10 gương mặt Quả cầu vàng 2010.

(Hiếu học) Giải thưởng Quả cầu vàng nhằm tôn vinh các tài năng tin học trẻ, động viên thanh thiếu niên học tập nghiên cứu đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào ứng dụng trong thực tiễn. Giải thưởng do T.Ư Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2003. Năm 2010 này, 10 cá nhân đoạt giải thưởng “Quả cầu vàng” đều đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và ứng dụng CNTT, được các cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế ghi nhận, có giá trị khoa học, kinh tế – xã hội.

10 gương mặt Quả cầu vàng 2010.

10 gương mặt được nhận “Quả cầu vàng” năm nay gồm có: TS Phạm Ngọc Hùng – giảng viên khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội, ThS Lưu Đình Hiệp – phó giám đốc Trung tâm CNTT địa lý Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kỹ sư Ngô Văn Mạnh – giải nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt CNTT năm 2010, ThS Nguyễn Huy Dũng – văn phòng Bộ TT-TT, ông Lê Nguyễn Hồng Phương – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CNTT BIT tỉnh Bình Dương, kỹ sư Nguyễn Đồng Long – phó giám đốc VNPT Hưng Yên, Trịnh Trần Đăng Khoa – sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TP.HCM, Trần Hải Đăng – sinh viên Trường ĐH FPT, Đỗ Ngọc Tuấn – sinh viên ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội và Lê Nguyễn Ánh Dương – sinh viên ĐH Ngân hàng, đại diện nữ duy nhất, một sinh viên thuộc khối ngành kinh tế lần đầu tiên góp mặt đoạt giải thưởng này.

TS Phạm Ngọc Hùng (GV khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội)

Xuất thân trong một gia đình ngư dân nghèo ở làng chài Thạch Kim (Thạch Hà, Hà Tĩnh), TS Phạm Ngọc Hùng (SN 1979) giờ đã là chủ nhân của 20 công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Đặc biệt, anh còn là chủ của nhiều công trình nghiên cứu về kiểm chứng phần mềm, lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Anh kể, hồi nhỏ rất yêu biển và thường đi biển kiếm sống để trợ giúp cha mẹ. Ham học nhưng không có thời gian để học, đi biển anh cũng tranh thủ mang theo sách. Anh học theo bản năng rồi đỗ ĐH Quốc gia Hà Nội ngành CNTT (nay là ĐH Công nghệ). “Đây là thời gian vất vả nhất cuộc đời tôi khi vừa cố gắng học tốt vừa lo làm thêm để trang trải cuộc sống”, anh Hùng chia sẻ.

Đam mê lĩnh vực công nghệ phần mềm, từ năm thứ 3 ĐH, anh đã bắt đầu nghiên cứu và có bài đăng tạp chí. Tốt nghiệp ĐH, anh được giữ lại trường. Năm 2005, anh được cử sang Nhật học thạc sĩ và may mắn được Giáo sư uy tín hàng đầu của Nhật về Công nghệ phần mềm, Takuya Katayama, trực tiếp hướng dẫn. Chỉ có 1 năm để lấy bằng thạc sĩ, anh dường như chạy đua với thời gian trước nhiều sức ép.

Nhận bằng thạc sĩ, anh được Giáo sư Takuya Katayama ưu ái xin học bổng để học lên tiến sĩ 3 năm ở Nhật. Công trình nghiên cứu Kiểm chứng từng phần cho phần mềm dựa trên thành phần trong bối cảnh tiến hóa của anh được đánh giá là một ý tưởng mới, có tính đột phá trong công nghệ phần mềm và có khả năng áp dụng để kiểm chứng các hệ thống phần mềm có yêu cầu cao về chất lượng như kiểm tra giao dịch ở ngân hàng, hệ gạt đường ray của ga tàu, hệ thống điều khiển tên lửa….

Tốt nghiệp tiến sĩ, nhiều cơ hội làm việc ở Nhật, nhưng anh vẫn trở về quê hương cống hiến và truyền lửa đam mê công nghệ phần mềm cho bạn trẻ. Tại quê nhà, anh tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu mới có khả năng ứng dụng thực tế cao.

