>“Cũng như các ngành kỹ thuật khác trên thế giới và trong nước, ngành Năng lượng nguyên tử nước ta cũng đứng trước thách thức rất lớn về nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển”.
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vừa phối hợp với Hội Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hoà tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ VIII tại thành phố Nha Trang trong các ngày 20-22/8/2009. Nhân dịp này, tạp chí Tia Sáng đã phỏng vấn PGS. TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam về kết quả Hội nghị cũng như một số vấn đề liên quan tới năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về các kết quả nghiên cứu khoa học và các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) tại Việt Nam thời gian vừa qua?
PGS.TS Vương Hữu Tấn: Với gần 300 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và các cơ sở ứng dụng NLNT trong cả nước, Hội nghị đã tổng kết các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực NLNT tại Việt Nam trong 2 năm qua kể từ Hội nghị lần thứ 7 tổ chức tại Đà Nẵng năm 2007. Trên 200 báo cáo khoa học đã trình bày tại Hội nghị, trong tất cả các lĩnh vực của ứng dụng NLNT ở Việt Nam. Nhìn chung các báo cáo có chất lượng cao, nhiều báo cáo xứng tầm quốc tế, có thể công bố trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế, nhiều ứng dụng mới, công nghệ hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam trong 2 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực y tế (PET, PET/CT, gamma knife, cycber knife).
Những nghiên cứu và ứng dụng này đã có đóng góp như thế nào đối với việc phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua?
Các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực NLNT đã cónhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. Hằng năm, có khoảng 20.000 người được điều trị ung thư bằng xạ trị, 500.000 người được chẩn đoán và 50.000 người được điều trị bằng y học hạt nhân. Trên 50 giống cây trồng được tạo ra bằng đột biến phóng xạ, trong đó có những giống chủ lực như giống lúa VND-95-20 (1 trong 5 giống lúa xuất khẩu chủ yếu), giống đậu tương DT84, DT99, DT96 chiếm phần lớn diện tích gieo trồng (trên 50%). Riêng giống lúa đột biến trên đã đem lại doanh thu cho nông dân hằng năm trên 800 tỷ đồng, trong khi tiền đầu tư nghiên cứu tạo ra giống lúa này chưa đến 1 tỷ. Chiếu xạ lương thực thực phẩm đã hỗ trợ tích cực cho ngành xuất khẩu thủy sản và hoa quả. Kỹ thuật hạt nhân đã góp phần đánh giá an toàn các công trình thuỷ điện và các công trình giao thông, xây dựng quan trọng của đất nước. Kỹ thuật đánh dấu hạt nhân đã được sử dụng trong ngành dầu khí để tối ưu quá trình khai thác và tăng cường thu hồi dầu. Nhiều nhà máy công nghiệp đã sử dụng kỹ thuật hạt nhân để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra còn nhiều ví dụ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành khác như tài nguyên, khoáng sản, môi trường,… Điện hạt nhân cũng đã được đầu tư nghiên cứu để có thể đưa vào sử dụng trong thời gian tới ở nước ta.
Là người đứng đầu của cơ quan năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông có cho rằng các nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian qua có đáp ứng được yêu cầu đề ra trong chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình ở Việt Nam?
Đến giờ, Việt Nam vẫn thiếu nhân lực trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, quản lý dự án điện và quản lý môi trường liên quan tới hạt nhân.
Chúng ta đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng khá rộng các kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế – xã hội. Tuy nhiên trình độ và hiệu quả còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành là nhằm mục đích thúc đẩy các ứng dụng NLNT phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên hiện nay Chiến lược mới bắt đầu được triển khai ở các Bộ, ngành bằng việc xây dựng các quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành và quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Phần lớn các Bộ, ngành đang trong quá trình hoàn thiện hoặc mới trình phê duyệt các quy hoạch. Do đó các ứng dụng chủ yếu mới ở dạng tiềm năng.
Mặc dù vậy, một số lĩnh vực như Y tế đã được đẩy nhanh hơn với các dự án xây dựng một số trung tâm, cơ sở y học hạt nhân, xạ trị đã được triển khai. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009, tất cả các quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành và quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải được phê duyệt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ứng dụng NLNT nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược nói trên.
