Nghề MC và những điều chưa biết sau màn hình

(hieuhoc_hieuhoc.com): Hằng năm, nhìn số thí sinh tham dự các cuộc thi tìm kiếm tài năng MC, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì những con số quá lớn. Như vậy đủ biết sức hút của nghề MC này đối với những người trẻ như thế nào. Hào quang thì rực rỡ như vậy nhưng đằng sau vẻ chói sáng đó là những nỗi niềm không phải ai cũng hiểu được.

Sự lớn mạnh như vũ bão của các đài truyền hình với nỗ lực tăng kênh, tăng giờ phát sóng, với sự bùng nổ của các gameshow, các chương trình giải trí, tất cả đã đẩy MC trở thành cái nghề mà cung không bao giờ đuổi kịp cầu. Sức mạnh của báo hình dễ dàng trở thành bệ phóng đưa những người trẻ mới chập chững vào đời nhưng đầy ắp cả ước mơ lẫn khát vọng thành đạt lên tới đích nhanh nhất. Và chẳng có gì lạ nếu số lượng bạn trẻ đặt MC làm đích đến đang dần tăng theo cấp số nhân.

Có người nghĩ lên sân khấu, trường quay, ngồi trước máy ghi hình nói đôi câu ba điều chả khó chút nào. Làm người dẫn chỉ cần có một chút nhan sắc, một chút giọng nói, cộng với vẻ đẹp của thân hình là có thể làm được MC, trở thành một MC bình thường như mọi nghề. Có khi còn nổi tiếng trong nước và cả thế giới nữa là đằng khác.

Chính vì những khát vọng và lầm tưởng to lớn ấy làm các bạn chỉ quan tâm đến mặt phải của nghề mà bỏ qua hay xem nhẹ mặt trái. Đó là một sự thiếu sót trầm trọng mà hậu quả luôn là những kết thúc không hậu. Vì thế việc tìm hiểu kỹ nghề mình đã chọn là một việc không bao giờ thừa.

Không được đào tạo chính quy

Ở những nước phát triển, nghề MC được công nhận và có hẳn các trường đào tạo MC chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức công nhận nghề MC. Việc đào tạo vì thế cũng rất manh mún. Giáo trình của các trung tâm na ná nhau với các bộ môn như: nghệ thuật làm chủ cảm xúc khi nói trước đám đông, phương pháp viết lời dẫn và biên tập chương trình, kỹ năng hoạt náo căn bản, biên tập ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng phản ứng nhanh, nghệ thuật diễn cảm… Không có một tài liệu chính thống nào cho các khóa học MC tại Việt Nam. Giáo trình học phần lớn do các giảng viên hoặc MC đứng lớp tự biên soạn từ thực tế bản thân. Và từ những thiếu thốn đó sẽ khiến con đường thành công của bạn trở nên dài hơn hẳn.

Những thử thách khi vào nghề

Nghề MC là một nghề rủi ro rất cao gần như chỉ có 1% là an toàn. Một MC có thể có vấp váp nhưng phải quán xuyến được toàn bộ chương trình bằng sự thông minh, tự tin, tự nhiên của mình, có thế bạn mới trở thành MC giỏi. Muốn như thế bạn phải có kiến thức rộng và sâu. Quá trình học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm và vốn kiến thức của nghề MC là những ngày tháng khổ luyện bền bỉ.

Mỗi khi nhắc đến từ “MC” thì ai cũng hiểu đây là những người có chỗ đứng trong lòng công chúng hay nói cách khác, nghề MC là nghề của công chúng. Chính vì điều đó nên các MC phải nỗ lực rất nhiều để có thể khẳng định bản thân mình trước hàng nghìn, hàng triệu người xem. Nếu việc khẳng định bản thân chỉ khó một thì việc giữ vững vị trí phải khó gấp 10 lần, vì một khi đã có “thương hiệu” rồi nếu bạn không biết cách giữ vững thì bạn sẽ không “trụ” trong nghề được nữa.

Khi nhiều người biết đến bạn thì bạn sẽ phải hứng chịu những cái nhìn soi mói và những lời thị phi rất nhiều. Con người không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có một vài lần va vấp và đó sẽ trở thành những cái “cớ” của “búa rìu” dư luận. Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vững vàng đối mặt nên nghề MC cũng phải đòi hỏi bạn những trang bị về kỹ năng ứng phó với dư luận.

Ngoài ra, những “tai nạn” của nghề MC cũng có thể làm bạn trượt dài và không thể nào đứng dậy nổi. Trong một chương trình được truyền hình trực tiếp, nhất cử nhất động của bạn đang bị hàng nghìn cặp mắt quan sát, nếu bạn vô tình mắc sai lầm nào đó (dù chỉ là bạn lỡ lời) liên quan đến tôn giáo, chính trị, chủng tộc…thì có lẽ bạn sẽ không còn cơ hội nào để tiếp tục sự nghiệp MC của mình.

Quy luật đào thải của nghề MC luôn là những tảng đá to ngáng đường của bạn. Một chương trình truyền hình nào đó tuổi thọ trung bình cũng chỉ từ 1 – 5 năm và sau khoảng thời gian đó, dù bạn sẽ dẫn một chương trình khác hấp dẫn hơn nhưng bạn vẫn phải quay lại vạch xuất phát để bắt đầu lại từ đầu. Nếu không may mắn bạn là người thay thế cho nhân vật MC trước đó thì việc bạn bị đem ra so sánh là chuyện hiển nhiên. Lúc này bạn phải nỗ lực hết sức mới mong thoát khỏi cái “bóng” quá lớn ấy.

Lời kết

Mỗi người có một mơ ước và khát vọng riêng cho bản thân. Bạn đến với nghề MC bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ đó là một điều đáng hoan nghênh. Ngoài việc trang bị những kiến thức bạn cũng cần phải tìm hiểu rõ hai mặt của công việc mình sẽ chọn, có như vậy bạn sẽ chuẩn bị được đầy đủ hành trang vào nghề và tránh được việc Vỡ mộng với nghề

Như Tâm tổng hợp

Bài liên quan

MC - Nghề Dẫn Chương Trình Truyền Hình

(hieuhoc_hieuhoc.com): MC, viết tắt của Master of Ceremonies tức người dẫn chương trình Theo nghĩa thông thường được hiểu là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện. Ngày nay, dẫn chương trình được xem là một nghiệp vụ thuộc về lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế người làm nghiệp vụ này cũng được xem là một nghệ sĩ.

Cùng chuyên mục