(hieuhoc_hieuhoc.com) Gặp phải kẻ “thôi miên” lừa đảo, hoặc bị cưỡng bức, hoặc có sự cố hỏa hoạn… là những nguy hiểm vẫn có thể xảy ra bất ngờ. Vậy khi đối mặt với nguy hiểm, bạn biết cách xử trí hay chưa? – Trong nhiều trường hợp, những thói quen đơn giản và biết cách thoát hiểm có thể cứu cuộc sống của chúng ta.
=> 10 Kỹ năng thoát hiểm có thể cứu bạn (phần 1)
8. Thoát khỏi môi trường hổn loạn khẩn cấp
Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
– Bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra (sự chính xác của thông tin, loại sự cố: cháy, nổ, sập công trình…). Lưu ý những hậu quả của sự cố trực tiếp (khói, khí độc từ vụ hỏa hoạn). Bạn hãy quan sát hướng bay lên của khói để xác định hướng đi cho mình.
– Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bạn bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.
– Quan sát xung quanh tìm những vị trí bạn đã định vị sẵn (như tòa nhà, công viên… hay cửa thoát hiểm gần nhất) và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.
– Quan sát xung quanh để tìm những nhân viên cứu hộ, cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn bạn. Cũng có những người đang ở vị trí cao hơn bạn (trên cây, bờ tường…) và từ vị trí này họ quan sát tốt hơn và xa hơn. Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.
– Nếu bạn chắc chắn đang kẹt cứng trong một đám đông, bạn đừng cố gắng đi ngược lại dòng người. Điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác và bạn sẽ bị ngã. Nếu bạn bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn. Tốt nhất bạn hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa bạn đi, bạn đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.
– Cuối cùng, bạn hãy ghi nhớ rằng: Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi thảm họa, đó là: Sự bình tĩnh. Hãy để sự bình tĩnh đưa bạn đến sự phán đoán và hành động chính xác nhất.
9. Bị xoáy vào dòng chảy xa bờ khi tắm biển
Dòng nước rút hay dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Chúng ta biết là sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ nhưng, khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì, chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.
Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị xoáy vào dòng nước chảy xa bờ:
– Bình tĩnh. Không hoảng loạn
– Không cố bơi ngược dòng chảy xa bờ
– Đối với người bơi giỏi, nếu tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ vùng có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn trở lại vào bờ
– Đối với người bơi yếu, bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
– Nếu dòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
– Một lần nữa, bất cứ khi nào thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
Để giảm nguy cơ rơi vào dòng chảy xa bờ, cần có những hiểu biết về chúng, biết cách nhận dạng và không nên bơi trong hoặc gần dòng chảy xa bờ. Đặc biệt, nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn. Cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm. Ngoài ra, cũng cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu không chắc thì không nên xuống biển tắm.
10. Đừng bao giờ tin tưởng người lạ.
“Sự thật đơn giản là không thể tin tưởng một người nào đó mà bạn không biết. Bởi bạn có thể bị lừa đảo và mất tài sản”.
Một số vụ cướp tài sản gần đây dùng hình thức ám thị gần giống như kỹ thuật thôi miên, thực chất là thủ đoạn đánh vào điểm yếu cả tin của người đối diện. Kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý lo lắng về sức khỏe, bệnh tật đối với những người dễ bị ám thị, nhẹ dạ, cả tin hoặc sử dụng “đòn tâm lý”, dùng lời nói, ánh mắt để thuyết phục đối tượng tin rồi đưa tài sản cho chúng. Những người thực hiện thường có khả năng ăn nói thuyết phục, lưu loát và liên tục quan sát thái độ, cử chỉ của nạn nhân. Chỉ cần bạn bị cuốn hút vào câu chuyện là mục đích của những đối tượng này thành công.
Trong năm qua, cơ quan luật pháp cũng đã bắt một nhóm người chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng “chiêu thức” này. Họ thường nhắm đến các bạn trẻ có điều kiện kinh tế khá giả, lân la làm quen, tìm hiểu thông tin sau đó “thôi miên” để chiếm đoạt tài sản. Vì thế, nên đề cao cảnh giác, không nên tiết lộ thông tin nhân thân, gia đình cho người lạ biết.
Tiến hành được một vụ lừa đảo bằng thuật thôi miên, kẻ gian sẽ phải mất nhiều thời gian. Đồng thời còn phụ thuộc vào nạn nhân có phải là người “dễ tin” hay không. Đối với những trường hợp bị lừa mất tài sản chỉ trong vài phút khi gặp mặt, nạn nhân thường rơi vào trạng thái không biết mình đang làm gì cho đến khi kẻ lừa đảo đi xa rồi mới tỉnh ra. Không loại trừ đối tượng lừa đảo dùng một thứ hương liệu (có thể là thuốc nước, mùi hương) tẩm vào đồ vật huơ qua mặt nạn nhân gây mê muội, làm mất ý chí tạm thời của người bị hại.
Tóm lại, không cứ gì là kẻ thôi miên lừa đảo hay không, cũng đừng bao giờ tin tưởng, hào hứng bắt chuyện ngay với người lạ khi chỉ có một mình. Nhất là cảnh giác, đừng để tâm trí bị cuốn hút vào những lời đường mật (chẳng ai cho không bạn cái gì đâu!). Một khi đã có chủ ý “không tin” ngay từ đầu, bạn sẽ không dễ bị tác động và khi cảm thấy không thắng được sự vững vàng của bạn, khó tiếp cận bởi thái độ “không tin” của bạn, chúng sẽ rút lui.
Gia Kỳ tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)