Một thằng nhóc tóc hung nghịch ngợm năm cuối trung học, từng viết virus và bị mắng te tua nhưng vẫn đạt giải nhất cuộc thi lập trình do Đại học Northern Arizona tổ chức. Không ai ngờ rằng, vài năm sau chính thằng nhóc ấy đã làm cả một nền công nghiệp với lợi nhuận 12 tỷ USD/năm trên toàn thế giới, bị lung lay tận gốc bởi phần mềm nghe nhạc mang tên Winamp.
Năm 1995, Frankel một nhóc con tóc hung mới 16 tuổi, đang học năm cuối trung học và đang chạy nước rút trong cuộc thi lập trình do Đại học Northern Arizona tổ chức. Bỏ xa các đối thủ trong cuộc thi, rảnh rỗi, Frankel bèn “giải trí” bằng cách viết một “quả bom” tin học – một chương trình liên tục tự nhân đôi thành bản sao của chính nó và cuối cùng làm tê liệt cả hệ thống máy tính của trường đại học. Bị người quản trị mạng mắng cho một trận nên thân, Frankel cúi đầu nhận lỗi và dù thế, cậu vẫn được nhận giải nhất của cuộc thi đó.
Sau sự việc trên, Frankel vẫn không bỏ được thói “nghịch ngợm”. Vài năm sau, thay vì làm tê liệt hệ thống máy tính một trường, cậu làm “tê liệt” cả nền công nghiệp ghi âm và sản xuất băng đĩa với phần mềm nghe nhạc MP3 Winamp. Frankel đã xây dựng một công ty riêng quanh sản phẩm phần mềm độc nhất ấy và bán cả công ty cho tập đoàn Internet American Online với giá 70 triệu USD lúc vừa bước vào tuổi 20.
Tại sao phần mềm nằm gọn trong một đĩa mềm của Frankel làm rúng động cả nền công nghiệp khổng lồ ? Muốn hiểu được điều ấy, phải nhìn lại một giai đoạn trong lịch sử của việc số hoá âm thanh.
Năm 1987 (khi Frankel lên 8), một công ty kỹ thuật của Đức tên là Fraunhofer Schaltungen thiết kế được một tiêu chuẩn nén âm thanh gọi là MPEG-1 Audio Layer 3, viết tắt là MP3. Khi thiết kế tiêu chuẩn này, các kỹ sư Đức muốn giải quyết việc phát âm thanh kỹ thuật số trên mạng. Các tập tin âm thanh có chất lượng cao như CD vốn quá lớn và truyền tải quá chậm, kỹ thuật MP3 sẽ giúp nén các tập tin này lại sao cho vẫn giữ được chất lượng âm thanh cao mà dung lượng tập tin vừa đủ nhỏ (chỉ khoảng 1/10 tập tin gốc) để có thể truyền dễ dàng qua đường dây điện thoại. Tuy nhiên, do máy tính và modem thời đó quá chậm nên gần như kỹ thuật mới này chẳng gây được sự chú ý nào.
Đến giữa thập niên 1990, khi đường truyền Internet cao tốc xuất hiện và các trường đại học trên thế giới bắt đầu sử dụng đường truyền này để phục vụ giảng dạy, học tập thì MP3 trở thành tiêu chuẩn số một để nén nhạc CD. Thế nhưng muốn phổ biến nhạc nén kiểu MP3 thì phải có một phần mềm giúp các máy tính phát được các tập tin này. Các phần mềm thời đó thường dùng những giao diện Unix hay Windows vừa phức tạp, vừa không có cá tính. Ít nhất thì đó cũng là quan điểm của Justin Frankel trong suốt hai học kỳ ở Đại học Utah. Trong năm học đầu tiên ở đại học (1996), chẳng mấy khi Frankel đến lớp. Chàng trai này tự giam mình trong phòng ký túc xá, gặm bánh quy trừ cơm để ôm chiếc máy tính Pentium 166, miệt mài nén nhạc, đưa lên mạng, tải xuống máy rồi lắng nghe. Hết hai học kỳ, do buồn chán và nhớ nhà Frankel bỏ học, trở về với gia đình ở Sedona, Arizona.
Riêng MP3 trở thành ám ảnh, cậu muốn làm một phần mềm nghe nhạc MP3 hay hơn và nảy sinh ý định viết một phần mềm nghe nhạc MP3 có hình thức như một giàn máy hi-fi ở nhà, có âm thanh nổi, tiếng ngân cùng nhiều cách tinh chỉnh âm sắc. Phần mềm đó còn phải có khả năng chọn bài hoặc phát theo thứ tự ngẫu nhiên như một đầu máy CD phổ thông. Thế là, Frankel tiếp tục rúc vào phòng, mỗi ngày ngồi lỳ trước máy tính suốt 12 giờ để lập trình, chân gác lên chiếc loa bass đặt dưới gầm. Thỉnh thoảng, mẹ cậu phải vào lôi rồi đẩy cậu ra ngoài trời cho cậu thư giãn. Tháng 4-1997, Winamp 1.0 của Frankel hoàn thành.