Theo ông, hiện trạng về nhân lực trong ngành NLNT ở Việt Nam, đặc biệt nhân lực phục vụ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam là như thế nào?
Cũng như các ngành kỹ thuật khác trên thế giới và trong nước, ngành NLNT nước ta cũng đứng trước thách thức rất lớn về nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển. Nguyên nhân là không được đầu tư phát triển và đặc biệt là tình trạng phát triển chậm lại của điện hạt nhân trên thế giới sau tai nạn Chernobyl đã dẫn đến thế hệ trẻ không theo đuổi học tập về NLNT. Tuy nhiên hiện nay tình hình đã thay đổi. Trên thế giới điện hạt nhân đã được phát triển trở lại.
Ở nước ta nhân lực cho phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế – xã hội về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ví dụ trong các cơ sở xạ trị đã có khoảng 2.000 người làm việc…
Điều quan tâm nhất của xã hội hiện nay chính là nhu cầu nhân lực cho thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện theo phương thức hợp đồng chìa khoá trao tay với đối tác nước ngoài. Vì vậy, vai trò của chủ đầu tư, các ngành công nghiệp trong nước, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật là hạn chế, không có ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện dự án. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các chủ thể này do đó không phải là vấn đề lớn. Nhân lực vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân sẽ được đào tạo thông qua hợp đồng với đối tác cung cấp nhà máy điện hạt nhân.
Vấn đề lớn, quan trọng là cần sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý cho cơ quan an toàn hạt nhân và cơ quan quản lý môi trường (liên quan đến lĩnh vực hạt nhân-PV) để các cơ quan này có thể đưa ra được các quyết định liên quan đến cấp giấy phép cho dự án từ giai đoạn thiết kế cho đến vận hành. Cho dù ta có sử dụng tư vấn nước ngoài thì vai trò quyết định vẫn phải là người Việt Nam. Hiện nay nhân lực của cơ quan an toàn hạt nhân và cơ quan quản lý môi trường còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án điện hạt nhân.
Viện NLNTVN đã nhận thức tầm quan trọng của công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy từ nhiều năm nay Viện đã có sự hợp tác rộng rãi với các cơ sở đào tạo và ứng dụng NLNT trong cả nước. Bản thân Viện cũng là một cơ sở đào tạo tiến sỹ một số chuyên ngành về NLNT. Viện đã hợp tác với các cơ sở hạt nhân của các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến và cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) xây dựng các chương trình đào tạo chuyên ngành và gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài cho một số cơ sở ứng dụng NLNT ở trong nước.
Gần đây nhất, Viện đã hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Toshiba đào tạo cán bộ về công nghệ điện hạt nhân, hợp tác với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc đào tạo cán bộ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia dự án điện hạt nhân…
Bên cạnh đó, Viện cũng phối hợp tích cực với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT và xây dựng chuyên ngành hạt nhân của Trường Đại học Công nghệ Hà Nội.
Cảm ơn Ông !
P.Vthực hiện
·IAEA đào tạo về an toàn cho chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam
Theo tạp chí Hoạt động khoa học, Cục Năng lượng Nguyên tử (NLNT) phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Khóa đào tạo quốc gia về “Thiết lập hệ thống quản lý tích hợp và văn hóa an toàn cho chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA mã số VIE/4/015 về Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam do Cục NLNT chủ trì.
Giảng dạy tại khóa đào tạo này là các chuyên gia của IAEA và các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Nga, Phần Lan, Tây Ban Nha.
Tham gia khóa học có hơn 30 học viên là cán bộ của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Cục NLNT, EVN và Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tại Khóa đào tạo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về yêu cầu của hệ thống quản lý tích hợp và những khía cạnh liên quan đến văn hóa an toàn trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của IAEA cũng hướng dẫn các học viên thảo luận và xây dựng các hoạt động cần thiết để cải thiện hơn nữa hệ thống quản lý tích hợp và văn hóa an toàn cho cơ quan pháp quy, cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và các tổ chức liên quan của chính phủ.
Theo: (Báo Tia Sáng/Bộ Khoa hoc và Công nghệ)