Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký quyết định giao nhiệm vụ cho Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM (UEF) đào tạo ngành quản trị nhân lực, trình độ ĐH hệ chính quy, mã ngành D340404.
Theo đó, năm 2016, nhà trường tổ chức tuyển sinh ngành quản trị nhân lực theo hai phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và Xét tuyển học bạ THPT (lớp 12) với các tổ hợp môn toán – lý – hóa, toán – lý – tiếng Anh, toán – văn – tiếng Anh và văn – sử – địa.
Chỉ tiêu ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu chung của trường.
Chương trình đào tạo quản trị nhân lực trình độ ĐH được triển khai trong vòng 4 năm. Sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức tổng quan về quy trình phát triển nguồn “tài nguyên” con người, xác định nhân lực tiềm năng trong từng lĩnh vực; nắm bắt được các khâu về hoạch định, tổ chức, vận hành cũng như thay thế nhân sự trong những loại hình hoạt động kinh tế khác nhau; các kiến thức về luật lao động, luật hoạt động doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi người lao động…thông qua các môn học tiêu biểu như:Hành vi tổ chức, Văn hóa doanh nghiệp, Quản trị nhân sự,Quản trị thành tích, Tuyển dụng và phát triển, thiết kế hệ thống lương bổng và phúc lợi,…
Song song đó, sinh viên có cơ hội tích lũy những bài học sinh động về nghệ thuật lãnh đạo, kỹ năng phỏng vấn nhân sự; kỹ năng phân tích tâm lý, hành vi, tính cách con người…
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính (UEF) cũng dự kiến mở các ngành: Quản trị khách sạn, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, thương mại điện tử. Trường xét tuyển các ngành này dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu) và học bạ THPT (30% chỉ tiêu).
Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn đang phát triển mạnh mẽ và được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Với đà tăng trưởng cả về số lượng và quy mô của các công ty du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn hiện nay, có thể thấy nguồn nhân lực cho ngành này đang ngày càng được quan tâm, mở ra hàng ngàn cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra, ngành thương mại điện tử mở ra còn để đáp ứng xu hướng lựa chọn internet làm kênh mua sắm và giao dịch ngày một lớn mạnh.
Việc làm triển vọng 10 năm tới
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong giai đoạn 2015-2020 đến năm 2025, tổng nhu cầu nhân lực, các n hóm nghề kỹ thuật công nghệ chiếm 35%,nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng – pháp luật – hành chính chiếm 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 7%… Cụ thể, trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP HCM 10 năm tới, điện tử – công nghệ thông tin chiếm tỉ lệ ngành nghề cao nhất trong tổng số việc làm với 6%, xếp sau là chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – nhựa cao su và cơ khí.
Đáng chú ý, trong 9 nhóm ngành dịch vụ, ngành có tiềm lực phát triển cao nhất là du lịch – chiếm 8% tổng nhu cầu nhân lực, giáo dục xếp thứ 2 với 5%, tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm và y tế đều chiếm 4%; các ngành thương mại, dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đều chiếm 3% tổng nhu cầu nhân lực. Đối với nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề khác, truyền thông - quảng cáo - marketing, dịch vụ - phục vụ, dệt may – giày da – thủ công mỹ nghệ dẫn đầu.
Theo: (Giáo dục/NLDO)