Đó là một phần mềm làm đảo lộn mọi thứ vì quá hoàn thiện – bản thử nghiệm đầu tiên toàn hảo như một sản phẩm chuẩn bị tung ra thị trường. Frankel đưa phần mềm Winamp của mình lên trang Web cá nhân để phổ biến miễn phí. Nếu dùng thử mà hài lòng thì có thể gửi cho Frankel 10 USD. Chỉ trong vòng một tháng từ ngày được đưa lên mạng Internet, mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt khách vào thăm trang web của Frankel, tải Winamp về dùng thử. Chỉ trong vòng 18 tháng, Winamp được tải xuống 15 triệu lần.
Phải là một thiên tài về kỹ thuật mới có thể phát triển một khái niệm mơ hồ thành một phần mềm ứng dụng thu hút được 15 triệu người dùng trong thời gian ngắn như thế ! Con số ấn tượng ấy còn cho thấy rằng, chỉ cần một phần nhỏ số người dùng thử ấy gửi cho Frankel 10 USD thì số tiền mà cậu thu được cũng hết sức đáng kể. Chưa kể lượng người ào ạt truy cập vào trang web của Frankel còn giúp cho anh chàng tóc hung này thu được 8.000 USD/tháng nhờ các hãng khác xin được quảng cáo trên trang web của anh. Frankel dùng số tiền đó lập một công ty tên là Nullsoft để phát triển và bán phần mềm Winamp. Cậu tuyển thêm một số bạn đồng trang lứa để hỗ trợ mình điều hành trang web, duy trì cơ sở dữ liệu của người sử dụng Winamp. Cha cậu, ông Charles – vốn là một luật sư, trở thành người tư vấn pháp lý cho công ty Nullsoft của con trai.
Học sinh, sinh viên trên khắp thế giới đã tưng bừng chào đón Winamp. Một trong những yếu tố khiến Winamp hấp dẫn giới trẻ là khả năng cho phép người dùng thay đổi hình thức của phần mềm để Winamp có thể mang vô vàn hình dáng từ chú chuột Mickey cho tới Marylin Monroe. Rồi vì cô cậu nào cũng muốn có nhạc MP3 để nghe với Winamp của mình nên việc trao đổi các tập tin MP3 nén từ đĩa nhạc CD tăng vọt trước sự hoảng hốt của các hãng ghi âm và sản xuất băng đĩa. Cả một thế hệ học sinh – sinh viên khắp thế giới đang tin rằng âm nhạc là một phương tiện miễn phí. Một số hãng như Diamond Multimedia, Creative đã tung ra thị trường những máy nghe nhạc MP3 trông giống những máy Walkman nghe cassette phổ thông để người dùng có thể nạp nhạc MP3 từ máy tính hay từ Internet để nghe. Các máy này bán chạy như tôm tươi. Sau đó hàng chục phần mềm nghe nhạc MP3 ra đời nhờ gợi ý từ thành công của Winamp. Ngay cả Micrsoft dù kiên trì đeo đuổi và quảng cho công nghệ nén âm thanh WMA của mình, cũng buộc phải tích hợp tính năng nghe nhạc MP3 vào phần mềm Media Player của hệ điều hành Windows.
Thống kê của Hiệp Hội Công Nghệ Ghi Âm Hoa Kỳ (Recording Industry Association of America – RIAA) cho thấy giới trẻ từ 15 đến 25 tuổi ngày nay mua đĩa nhạc CD ít hơn hẳn giới trẻ cùng độ tuổi ở những năm trước. Thậm chí tại một khu đại học có đường truyền Internet cao tốc, 75% sinh viên đã tham gia nén nhạc MP3 từ mọi đĩa CD mà họ vớ được và đưa lên mạng để trao đổi. Cary Sherman – Tổng Thư ký của hiệp hội RIAA thở vắn, than dài: “Internet đang đánh gục công nghiệp âm nhạc!”. Lỗi không phải do kỹ thuật nén âm thanh MP3, cũng chẳng phải của Justin Frankel. Tuy nhiên Frankel với Winamp và hàng loạt các trình nghe nhạc nén MP3 khác đã tạo ra một cú hích khiến nền công nghiệp băng đĩa phải tỉnh ngộ và bắt đầu nỗ lực cải tiến.
Theo Tầm nhìn