(Hiếu học). Khiêm tốn khi nói về bản thân và rất giản dị trong cách ăn vận, Nguyễn Minh Phương dễ dàng khiến mọi người bị “sốc” khi tình cờ biết được thành tích học tập, hoạt động xã hội đáng nể của mình. (Nguyễn Minh Phương – Ảnh do nhân vật cung cấp).
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, thời thơ ấu của Phương (tên ở Mỹ là Caroline Nguyễn) là những tháng ngày rong chơi cùng chúng bạn ở những khu nông trại bạt ngàn. Tuy khu vực có rất ít người Việt sinh sống nhưng Phương và các thành viên trong gia đình vẫn duy trì thường xuyên những thói quen, văn hóa của người Việt. Dẫu tự học nhưng vốn tiếng Việt của Phương đủ khiến người nghe ngạc nhiên.
Nguyễn Minh Phương sinh năm 1985 tại tiểu bang New Hampshire (Mỹ). Hiện cô đang theo học chương trình tiến sĩ luật tại Đại học New York, song song đó là chương trình thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Stern, New York.
Phương có thể sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ: Anh, Pháp, Việt. Cô từng làm việc cho các tập đoàn lớn, từng du lịch, làm việc và hoạt động từ thiện khắp năm châu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Morocco, Thái Lan, Nam Phi…).
Ngay từ nhỏ Phương đã nổi tiếng trong giới trẻ cùng trường bởi sự ham học cũng như trí thông minh của mình. Thành tích của Phương rất nhiều nhưng nổi bật nhất là việc Phương lọt vào chung kết cuộc thi tài năng toán học Intel năm 2001 khi đang là học sinh cấp III, sau đó được cấp học bổng vào thẳng ngôi trường nổi tiếng hàng đầu thế giới Princeton (chuyên ngành tài chính) để rồi tốt nghiệp khi tuổi vừa bước vào đôi mươi.
Ở môi trường mới, Phương tình cờ quen một vài người bạn gốc Việt và được họ giới thiệu về Truyện Kiều (Nguyễn Du) cũng như những câu chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc, về sự phát triển của âm nhạc, cuộc sống của quê hương… tất cả khiến Phương cảm thấy sợi dây tình cảm giữa mình và quê hương như đang dần được thắt chặt lại.
Tuy hiện rất bận rộn vì phải theo học cùng lúc hai trường đại học cũng như lịch làm việc dày đặc ở các tập đoàn lớn, Phương vẫn cố gắng dành thời gian tham gia các diễn đàn du học Việt để hướng dẫn sinh viên cách viết bài luận đạt kết quả tốt nhất, cách thuyết phục hội đồng tuyển sinh các trường hàng đầu cũng như sát cánh cùng các bạn tân sinh viên Việt mới vào Trường Princeton… Phương cũng tranh thủ “quảng bá” hình ảnh sinh viên gốc Việt đến nhiều giáo sư, đồng nghiệp của mình mỗi khi có cơ hội.
Nói về hai chữ Việt Nam, ánh mắt Phương lộ rõ vẻ hào hứng. Phương khẳng định dù may mắn vì đã có cơ hội đi chu du khắp mọi nơi, nhưng chưa nơi nào khiến cô cảm thấy hạnh phúc và yên bình như khi trở về Việt Nam. “Thật sự mà nói tôi cảm thấy từ món ăn, văn hóa và ngôn ngữ Việt… tất cả đều như rất đỗi quen thuộc. Thậm chí tôi còn ghiền món ăn Việt hơn cả đồ Mỹ dẫu mới về Việt Nam được ba lần, và tôi cũng sẽ chọn một người con trai gốc Việt để dựa vào mà thôi” – Phương bẽn lẽn thú nhận.
Hỏi Phương về điều trăn trở nhất thời điểm hiện tại, bạn cho biết việc giới trẻ trong nước đang bị ảnh hưởng nặng văn hóa của phương Tây là điều khiến Phương suy nghĩ nhiều nhất. Nhưng đúc kết lại, Phương nở một nụ cười thật tươi: “Nói vậy chứ tôi lạc quan khi nghĩ về hình ảnh giới trẻ Việt và sự phát triển của quê hương trong tương lai. Hi vọng mỗi lần về thăm quê nhà là thêm một lần niềm tự hào trong tôi được dâng lên…”.
Theo: 20 tuổi tốt nghiệp Đại học Princeton (CÔNG NHẬT/TTO).