(Hiếu học) Nhiều bạn quan tâm về cơ hội việc làm của ngành Công nghệ thông tin: Ngành học này có mấy chuyên ngành, điểm chuẩn bao nhiêu, sinh viên được học như thế nào, ra trường làm việc ở đâu?
Ngành Công nghệ Thông tin
Ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) là một trong những ngành đào tạo trọng điểm, trong tương lai gần mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1755. Ngành sẽ trở thành ngành đóng góp rất mạnh mẽ vào GDP Việt Nam.
Hiện nay hầu hết các trường ĐH, CĐ đều mở chuyên ngành này để đáp ứng nhu cầu lớn của thời cuộc hiện nay tiến tới công nghệ số hóa. Bên cạnh đó, điểm chuẩn vào ngành học này lại không cao chỉ dao động từ điểm sàn của Bộ là 13 – 23 điểm. Nhiều sinh viên học ngành này ra trường tìm được ngay việc làm.
Điều đầu tiên để theo học ngành CNTT là bạn nên học tốt Toán và đầu óc tư duy tốt. Ngoại ngữ cũng là điều bắt buộc khi theo học CNTT.
Ngành CNTT có rất nhiều ứng dụng trong các công việc của đời sống, do đó học ngành này xong, bạn có cơ hội làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực truyền thông, an ninh mạng, xử lý dữ liệu số…, có thể đi theo hướng khoa học là nghiên cứu về những thuật toán nhằm tối ưu hóa chúng, nghiên cứu và phát triển về trí thông minh nhân tạo, về khả năng nhận dạng ngôn ngữ… hoặc rất nhiều công việc như sửa chữa máy tính, lắp đặt mạng, thiết kế đồ họa, cài đặt phần mềm….
Công nghệ thông tin hệ ĐH được chia làm năm chuyên ngành là:
– Khoa học máy tính (Computer Science): thiên về các lý thuyết cơ bản của ngành Công nghệ thông tin như lý thuyết tính toán, khoa học vật liệu, lý thuyết xử lý hình ảnh, âm thanh, lý thuyết khai thác cơ sở dữ liệu…
– Kỹ nghệ máy tính (Computer Technology): thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính.
– Kỹ nghệ phần mềm (Software Technology): lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ, ngôn ngữ lập trình.
– Hệ thống thông tin (Information System): lý thuyết và ứng dụng CNTT trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức.
– Ứng dụng Công nghệ thông tin (Information Technology): ứng dụng và triển khai CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.
Mỗi ngành chính lại có thể chia ra một số hướng hẹp hơn như trong Kỹ nghệ phần mềm có thể có hướng chuyên sâu về phần mềm nhúng, về các hệ thống phân tán…
Điểm chuẩn & chỉ tiêu…
Năm 2010, điểm chuẩn ngành CNTT của một số trường như sau:
ĐH Bách khoa Hà Nội: 21 điểm; ĐH Sư phạm Hà Nội: 16 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QGHN): 17 điểm; ĐH Công nghệ (ĐHQGHN): 21,5 điểm; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cơ sở phía Bắc 23 điểm, cơ sở phía Nam: 17 điểm; ĐH Bách khoa TPHCM: 19 điểm; ĐH Bách khoa Đà Nẵng: 17,5 điểm; ĐH Thái Nguyên: 13 điểm; ĐH Điện lực: 15,5 điểm…
– Trường ĐH FPT, cho biết trường mở thêm 5 ngành học mới là: Hệ thống thông tin, điện tử và truyền thông, kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính và kế toán ứng dụng CNTT nhằm bảo đảm định hướng phát triển của trường trong việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
– Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường ĐH công lập quốc tế theo mô hình tiên tiến, đào tạo và cấp bằng theo chuẩn quốc tế LMD (hệ cử nhân 3 năm) cũng vừa thông báo sẽ tuyển 120 sinh viên hệ cử nhân khoa học và công nghệ cùng 100 học viên hệ thạc sĩ chính quy các chuyên ngành công nghệ sinh học – dược học và khoa học công nghệ thông tin và truyền thông.
– Học viện Kỹ thuật Mật mã (Hà Nội) tuyển 250 chỉ tiêu ngành CNTT/ Chuyên ngành An toàn thông tin; chỉ tiêu của ĐH Công nghệ Thông tin là 660; ĐH Bách khoa TPHCM là 330 chỉ tiêu, ĐH Đà Nẵng 240 chỉ tiêu, ĐH Sư phạm kỹ thuật 150…
– Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG Tp.HCM): Năm 2011, trường dự kiến tuyển 660 chỉ tiêu khối A, cụ thể: – Khoa học máy tính 120 CT; – Kĩ thuật máy tính: 120 CT; – Kĩ thuật phần mềm: 150 CT; – Hệ thống thông tin: 120 CT; – Mạng máy tính và truyền thông: 150 chỉ tiêu. Đối với chương trình Kĩ sư tài năng: Trường tuyển 33 sinh viên cho ngành Khoa học máy tính từ nguồn sinh viên hệ chính quy đã hoàn thành giai đoạn 1 (4 học kì) của trường và có kết quả học tập giỏi, xuất sắc, theo thứ tự ưu tiên như sau: Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng; Thí sinh đạt giải trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; Thí sinh trúng tuyển NV1 vào trường. Đối với chương trình tiên tiến: Trường tuyển 40 SV cho ngành Hệ thống thông tin theo quy trình và chương trình của Đại học Oklahoma State University, Hoa Kỳ.
Nói chung về các ngành học CNTT hiện nay đều có nhu cầu rất lớn. Chúng ta đang cạnh tranh với quốc tế nên phải đào tạo ngành công nghệ thông tin chất lượng cao. Đến năm 2015 chúng ta cần 1 triệu kỹ sư về CNTT. Ngành công nghệ thông tin hiện có rất nhiều chuyên ngành khác nhau, cơ hội làm việc của nữ cũng rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, nhiều bạn nữ đang rất thành công trên lĩnh vực này. Đây là ngành rất có tương lai, tuy nhiên, cũng như các ngành khác, để ra trường dễ tìm việc làm, ngoài việc học giỏi chuyên môn thì các bạn lưu ý vấn đề ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và truyền thông.
Chí Thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)