổ chức theo hướng khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo, phù hợp với quy luật nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học.
Tiêu chí 20: Cách trình bày các quan niệm, quan điểm khoa học bảo đảm cho người học có nhiều cách tiếp cận, cách phân tích, lý giải vấn đề, hiện tượng, sự kiện; phát huy được tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh.
Tiêu chí 21: Kênh chữ và kênh hình chuyển tải được nội dung một cách hấp dẫn, tạo được hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học.
Tiêu chí 22: Các thành tựu khoa học mới liên quan đến lĩnh vực/môn học được lựa chọn, cập nhật đáp ứng hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Tiêu chí 23: Các vấn đề cần giáo dục mang tính quốc gia và toàn cầu như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác được quan tâm và thể hiện hợp lý.
Tiêu chí 24: Cách tiếp cận, phương pháp, kỹ thuật và các giải pháp khoa học – công nghệ hiện đại được thể hiện và vận dụng một cách hợp lý.
Tiêu chí 25: Những nội dung gần nhau của các phân môn trong môn học, các môn học và lĩnh vực được kết hợp, lồng ghép và làm rõ mối quan hệ, sự tác động lẫn nhau, không gượng ép, trùng lặp; thể hiện sinh động nội dung các chủ đề tích hợp liên môn đã quy định trong chương trình.
Tiêu chí 26: Bảo đảm các yêu cầu về vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực/môn học/phân môn để hình thành và phát triển năng lực học sinh.
Tiêu chí 27. Hệ thống các câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được biên soạn với các mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ các loại đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế, xã hội vùng miền.
Tiêu chí 28: Nội dung bài học thể hiện được yêu cầu phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, nhất là với THPT, thông qua các yêu cầu về độ rộng và sâu của tri thức, sự thành thạo kỹ năng và yêu cầu vận dụng, thực hành phù hợp với trình độ và sở thích của học sinh.
Tiêu chí 29: Nội dung các bài học thể hiện được vai trò, tác dụng, mối liên hệ, địa chỉ ứng dụng của tri thức đối với các lĩnh vực, ngành nghề trong thực tiễn.
Tiêu chí về hình thức và trình bày sách
Tiêu chí 30: Cấu trúc sách có đầy đủ các thành phần cơ bản và được sắp xếp một cách khoa học: giới thiệu chung, mục lục, hướng dẫn sử dụng sách, nội dung chính (phần/chương/chủ đề/bài học), các phụ lục, index cần thiết.
Tiêu chí 31: Cấu trúc của đơn vị bài học bảo đảm tỉ lệ cân đối, hài hoà giữa các thành phần: giới thiệu kiến thức mới, luyện tập, thực hành, kiến thức cốt lõi, kiến thức mở rộng và các thành phần khác.
Tiêu chí 32: Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt phổ thông (trừ sách ngoại ngữ, sách tiếng dân tộc ít người); văn phong trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với phong cách khoa học và đặc điểm tâm- sinh lý của học sinh.
Tiêu chí 33: Văn bản viết tuân thủ các quy định về chính tả tiếng Việt. Các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo lường tuân thủ các quy định của quốc gia và quốc tế.
Tiêu chí 34: Các trang sách cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, giữa các thông tin và khoảng trống; hệ thống tín hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ, độ dài của dòng và khoảng cách giữa các dòng được sử dụng hợp lý.
Tiêu chí 35: Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị phải rõ ràng, chính xác, cập nhật, chỉ rõ nguồn dẫn (nếu có); có ý nghĩa, liên quan và làm sáng tỏ nội dung bài học; sinh động, gợi được nhiều cảm xúc thẩm mỹ, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Tiêu chí 36: Kích thước, độ dày của sách phù hợp với đặc thù môn học và lứa tuổi học sinh; thuận tiện cho sử dụng và bảo quản.
Tiêu chí 37: Giấy in sách bảo đảm không quá trắng hoặc quá tối, không xuyên thấu chữ và hình ảnh qua hai mặt trang sách, có độ dai, độ mịn, định lượng hợp lý. Chất lượng giấy bìa và đóng xén bảo đảm độ bền cho sách.
Tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học
Tiêu chí 38: Sách cần có chỉ dẫn về tư liệu tham khảo; mô tả thiết bị dạy học và cách sử dụng bám sát chương trình, có tính khả thi.
Tiêu chí 39: Loại sách bắt buộc có học liệu đi kèm và có thiết bị dạy học tối tiểu theo quy định của chương trình thì phải biên soạn, mô tả và có hướng dẫn sử dụng chi tiết.
Theo: Lê Hà (Nhandan.com.vn)