Rất nhiều học sinh học tiếng Anh từ lớp 1 đến hết đại học, tức là 16 năm, vẫn không thể giao tiếp được tiếng Anh thành thạo.
Mặc dù nhiều chuyên gia đã tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này, tôi vẫn muốn đề cập đến 3 câu hỏi là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công trên con đường chinh phục tiếng Anh.
Bạn đã nghe và đọc đủ lượng chưa?
Ngôn ngữ là cách biểu đạt tư duy, suy nghĩ của mỗi cá nhân. Để nói được ngôn ngữ mẹ đẻ, đứa trẻ đã có khả năng cảm nhận ngôn ngữ từ khi còn phôi thai. Sau khi chào đời, đứa trẻ thường nghe hàng ngày ngôn ngữ đó, và thường mất 1-3 năm để có thể giao tiếp thành thạo. Thậm chí, có những bé cần đến 5-6 tuổi mới hoàn thiện kỹ năng nói để không nói ngọng hay dùng từ linh hoạt trong cấu trúc câu.
Hãy tạm tính một đứa trẻ nhanh nói nhất cũng mất 12 tháng, khoảng 8.760 giờ luyện nghe ngôn ngữ trước khi biết nói. Vậy rõ ràng, tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai, thì chúng ta thử suy nghĩ mỗi người học cần nghe bao nhiều giờ tiếng Anh mỗi ngày để có khả năng nắm bắt âm và nạp đủ một lượng từ nhất định cho việc sử dụng ngôn ngữ biểu đạt.
Về kỹ năng đọc, với ngôn ngữ mẹ đẻ, trẻ cần ít nhất một năm để học âm và luyện đọc thì mới đọc sách thành thạo. Trong năm năm tiểu học, trẻ tiếp tục được rèn luyện kỹ năng đọc văn bản, đọc chuyện, đọc to trước lớp và các kỹ năng đọc ghi nhớ kiến thức. Kỹ năng đọc đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin đầu vào để trẻ có đủ lượng kiến thức cho kỹ năng đầu ra là nói và viết. Nếu không thực hành tốt kỹ năng đầu vào thì thật khó có đủ lượng kiến thức và từ vựng để biểu đạt trong kỹ năng giao tiếp và viết.
Vì vậy kỹ năng đầu vào là nghe và đọc cần được duy trì thường xuyên như một kỹ năng tắm rửa hàng ngày ít nhất là 30 phút thì kiến thức của bạn mới trở nên phong phú và đa dạng.
Làm thế nào để nghe đúng và đọc tốt?
Nhiều bạn thắc mắc vì sao khi nghe chúng ta không bắt đúng âm và nhắc lại y như video được. Nếu chúng ta nhìn vào việc một đứa trẻ học nói bắt đầu từ việc nhắc các âm đơn trước khi bật từ thì sẽ thấy bước đầu tiên chúng ta cần trang bị là gì? Ví dụ, đứa trẻ sẽ bật âm “b” trước khi bật rõ chữ “ba”. Chưa kể lượng thời gian nghe kể trên, đứa trẻ cần bật chính xác âm trên.
Tương tự, người học tiếng Anh nếu muốn nghe tốt thì hãy nhắc lại chính xác các từ nghe được. Tuyệt vời hơn nếu người học được học phát âm hệ thống âm tiếng Anh gồm 42 âm.
Việc phát âm đúng các âm tiếng Anh đòi hỏi những yêu cầu và kỹ thuật hoàn toàn khác tiếng Việt. Trong tiếng Việt không có sự phân biệt rõ ràng giữa việc sử dụng vị trí cấu âm cho các âm khác nhau trong khi tiếng Anh thì có. Ví dụ, trong tiếng Anh có âm sử dụng vị trí cấu âm răng – môi (f, v), mũi – họng (âm từ họng nhưng hơi ra qua mũi như n, ng, m), răng – lưỡi (như t, th).
Ngoài ra để có đủ hơi đọc đoạn dài tiếng Anh, thì người học cần học cách lấy hơi từ bụng đẩy lên chứ không phải đơn thuần sử dụng âm vòm miệng như tiếng Việt. Việc luyện tập thực hành các âm đơn chuẩn sẽ giúp người học nghe và nhắc lại chính xác từ, câu.