ThS Lưu Đình Hiệp (Phó giám đốc Trung tâm CNTT địa lý Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Phó Bí thư Đoàn ĐH Bách khoa TPHCM)

Từ năm 1998, khi còn là sinh viên năm thứ 4 ĐH Bách khoa TPHCM, Lưu Đình Hiệp (SN 1976) quyết tâm tìm hiểu sâu kiến thức về hệ thống thông tin địa lý (GIS). Luận văn tốt nghiệp lập bản đồ phủ sóng của hệ thống điện thoại di động ứng dụng công nghệ GIS được đánh giá cao, Hiệp ở lại trường, tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực GIS, Viễn thám (RS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

“Hiệp ấp ủ mong muốn áp dụng GIS trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Suốt 10 năm nghiên cứu khoa học, chàng trai quê đất võ Bình Định có rất nhiều công trình, đề tài đi vào đời sống, có ích trong giảm ô nhiễm môi trường, quản lý và hạn chế dịch bệnh…

Hàng loạt các đề tài của anh đều dính đến môi trường. Mới đây nhất, công trình nghiên cứu GIS quản lý ô nhiễm, quản lý chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở TPHCM của anh đã giúp quản lý môi trường từ xa thông qua mạng internet. “Các nhà quản lý ngồi tại Trung tâm giám sát (Chi cục Bảo vệ môi trường) nhưng có thể theo dõi trực tuyến số liệu phát thải của các KCN, KCX”, Thạc sỹ Hiệp cho biết.

Các loại bệnh như lao, sốt xuất huyết, bạch hầu, dịch tả, viêm não do virut, thương hàn, não mô cầu, SARS, viêm phổi do virut H5N1… đang gia tăng trong khi việc giám sát và phòng chống gặp nhiều khó khăn. Đề tài Ứng dụng GIS phục vụ quản lý dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn TPHCM của Hiệp giúp các nhà quản lý có cái nhìn trực quan về tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại TP, phân tích xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển từ đó ra những quyết định chính xác và kịp thời hơn.

Đề tài còn góp phần nâng cao chất lượng quản lý, cũng như giảm nhẹ thiệt hại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiệp chia sẻ, hiện Sở Y tế TPHCM đang muốn triển khai ứng dụng này đến từng xã, phường, quận huyện để chủ động giám sát tình hình dịch bệnh.

Việt Nam sẽ sớm thành nước mạnh về CNTT

Truyền nhiệt huyết đam mê ngành CNTT, Thạc Sỹ Nguyễn Huy Dũng (văn phòng Bộ TT-TT) cho hay, “Tôi muốn khuyên các bạn trẻ yêu thích CNTT: Các bạn cần có 3 thứ: Niềm tin, sự lãng mạn và đầu óc thực tế. Niềm tin như ngọn gió, sự lãng mạn như cánh diều, thực tế như sợi dây. Một cánh diều chỉ có thể bay cao khi có gió nhưng vẫn phải có 1 sợi dây thực tế nối nó với mặt đất. Tôi rất muốn các bạn có 1 niềm tin mạnh mẽ vào tương lai ngành CNTT của nước nhà, và tương lai của các bạn khi chọn CNTT làm sự nghiệp, mong các bạn luôn luôn giữ được sự lãng mạn ở độ tuổi trẻ như thế này và đừng quên tìm đâu ra sợi dây thực tế nối cánh diều của mình. Có nhiều người như các bạn, Việt Nam sẽ sớm thành nước mạnh về CNTT”.

Kim Tuyến (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

10 ngành kinh doanh sẽ phát triển mạnh

Những ngành kinh doanh nhiều triển vọng là các ngành có chỉ số thu lời khá tốt hiện nay. Các chuyên gia kinh tế Ấn Độ đưa ra 10 ngành kinh doanh đang hồi phục và có thể phát triển mạnh trong năm sau.

Công nghiệp nội dung số

Năm 2010, là năm bản lề để xây dựng định hướng phát triển ngành Công nghệ Thông tin – Truyền thông cho giai đoạn 2011-2020. Công nghiệp phần cứng, điện tử phát triển nhanh về quy mô, đã thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư trực tiếp. 

Cùng chuyên mục