Công việc của những cán bộ khí tượng thuỷ văn được ví như những người lính. Những người lính canh giữ bình yên lãnh thổ, thì họ canh giữ những biến chuyển thiên nhiên từ mây mưa gió nắng đến dòng sông, vùng biển…Hoàng Văn Sơn, kỹ thuật viên Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ đã nói vui về nghề của mình như vậy.
Thông thường, thời gian mỗi ngày của các cán bộ khí tượng thuỷ văn được chia làm 6 op hoặc 8 op, vào những thời gian cố định để các kỹ thuật viên đi quan trắc.
Bắt đầu từ 7h sáng, cứ 3 tiếng một lần, không kể là khuya khoắt hay mờ sáng, các số liệu về mây, gió vẫn phải cập nhật liên tục chính xác.
Những kết quả đo đạc sau khi được phân tích, chụp ảnh mây sẽ vẽ lên bản đồ, gửi qua Thuỵ Sĩ – Trung tâm thế giới về khí tượng thuỷ văn. Một thời gian ngắn sau, kết quả nhận về không chỉ của Việt Nam, mà có nhiều nước khác trên thế giới, được chuyển từ Thuỵ Sĩ trở về. Đây là lí do vì sao ở Việt Nam nhưng chúng ta có thể biết tận Mỹ, Nga… như thế nào.
Ngay trong thời gian thực tập, SV đã được “nếm đủ” khi phải thực tập ở những nơi xa xôi, hẻo lánh trong điều kiện thời tiết không phải lúc nào cũng “đêm không mưa, ngày nắng, gió nhẹ”.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Thời tiết của trung tâm cho biết, công việc của người trong ngành được chia ra theo các vị trí: dự báo viên – những người có trình độ đại học và sau đại học; kỹ thuật viên là những người đi quan trắc – những người chịu nhiều vất vả, thiệt thòi với công việc thầm lặng của mình.
Cơ hội từ 200 trạm khí tượng mới
Hiện nay, ngoài 2 trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ở ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM) có khoa Khí tượng thuỷ văn – Hải dương học, còn có 2 trường CĐ Tài nguyên và môi trường đào tạo ngành này. Trong nhiều trường hợp, thiếu cán bộ chuyên môn, SV tốt nghiệp ngành Vật lí cũng được nhận về và đào tạo tiếp bằng… thực tế.
Trước đây, phân nửa SV là con cán bộ trong ngành, đầu ra coi như… ổn. Thầy Huỳnh Chức – Trưởng phòng Đào tạo, trường CĐ Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – thẳng thắn, số SV còn lại (học ra không có người đỡ đầu, không biết rõ công việc…), thầy khuyên… chọn ngành khác, có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Chỉ những ai thực sự say mê, không ngại cánh cửa hẹp sẽ sống chết ở lại với nghề.
Bây giờ, đầu ra của ngành khí tượng, thuỷ văn đã rộng cửa. Sắp tới, sẽ có thêm 200 trạm khí tượng thuỷ văn ở các tỉnh, thành. Đồng thời, các sân bay cũng mở thêm những đài quan trắc (trạm đo đạc theo dõi không khí, nhiệt độ, hướng gió…). Nhu cầu cần những người học khí tượng, thuỷ văn là rất lớn chứ không phải như nhiều người vẫn cho rằng, đây là ngành “ế” – Ông Huỳnh Chức cho biết.
Thầy Lê Văn Sơn, giảng viên ngành thuỷ văn thẳng thắn: Ngày đầu nhập môn, giáo viên cũng nói rõ, sẽ có nhiều lúc tác nghiệp trong lũ lụt, chuyện nước cuốn trôi, chết đuối đã xảy ra nhiều… (đây là chuyện xảy ra hàng năm ở trường). Thế nhưng, hàng trăm học trò của tôi chưa em nào bỏ học vì ngại điều này.
Hiện nay, ở các trường CĐ khí tượng thủy văn vẫn chỉ tổ chức xét tuyển. Nhưng để trang bị trình độ qua hết ba năm, số SV chỉ còn nhấp nhỉnh hơn 50%, phần lớn vì lí do học kém, rơi rụng.
Cái hay của ngành học đặc biệt mà SV vẫn thường nói đùa là “khám bệnh ông trời”, “bắt mạch lũ”… là SV được trang bị nhiều kiến thức về vật lý Trái đất, kiến thức rộng về thiên nhiên với những chuyển biến chứ không chỉ là số liệu đo đạc khô khan.
Tuy làm nghề “đo mây, đếm gió”, nhưng tính chất công việc lại đòi hỏi họ luôn cẩn thận, tỉ mỉ bởi những con số, tình trạng luôn đòi hỏi chính xác đến mức… không thể chính xác hơn.
Người làm khí tượng, thuỷ văn còn cần có sức khoẻ và tinh thần dẻo dai để không ngại đến những nơi xa xôi, không ngại thời tiết khó khăn… Không có bài học nào dạy điều này mà là cả quá trình học, chính thầy cô và những anh chị đi trước “ngấm” vào tinh thần chúng tôi tự lúc nào” – Thanh Huyền, SV ngành khí tượng trường CĐ Tài nguyên Môi trường cho biết.
Ngành Khí tượng – Thuỷ văn
Thuỷ văn: đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, xử lí số liệu đo đạc, nắm vững các hạng mục kỹ thuật ở đài, trạm hạng 1. sau khi ra trường làm việc tại các trạm thuỷ văn, trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh thành phố, các đài KTTV khu vực; Ngoài ra có thể làm ở ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành, các cơ quan khác như sở nông nghiệp, PTNT, công ty tư vấn thiết kế điện 1,2,3 hoặc các nhà máy thuỷ điện…
Khí tượng: Có kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, xử lí số liệu đo đạc, nắm vững các hạng mục kỹ thuật ở đài, trạm hạng 1. Sau khi ra trường làm việc tại các trạm thuỷ văn, trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh thành phố, các đài KTTV khu vực, các trạm cao không. Ngoài ra có thể làm việc tại các trạm khí tượng hàng không thuộc các sân bay, các trạm khí tượng thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ban phòng chống lụt bão của tỉnh, thành phố.
Thu Hương(Nguồn: VietNamNet)