Đọc là một nguồn cung thông tin đầu vào vô cùng lớn cho kỹ năng nói và viết. Nó không chỉ giúp chúng ta lĩnh hội kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau mà còn cung cấp cho người học các cấu trúc câu đa dạng, lượng từ vựng phong phú, cấu trúc ngữ pháp hay. Nói cách khác, thông qua đọc, những kiến thức sẽ vô thức đi vào trí nhớ và làm đầy thêm tri thức của bạn. Tốc độ đọc từ đó cũng tăng lên như chúng ta đọc truyện ngắn tiếng Việt, khả năng nhận diện mặt chữ cũng cải thiện đáng kể.
Nếu người học muốn tốt hơn, họ có thể rèn đọc câu chuyện hay đoạn thông tin to lên như cách tập đọc của các bạn học sinh tiểu học. Điều này giúp các học viên tự tin và luyện phát âm chính xác.
Hãy đọc đa dạng các chủ đề, các lĩnh vực khác nhau. Điều này rất hữu ích khi bạn nghe một chủ đề mà bạn đã từng đọc, nó làm cho bạn dễ nắm bắt thông tin và nhắc lại chính xác hơn.
Bạn có môi trường thực hành nói và viết chưa?
Giống như bất cứ một ngôn ngữ nào, khi đủ lượng nhất định về thông tin đầu vào thì việc có môi trường sử dụng ngôn ngữ là điều hết sức quan trọng giúp người học sử dụng ngôn ngữ thành thạo. Tuy nhiên ở Việt Nam không phải lúc nào chúng ta cũng có môi trường để thực hành. Vậy chúng ta cần tạo ra môi trường cho chính mình như thế nào để tăng khả năng sử dụng kiến thức đã học?
Hãy ghi nhớ rằng, bất cứ thông tin nào chúng ta nghe được hay đọc được thì các bạn cũng hãy chắc chắn rằng chúng ta đều tóm tắt được trên giấy hay chia sẻ với mọi người được. Bạn không nhất thiết sáng tạo ra một thông tin gì đó mới, mà thực sự bãy bắt đầu từ những điều bạn đọc và nghe.
Với kỹ năng nói, trước khi bạn định gặp ai đó để luyện tập nói tiếng Anh cùng nhau, bạn có thể tự luyện tập bằng cách đứng trước gương, nhìn mình trong gương để nói về các chủ đề mình học. Bạn có thể giới hạn thời gian cho mỗi chủ đề. Việc nhìn vào gương cũng giúp bạn tăng thêm tự tin khi giao tiếp, nhận diện ra xúc cảm biểu hiện trên gương mặt mình khi nói, từ ánh mắt đến nụ cười. Ngoài ra bạn có thể tận dụng việc di chuyển trên đường để luyện tập kỹ năng nói này mà không ngại đối mặt với người khác.
Kỹ năng viết tồn tại song song và bổ trợ cho kỹ năng nói. Bạn hãy tận dụng các thông tin nghe, đọc được để tóm tắt nó. Ban đầu bạn có thể cảm thấy thật khó khăn khi viết, nhưng hãy bắt đầu tóm tắt thông tin từ 1 câu, rồi 2 câu, hay 3 câu, rồi cứ thế tăng lên. Việc tóm tắt và viết lại này giúp bạn ghi nhớ thông tin vừa nạp, và sử dụng cấu trúc, từ vựng chủ đề đó để luyện tập.
Hãy viết bất cứ khi nào bạn muốn, kể cả việc nghi lại nhật ký hàng ngày. Điều này giúp bạn cải thiện rất nhiều việc sử dụng ngôn ngữ biểu đạt mà không cần ngồi nhẩm từng cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng riêng biệt.
Một điều quan trọng hơn tất cả dẫn đến sự thành công của mỗi người sử dụng thành thạo tiếng Anh là biến mục tiêu ngôn ngữ thành thói quen hàng ngày. Khả năng biểu đạt ngôn ngữ không phải là thiên bẩm hay tài năng mà đơn giản được quyết định bởi thói quen sử dụng ngôi ngữ và môi trường tương tác.
Theo: Chu Thị Vân Anh (MA TEFL, ĐH Birmingham,Founder of Outdoor Engagement Community)/(Học tiếng Anh/VNN)