(hieuhoc_hieuhoc.com): Không cần bằng đại học, không cần vốn, không cần kinh nghiệm…, bạn vẫn có cơ hội làm một nghề đang rất “nổi” tại Việt Nam vài năm trở lại đây: nghề môi giới chứng khoán.
Một số công ty chứng khoán mới đang tìm cách mở rộng mảng môi giới của mình bằng việc phát triển hệ thống nhà môi giới chứng khoán, hiện được gọi bằng những cái tên “tây” như remisier hay stock broker – những người không hưởng lương từ công ty, mà sẽ ăn chia khoản phí thu được giữa công ty với khách hàng.
Tiềm năng của nghề môi giới chứng khoán
Với đặc điểm là tính độc lập cao trong công việc, đồng thời có thu nhập cao theo hiệu quả công việc, đây sẽ là một nghề phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian 10 năm tới. Hiện nay, một số công ty chứng khoánđang nhận hồ sơ dự tuyển nghề remisier, trong đó không yêu cầu phải có những bằng cấp cụ thể về tài chính, chứng khoán cũng như kinh nghiệm đầu tư, mà nếu qua vòng sơ tuyển, ứng viên sẽ được công ty hỗ trợ bằng một loạt chương trình đào tạo chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao dịch… Sau đó, việc thành công trong nghề nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng của cá nhân mỗi người.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, phát triển hệ thống nhà môi giới chuyên nghiệp là xu thế tất yếu của các công ty chứng khoán Việt Nam để tăng cường khả năng tìm kiếm và cung cấp dịch vụ chứng khoán đến khách hàng. Vấn đề đặt ra là các công ty chứng khoán đang bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh mới: cạnh tranh về đào tạo và thu hút những nhà môi giới tốt để khơi dậy tiềm năng của một nghề đầy hấp dẫn và mới mẻ này.
Một công ty chứng khoán tuy mới được cấp phép nguyên tắc, nhưng lãnh đạo công ty đã phải tính tới việc phát triển mạng lưới remisier để thâm nhập và chiếm lĩnh thị phần môi giới chứng khoán. Theo dự kiến của vị lãnh đạo này, phí môi giới mang lại từ những khách hàng do remisier tìm kiếm và quản lý sẽ được chia sẻ với công ty chứng khoán theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50, tuỳ theo độ lớn của giá trị giao dịch.
Với việc phân chia phí như vậy, vị lãnh đạo này hy vọng sẽ gắn lợi ích “sát sườn” của nhà môi giới với lợi ích công ty – đây là cái gốc để các remisier nhiệt tâm tìm kiếm, chăm sóc và khuyến khích khách hàng giao dịch.
Những công việc và yêu cầu đối với một nhà môi giới chứng khoán
HỌC Ở ĐÂU?
|
Khoa Thị Trường Chứng Khoán - Đại Học Ngân Hàng TP.HCM
Địa chỉ: Lầu 1- 39 Hàm Nghi, Quận 1, Hồ Chí Minh – ĐT: 08. 2.2390242 – 08. 38216114 |
Một trong những nguyên tắc căn bản vận hành thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian, thể hiện rõ nét nhất với vai trò và hoạt động của các nhà môi giới. Các nhà môi giới là những đại diện thu xếp giao dịch cho khách hàng và hưởng hoa hồng. Người môi giới không mua bán chứng khoán cho mình, họ chỉ là người nối kết và giúp thực hiện yêu cầu của người mua, kẻ bán. Chứng khoán và tiền được chuyển dịch qua lại từ khách bán sang khách mua. Trong quá trình đó nhà môi giới không đứng tên chứng khoán. Quần chúng đầu tư thì gọi họ bằng “customer’s man” hay “stockbroker”.
Khi cung cấp những lời hướng dẫn hoặc tư vấn cho khách hàng trong việc đầu tư chứng khoán hoặc liên quan đến việc mua bán cổ phiếu niêm yết, vai trò của một nhà môi giới là rất quan trọng. Vậy đâu là một stockbroker thực thụ?
– Tiếp xúc và tìm hiểu khách hàng
Điều cần thiết nhất đối với một stockbroker chuyên nghiệp trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng là phải thu thập và tổng hợp thông tin liên quan đến khách hàng.
Các broker thường thu thập và tổng hợp thông tin thông qua việc khách hàng khai tại các mẫu biểu đơn, đơn xin đăng ký làm khách hàng, qua hỏi trực tiếp hoặc qua các hình thức khác để tổng hợp mọi số liệu liên quan đến khách hàng có lợi ích cho việc đánh giá khả năng tài chính của khách hàng và xác định việc cung cấp những lời hướng dẫn và tư vấn đầu tư vào chứng khoán. Sau khi nhận được những thông tin liên quan đến khách hàng, các broker sẽ ghi lại và lưu giữ trong máy tính của mình.
Nếu khách hàng từ chối việc cung cấp thông tin, các broker sẽ cố gắng bằng cách khác để thu thập cho được thông tin của khách hàng. Trường hợp những thông tin thu được từ khách hàng không đủ để đánh giá mức độ rủi ro của họ hoặc không thể đưa ra những hướng dẫn phù hợp với khách hàng thì phải từ chối, không nhận đăng ký từ khách hàng. Còn khi đã nhận khách hàng, với tư cách là một nhà môi giới giỏi, bạn cần quan sát thường xuyên những biểu hiện của họ. Một broker giỏi luôn quan sát tính cách, hành vi của khách hàng, tìm hiểu khả năng tài chính và mức độ tin cậy của khách hàng thông qua các công ty chứng khoán khác hoặc những tổ chức tài chính mà khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ.
– Có những chỉ dẫn phù hợp
Tại phố Wall, Hồng Kông cũng như nhiều thị trường chứng khoán khác, các broker phải cung cấp những lời chỉ dẫn phù hợp với khách hàng trên nguyên tắc:
Lời chỉ dẫn phải phù hợp với mục tiêu đầu tư của khách hàng. Mỗi khách hàng đều có tính cách và mức độ chịu rủi ro khác nhau, vì vậy, khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhân viên môi giới phải làm cho khách hàng hiểu quy luật của việc đầu tư, rủi ro có thể gánh chịu.
Lời hướng dẫn phải tính đến việc phân bổ rủi ro trong đầu tư cho khách hàng, nhất là những rủi ro có thể làm cho khách hàng không đạt được lợi nhuận như mong muốn.
Lời hướng dẫn phải là những số liệu thông tin công khai trước công chúng, không nên dùng những số liệu thông tin là tin đồn hoặc không có cơ sở thực tế. Trường hợp thông tin là ý kiến nhận xét của bản thân thì các broker phải nói rõ cho khách hàng biết đó là ý kiến nhận xét của mình không phải là các số liệu thông tin phân tích thực tế, đồng thời phải để cho khách hàng tự quyết định đầu tư.
Lời hướng dẫn liên quan đến quy mô đầu tư và tần số mua bán phải phù hợp với từng khách hàng và phải tính đến địa vị tài chính và mục đích đầu tư của khách hàng là chính. Không được đưa ra những lời hướng dẫn mua bán chỉ vì mục đích thu phí hoa hồng.
Các broker không được đảm bảo hoặc hứa về lợi ích mà khách hàng sẽ thu được từ việc mua bán chứng khoán, kể cả lời nói hay bằng văn bản. Một broker giỏi sẽ không bao giờ thúc giục khách hàng mua bán mà phải tạo điều kiện cho khách hàng tham khảo thông tin cho đầy đủ trước khi quyết định đầu tư.
– Thực hiện lệnh theo yêu cầu của khách hàng
Thông thường, một broker phải thực hiện lệnh mua bán theo nhu cầu của khách theo thứ tự các bước được quy định sẵn. Việc chuyển lệnh phải đúng theo lệnh đặt của khách hàng và phải cố gắng thực hiện lệnh với giá tốt nhất trong thời điểm đó.
Các broker không được chuyển lệnh giao dịch khi biết khách hàng quyết định mua bán thông qua việc sử dụng thông tin nội gián. Trường hợp biết loại chứng khoán mà khách hàng sẽ mua hoặc bán, hoặc sẽ hướng dẫn cho khách hàng mua bán, các broker không được mua hoặc bán loại chứng khoán đó cho bản thân hoặc cho công ty trước khi mua bán cho khách hàng, dẫn đến việc làm cho khách hàng bị thua thiệt. Một trong những quy tắc của broker trên thị trường là không được quyết định mua bán thay cho khách hàng.
– Cư xử công bằng với khách hàng
Một nhân viên broker chứng khoán giỏi bao giờ cũng cư xử với khách hàng một cách công bằng. Họ sẽ thường xuyên hướng dẫn và thực hiện lệnh cho khách hàng một cách bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Việc công bố báo cáo phân tích hoặc bất kỳ thông tin số liệu nào có thể tác động đến giá cả chứng khoán, nhân viên broker phải cố gắng thực hiện sao cho khách hàng biết một cách đồng đều để khách hàng có thể sử dụng lợi ích từ các báo cáo, thông tin số liệu trên như nhau.
– Yêu tố tôn trọng và bất khả xâm phạm được đặt lên hàng đầu
Một trong những nguyên tắc xuyên suốt tại phố Wall và nhiều thị trường chứng khoán khác là các broker không bao giờ lợi dụng tài sản hay tài khoản giao dịch của khách hàng và phải nghiêm chỉnh thực các hoạt động môi giới theo đúng chức năng của mình.
Các broker trung thực luôn từ chối và tránh xa những lợi ích gì liên quan đến lỗ lãi của khách hàng mặc dù có những trường hợp làm vì mục đích giúp đỡ khách hàng.
– Công bố những xung đột về lợi ích
Trong việc hướng dẫn khách hàng đầu tư, nếu có xung đột về lợi ích giữa công ty với khách hàng hoặc giữa broker với khách hàng mà có thể tác động đến kết quả đầu tư của khách, các broker phải công bố rõ những thông tin liên quan đến xung đột trên cho khách hàng để họ đánh giá, xem xét đầu tư.
Các broker giỏi cần phân biệt đâu là trường hợp được coi là xung đột về lợi ích. Đó là trường hợp công ty nắm giữ, tổ chức phân phối hoặc bảo lãnh phát hành một loại chứng khoán nào đó; công ty hay lãnh đạo công ty có mối quan hệ hoặc có lợi ích với một loại chứng khoán nào đó. Trong những trường hợp này, các broker phải thông báo rõ cho khách hàng biết những ý kiến hướng dẫn về loại chứng khoán đó.
Ngoài ra, trường hợp công ty hoặc nhân viên broker sẽ mua loại chứng khoán mà khách đặt lệnh bán cho chính mình, các broker phải thông báo tin trên cho khách hàng biết để khách hàng xem xét lại, xem giá mà khách hàng đề nghị bán đã là giá tốt nhất trong thời điểm đó chưa.
Giữ bí mật cho khách hàng
Một điều tối cần thiết trong hoạt động của các broker là giữ bí mật, không được công bố những thông tin cá nhân, thông tin về mua bán chứng khoán hoặc thông tin liên quan đến tài chính của khách hàng cho người khác biết. Theo quan niệm chung, hành động trên của các broker có thể tác động đến lợi ích hoặc hình ảnh của khách hàng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của chính khách hàng hoặc việc công bố theo quy định pháp luật về chứng khoán.
Học nghề môi giới chứng khoán ở đâu?
Hiện tại, ở nước ta vẫn chưa có một trường nào đào tạo về nghề này cả. Tuy nhiên, những bạn trẻ có lợi thế về các kiến thưc tài chính, kinh tế, các kĩ năng tư vấn, khả năng giao tiếp… đều có thể làm nghề này. Để có thể thành công trong nghề, sự cố gắng tự học, tự vươn lên trong quá trình hành nghề là điều quan trọng không thể thiếu.
Nguyễn Trọng tổng hợp